Văn hóa nghệ thuật dành cho thiếu nhi: Một mùa “khô hạn”

Với một kỳ nghỉ kéo dài từ sau nghỉ tết đến đầu tháng 5 do dịch Covid-19 đã khiến không khí của ngày Tết Thiếu nhi 1-6 trở nên mờ nhạt. 

Áp lực từ bài vở ở trường học với những tiết kiểm tra dày đặc đã làm cho trẻ con không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, chứ đừng nói tới giải trí và thưởng thức nghệ thuật. Chính bởi thế, “mùa” nghệ thuật dành cho thiếu nhi nhân dịp 1-6 năm nay cũng vì thế mà kém hấp dẫn.

Bày biện cho đủ món

Những ngày cận Tết Thiếu nhi 1-6, nhiều đơn vị nghệ thuật vẫn thận trọng khi đưa ra các chương trình biểu diễn dành cho đối tượng khán giả đặc biệt này. Được cho là “bày biện” đầy đủ các chương trình từ xiếc, kịch, tới tạp kỹ… nhưng những ảnh hưởng của nhiều ngày sân khấu bị “đóng băng” khiến các chương trình cho thiếu nhi không được đầu tư lớn, các suất diễn rất thưa thớt.

NSND Tống Toàn Thắng, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho biết, sân khấu tròn sẽ sáng đèn với chương trình xiếc Cướp biển. Chương trình Cướp biển năm nay được làm mới hơn và cũng chỉ mới có lịch diễn từ ngày 29-5. Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng đánh dấu sự trở lại bằng vở rối cạn không mới Mèo và chuột. Sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc khai màn với vở kịch Cây tre thần (tác giả Lê Thế Song, đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai), kịch bản được lấy tứ từ câu truyện cổ tích Cây tre trăm đốt.

Chỉ duy nhất có Nhà hát Tuổi trẻ, đơn vị nhiều năm duy trì thế mạnh ở các chương trình tạp kỹ cho khán giả nhỏ tuổi, nay vẫn tiếp tục đưa ra chuỗi hoạt động biểu diễn trong dự án Bay lên những giấc mơ đánh dấu sự trở lại nhanh chóng của nhà hát sau thời gian giãn cách xã hội. Các nghệ sĩ háo hức diễn, song tiếc là phụ huynh và khán giả nhí lại chưa có được tâm thế thoải mái đón nhận nghệ thuật khi còn bề bộn bài vở và nỗi lo dịch bệnh vẫn đang phảng phất.

Văn hóa nghệ thuật dành cho thiếu nhi: Một mùa “khô hạn” ảnh 1 Nghệ thuật dành cho thiếu nhi cần sự mới mẻ trong ngôn ngữ, cảm xúc   

NSƯT Xuân Bắc cũng nhìn nhận, mọi năm, trong những ngày trước và sát ngày 1-6, anh và đồng nghiệp luôn trong tình trạng “cháy show”, nhưng năm nay khác hẳn. Tới sát ngày 1-6, nhiều địa chỉ quen thuộc dành cho thiếu nhi vẫn đang thận trọng khi đưa ra lịch diễn. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các nhà tổ chức, nghệ sĩ nhìn nhận lại sự mất cân đối về vai trò, vị trí của nghệ thuật dành cho thiếu nhi trong thời gian qua. 

Đừng bắt các em phải “kiễng chân”

Trong thời đại bùng nổ công nghệ giải trí như hiện nay, việc tìm kiếm những sáng tác, tiết mục nghệ thuật - giải trí giàu giá trị chân - thiện - mỹ để nuôi dưỡng tâm hồn các em thiếu nhi đang là nỗi trăn trở của toàn xã hội. “Nhiều chương trình dành cho thiếu nhi như thi giọng hát nhí, hoa hậu nhí, người mẫu nhí… dường như đang bắt các em phải “kiễng chân” lên…”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ. 

