Văn hóa giao thông

Việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông rất cần thiết, nhưng chỉ giúp giải quyết được “phần cứng”. Vẫn còn đó hàng loạt vấn đề thuộc “phần mềm” cần tăng cường tuyên truyền, quan tâm cải thiện nhiều hơn. Bởi tình trạng thiếu ý thức chấp hành luật giao thông vẫn diễn ra thường xuyên
 Khi kẹt xe, nhiều người điều khiển xe 2 bánh chạy cả lên lề đường
Khi kẹt xe, nhiều người điều khiển xe 2 bánh chạy cả lên lề đường
Hồi giữa tháng 6-2017, cộng đồng mạng xôn xao với clip ghi lại hình ảnh một chàng trai (được cho biết đến từ Nhật Bản) khi sang đường bất ngờ gặp một ô tô băng tới. Ngay lập tức, người lái ô tô (là người Việt Nam) đạp thắng giữa dòng xe cộ đông đúc dồn lên từ phía sau để nhường đường cho chàng trai. Đáp lại, trước khi chạy nhanh qua đường, người thanh niên nọ không quên hướng nhìn về người lái ô tô và cúi đầu cảm ơn. 
Câu chuyện nhỏ về cách ứng xử đẹp của cả thanh niên đi bộ và người lái ô tô nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng mạng. Bởi, trước thực trạng giao thông ở Việt Nam, không quá khó để bắt gặp cảnh nhiều người phóng xe đi ngang đi ngược, chen lấn, leo lên vỉa hè, thậm chí cãi nhau dữ dội chỉ để dành phần đi trước. Gặp lúc trời mưa, đường ngập lại càng tệ hại hơn. Ai cũng nôn nóng, sẵn sàng cự cãi và dễ bộc lộ lối ứng xử thiếu văn hóa khi va quẹt. Chưa kể, một nỗi ám ảnh khác đối với người đi đường còn đến từ các xe buýt. Nhiều tài xế xe buýt vội vàng dừng đậu rất ẩu và gây mất an toàn cho cả người lên xuống xe buýt lẫn người đi đường.
Trở lại đô thị TPHCM, với tốc độ dân số xấp xỉ 13 triệu người, áp lực rất lớn về hạ tầng giao thông khi số lượng xe máy, ô tô liên tục tăng vọt. Điều này khiến diện tích giao thông tĩnh như đường sá, bến bãi không đáp ứng nổi, kéo theo tình trạng kẹt xe ngày một nghiêm trọng. Chính quyền TPHCM đang nỗ lực và dành nhiều ưu tiên về nguồn lực tài chính để cải thiện hạ tầng giao thông. Trước mắt, theo kế hoạch, thành phố sẽ phát triển các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng hiện đại gồm 8 tuyến metro, 6 tuyến buýt nhanh (dự án giao thông xanh); các tuyến đường trên cao và nhiều công trình hạ tầng giao thông đi kèm như bến bãi, trạm dừng, hệ thống điều khiển, đèn giao thông song song với tổ chức lại luồng tuyến, cải thiện năng lực hệ thống xe buýt thường, mở rộng đường sá…
Chính quyền TPHCM cũng đang gấp rút vừa phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông theo quy hoạch, vừa hình thành hệ thống giao thông thông minh (ITS) để hạn chế tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông vốn ngày càng diễn biến phức tạp. Thành phố cũng sẽ đầu tư trung tâm điều hành giao thông đô thị trong giai đoạn 2016-2020 để quản lý và điều hành toàn bộ hệ thống giao thông, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, hiện đại. 
Việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông như nói trên là rất cần thiết, nhưng đó mới chỉ giúp giải quyết được “phần cứng”. Vẫn chưa đủ, bởi còn đó hàng loạt vấn đề thuộc “phần mềm” cần tăng cường tuyên truyền, quan tâm cải thiện nhiều hơn. Bởi đây đó vẫn còn tình trạng thiếu ý thức chấp hành luật giao thông khi tham gia lưu thông trên đường phố.
Một chuyên gia về giao thông chia sẻ, chủ trương xây dựng TPHCM trở thành một “thành phố thông minh” là phù hợp với xu hướng phát triển chung toàn cầu. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đề xuất, cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ trong triển khai thực hiện các giải pháp cho từng lĩnh vực riêng lẻ như: giao thông, y tế, giáo dục, môi trường... Trong đó, tính tuyên truyền, giáo dục, siết lại kỷ cương, thêm cơ sở pháp lý ràng buộc tính chấp hành để dần dà nâng cao ý thức của mỗi người là rất quan trọng. Ngay cả khi cơ sở vật chất, hạ tầng các lĩnh vực trên đều đạt đến mức độ hiện đại của một đô thị thông minh mà trình độ thụ hưởng thiếu văn minh thì cũng trở nên vô nghĩa. 
Nói cách khác, muốn có “thành phố thông minh” lấy con người làm trung tâm phát triển toàn diện thì phải hội đủ các yếu tố: con người thông minh, ứng xử có văn hóa trong một đô thị phát triển hiện đại.

Tin cùng chuyên mục