Văn hóa tẩy chay

Chiều 1-6, Minh Béo đã tham gia trình diễn vở kịch mang tên Mưa rừng tại sân khấu kịch của mình tại quận 11, TPHCM. Tuy nhiên, trong lần cố trở lại với sân khấu này, gần như Minh Béo đã bị khán giả quay lưng. Hai suất diễn dồn một nhưng chỉ lèo tèo vài người đến xem.
Thời gian qua, dư luận bức xúc trước việc nghệ sĩ Minh Béo từng thụ án tù vì tội ấu dâm tại Mỹ vẫn tỏ ra nhởn nhơ, xem thường dư luận khi liên tục có những trò lố như đăng facebook khoe trở về, livestream diễn trò “nước mắt cá sấu” hòng tạo sự thương cảm cho khán giả. Tuy nhiên, dư luận vẫn liên tục tung ra những bằng chứng cho thấy nghệ sĩ này vẫn tiếp tục đi “gạ tình” khắp nơi. Dù bản án vì tội ấu dâm ở Mỹ vẫn còn nóng hổi thế nhưng Minh Béo vẫn thản nhiên cho công diễn nhiều vở kịch, trong đó có cả những vở kịch dành cho thiếu nhi.
Có ý kiến cho rằng, với một người có tiền án như Minh Béo thì nên xem lại tư cách đạo đức cũng như nên ngừng cấp phép biểu diễn cùng những hoạt động liên quan đến nghệ thuật của anh ta. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, hoàn toàn có lý khi cho rằng không thể vì thái độ và cách ứng xử gây phản cảm với dư luận của anh ta mà cấm, vì trong luật không có quy định về việc này. Ông Võ Trọng Nam bày tỏ quan điểm: “Nếu khán giả muốn Minh Béo không xuất hiện trên sân khấu thì chỉ có họ mới làm được. Đó là họ không đến xem, không mua vé, tẩy chay các sản phẩm liên quan đến Minh Béo”.
Rõ ràng về mặt quản lý nhà nước, chúng ta không thể không cấp phép nếu những vở kịch do Minh Béo và sân khấu anh ta dàn dựng không vi phạm những quy định của Nhà nước, không vi phạm thuần phong mỹ tục… Ở đây, vai trò quyết định lúc này chính là khán giả. Có nghĩa là khán giả thể hiện quyền lực của mình trước những hành vi, biểu hiện lệch lạc, phi văn hóa, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, những giá trị nhân văn… bằng cách “nói không” với chúng. 
Nhìn ra thế giới, dễ dàng nhận thấy, làn sóng tẩy chay của công chúng đủ để quyết định “vận mệnh” sự nghiệp của bất kể ngôi sao nào, dù danh tiếng và tài năng đến đâu. Ngay ở Mỹ, bất kể là ai nhưng một khi tư cách kém cỏi của nghệ sĩ bị vỡ lở, khán giả sẵn sàng và lập tức tẩy chay họ. Còn ở Hàn Quốc, nghệ sĩ nước này muốn sống với nghề và được khán giả yêu mến, thì chỉ có cách là vươn lên bằng thực lực và phải giữ gìn hình ảnh họ thật đẹp, kể cả trong đời tư. Bất cứ một hành động khiếm nhã, thiếu ý thức, thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu tinh thần dân tộc, hay bộc lộ phông văn hóa kém cỏi nào trong cuộc sống, nếu bị “soi” ra đều là chướng ngại vật rất lớn trong sự nghiệp của người nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ phải đau đớn kết thúc sự nghiệp khi vướng vào scandal.
Trong khi đó, ở nước ta, không ít nghệ sĩ dính vô scandal nhưng vẫn bình chân như vại. Thậm chí không ít trường hợp còn cố tình dàn dựng, tạo ra scandal để mong được nổi tiếng. Những Ngọc Trinh, Kenny Sang, Bà Tưng… là những ví dụ điển hình cho hiện tượng phát ngôn gây sốc, hành động lố lăng mà vẫn nổi tiếng, vẫn chễm chệ ghế đầu trong những sự kiện giải trí đình đám của showbiz. Có cảm giác, nhiều người du nhập rất nhanh, tiếp thu rất nhanh và ngả theo rất nhanh những làn sóng văn hóa nước ngoài như K-biz, K-pop, nhưng với văn hóa tẩy chay những nghệ sĩ kém về mặt nhân cách, đạo đức thì dường như lại chưa học được. Chính sự dễ dãi của không ít công chúng là nguyên nhân không nhỏ góp phần tạo nên bức tranh nhộn nhạo, đảo điên mọi giá trị, thước đo của đời sống văn hóa nghệ thuật thời gian qua. Vì vậy, việc công chúng và đặc biệt là truyền thông quyết liệt tẩy chay những nghệ sĩ tư cách đạo đức kém cỏi, đời sống cá nhân lệch lạc, xem thường khán giả, thiếu trách nhiệm công dân… là điều hết sức cần thiết. Thái độ tẩy chay càng được phát huy sẽ càng khiến cho đời sống showbiz được thanh lọc, nghệ sĩ sống và lao động nghệ thuật có trách nhiệm hơn, hướng đến những giá trị nhân văn nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục