Văn học, nghệ thuật cần có nhiều sáng tác mang hơi thở cuộc sống

Thực tiễn đòi hỏi nền văn học nghệ thuật nước nhà phải tự đổi mới bản thân mình để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại mà không bị lạc đường, chệch hướng.

Ngày 12-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về một số đề án, chương trình phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới, hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập nước (1945-2035) và 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2030).

Văn học, nghệ thuật cần có nhiều sáng tác mang hơi thở cuộc sống ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phát biểu tại cuộc làm việc, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn học nghệ thuật nước nhà có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới. Thực tiễn đòi hỏi nền văn học nghệ thuật nước nhà phải tự đổi mới bản thân mình để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại mà không bị lạc đường, chệch hướng.
Văn học, nghệ thuật cần có nhiều sáng tác mang hơi thở cuộc sống ảnh 2 Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Ảnh: VIẾT CHUNG

Các ý kiến cũng đề cập nhiều vấn đề như định hướng thẩm mỹ, tư tưởng của giới trẻ; đầu tư bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ những người làm văn học, nghệ thuật, nhất là thế hệ trẻ; quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới…

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm tự hào với thành tựu nền văn học, nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là từ khi có Đảng; văn học, nghệ thuật đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình, đồng hành cùng đất nước, nhân dân, góp phần và cùng dân tộc vươn lên. Trong quá trình phát triển, mặc dù có những thăng trầm, song luôn luôn xuất hiện những tác giả, tác phẩm xuất sắc, góp phần khắc họa giá trị con người Việt Nam, xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam, khơi dậy sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn học, nghệ thuật đã truyền tải sâu sắc, toàn diện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là sau 35 năm đổi mới, góp phần làm cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng phát triển để có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam, như gần đây mặc dù có chất liệu phong phú, có không gian cho văn học nghệ thuật sáng tạo, phát triển, song chúng ta chưa có những tác phẩm văn học nghệ thuật để đời, đi sâu vào lòng người, xứng tầm với sự nỗ lực, cố gắng, thành quả đạt được của đất nước ta, nhân dân ta, sự vươn lên mạnh mẽ Việt Nam trên trường quốc tế, giúp bạn bè, đối tác quốc tế với tình cảm, sự tôn trọng và ngưỡng mộ dành cho Việt Nam ngày càng hiểu hơn về đất nước, con người, nền văn hóa của chúng ta. Trong thời gian khi cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19, chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc khắc họa được sự khốc liệt của dịch bệnh, cũng như sự kiên cường, hy sinh, đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần cổ vũ, truyền cảm hứng, tạo động lực, khơi dậy sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thách thức và phát triển…

Văn học, nghệ thuật cần có nhiều sáng tác mang hơi thở cuộc sống ảnh 3 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng phải phát triển ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn học nghệ thuật đúng hướng, đúng tầm, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của nhân dân, vì quốc gia dân tộc, xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, quan điểm của Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng phải ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa, nghệ thuật phải lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển. Văn học, nghệ thuật góp phần hướng con người đến “chân, thiện, mỹ” và đây cũng là giá trị cốt lõi của dân tộc ta. Do đó, Liên hiệp Hội cần hoàn thiện các kế hoạch, chương trình, hành động để thực hiện các nhiệm vụ của mình, khắc phục các hạn chế, yếu kém, hoàn thành sứ mệnh đối với đất nước, nhân dân, đồng thời đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá văn học nghệ thuật, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Văn học, nghệ thuật cần phục vụ 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra; tiếp tục xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; tăng cường hội nhập với phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan”; góp phần phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá hình ảnh, thể hiện tầm vóc đất nước trên trường quốc tế; đấu tranh trước các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch…

Trước mắt, Thủ tướng đề nghị Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội viên cần có nhiều sáng tác mang hơi thở cuộc sống, góp phần vào công tác phòng, chống Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, ứng phó với cách thách thức như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên; phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, du lịch…

Tin cùng chuyên mục