“Có một thực trạng đáng buồn là dù biết việc sáng tạo dành cho thiếu nhi là quan trọng, là một thị trường có khả năng tiêu thụ rất tốt, song bao lâu nay, nghệ thuật dành cho thiếu nhi vẫn chưa được đầu tư xứng tầm. Điều này cũng giống như việc con mình muốn ăn gì thì ai trong chúng ta cũng có thể lên thực đơn chuẩn xác như một chuyên gia dinh dưỡng, nhưng không ai dựng lên được một “thực đơn cho tâm hồn” để những đứa trẻ biết mình cần đọc cái gì, nghe gì, xem gì, giao tiếp với ai…”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.

Chia sẻ kỹ hơn về việc sáng tác cho trẻ em, nhà văn Nguyễn Quang Thiều kể: “Tôi đã đến rất nhiều hội chợ sách quốc tế, gần đây nhất là hội chợ sách quốc tế tại Cuba. Càng đi, tôi càng thấy sách thiếu nhi ở Việt Nam quá ít ỏi. Chúng ta có thể dịch sách thiếu nhi nước ngoài, nhưng nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì vẻ đẹp tâm hồn các em sẽ dần rời xa nơi chúng sinh ra và lớn lên. Cho nên, sự khan hiếm văn học thiếu nhi là một cảnh báo. Ngay ở Hội Nhà văn Việt Nam, lâu nay, giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi hầu như không có”.

Văn hóa nghệ thuật dành cho thiếu nhi: Một mùa “khô hạn” ảnh 2 Nghệ thuật dành cho thiếu nhi cần sự mới mẻ trong ngôn ngữ, cảm xúc   

Nhà phê bình Nguyễn Hòa cũng đồng tình khi cho rằng, đã đến lúc nhà văn viết cho thiếu nhi cần thay đổi cách nhìn và cả cách thức mang văn chương đến với các em. Khi đối tượng bạn đọc đã đổi thay, ngòi bút của nhà văn cũng cần đổi thay để luôn là “đôi bạn cùng tiến”. Và muốn trẻ em đọc tác phẩm của mình, nhà văn cần hòa nhập vào thế giới của các em để đồng cảm, để hiểu, suy ngẫm và nảy sinh ý tưởng sáng tạo. 

Không chỉ trong văn học mà với mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu, việc sáng tác dành cho thiếu nhi lâu nay vẫn mới chỉ dừng lại ở các hoạt động mang tính “thời vụ”. Với tâm lý là một món quà nghệ thuật, các vở diễn, chương trình dành cho thiếu nhi chỉ được thực hiện vào dịp Tết Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu… Đẹp về hình thức thể hiện với sân khấu rực rỡ, trang phục bắt mắt, song phần lớn các chương trình mới chỉ chạm đến cảm xúc về thị giác, chưa có đầu tư sâu về thể hiện cũng như nội dung.

“Tiếp xúc với trẻ em, tôi thấy chúng hiểu biết và tiến xa hơn mình tưởng tượng. Chúng ta phải học, hiểu, gần gũi để cảm được những điều chúng quan tâm. Nếu cứ rao giảng đạo lý thì chúng chỉ ngồi nghe chứ không ngấm vào đầu được đâu. Trong sáng tạo, điều này rất quan trọng: Dám nghĩ, dám làm, tiếp thu tất cả những cái văn minh, nhân văn, tử tế của nhân loại, nhưng vẫn có cá tính, bản lĩnh của riêng mình. Đó chính là tinh thần hiệp sĩ”, họa sĩ Thành Chương bày tỏ.

Giáo dục bằng nghệ thuật là hướng đi vô cùng quan trọng đối với thiếu nhi trong bối cảnh có rất nhiều loại hình giải trí lắm hệ lụy hiện nay. Bởi thế, nghệ thuật có thể đến được với thiếu nhi, luôn cần sự thấu hiểu sở thích, cần đồng hành với sự phát triển của trẻ, để từ đó nghệ thuật dành cho các em luôn luôn mới mẻ, trong sáng và gần gũi với mọi lứa tuổi.

Tin cùng chuyên mục