Văn hóa động lực cho phát triển: Yêu nước, nhân ái và nghĩa tình

LTS: Ngày 24-11-2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại một cách sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về văn hóa đã đạt được thành tựu, khó khăn và cả những hạn chế, tồn tại gì? Vệt bài Văn hóa - Động lực cho phát triển với mong muốn điểm lại những thành tựu nổi bật, cũng như chỉ ra một số thách thức đối với lĩnh vực văn hóa trong xu thế hiện nay.

Trong chiến lược hành động hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người, Việt Nam luôn đề cao giá trị truyền thống nhân ái, nghĩa tình và sức sáng tạo đặc trưng của văn hóa ứng xử. Từ những hình ảnh, việc làm bắt gặp hàng ngày, qua những câu chuyện đã lan tỏa những giá trị mới của văn hóa thích ứng với yêu cầu phát triển xã hội.      

Những phương thức sáng tạo 

Ở thời điểm tháng 4-2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện tại TPHCM gây ra những lo ngại, khó khăn cho cuộc sống, mưu sinh của một bộ phận cư dân là công nhân, lao động nghèo thì tại con hẻm nhỏ trên đường Vườn Lài (quận Tân Phú) xuất hiện một điểm phát gạo từ thiện. Khác biệt ở điểm phát gạo từ thiện này là không có người trao, chỉ có người nhận xếp hàng dài, tới lượt ai thì đến trước đầu vòi một chiếc máy, hứng chiếc bao nhỏ, nhấn nút là gạo bên trong chảy ra.

ATM gạo - một mô hình giúp người dân vượt qua khó khăn trong dịch Covid-19. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Những ngày đầu, điểm này mỗi ngày phát hơn 100 phần gạo (mỗi phần 1,5kg), về sau tăng dần, dòng người xếp hàng nhận gạo có ngày lên đến vài trăm người. Người hiếu kỳ ở khắp nơi cũng tìm đến đăng hình giới thiệu và gọi điểm phát gạo từ thiện này là “chiếc máy thần kỳ”, “địa chỉ yêu thương”… Chỉ đến khi chủ nhân của “chiếc máy thần kỳ” căng băng rôn giới thiệu điểm ATM gạo với dòng chữ “Ai cần cứ đến nhận” thì mọi người mới nhận ra phương thức làm từ thiện rất sáng tạo của chàng kỹ sư trẻ Hoàng Tuấn Anh - CEO PHGLock. 


Bà Nguyễn Thị Hà, ngụ xóm trọ phường Tân Kỳ (quận Tân Phú) - người nhiều lần nhận được túi gạo nghĩa tình từ ATM gạo, nhớ lại: “Nhà có 4 miệng ăn, mình tôi bán vé số nuôi cả nhà. Nhờ ATM gạo này mà cả xóm trọ trong những ngày khó khăn đều có gạo ăn”. Không chỉ xóm trọ của bà Hà, mà còn hàng ngàn công nhân, lao động nghèo, người khuyết tật các khu trọ ở khắp nơi đã nhận được những túi gạo nghĩa tình từ hàng chục ATM gạo đặt tại trụ sở UBND các xã phường, thị trấn, con hẻm, ngôi chùa, điểm sinh hoạt văn hóa khu phố, ấp… Không dừng lại ở ATM gạo, Hoàng Tuấn Anh và sau đó là nhiều người khác nữa trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước, đã cho ra đời các “ATM thực phẩm”, “ATM oxy”, “ATM việc làm”, “siêu thị 0 đồng”, “tủ lạnh yêu thương”, giúp hàng chục ngàn người vượt qua khó khăn.

Hình ảnh và việc làm nhân ái, nghĩa tình của người dân Việt Nam còn được thể hiện qua nhiều hoạt động, phong trào xã hội rộng khắp, các cuộc vận động lớn như “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”… Đặc biệt, đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã đóng góp hàng hóa, trang thiết bị y tế, thực phẩm thiết yếu và tiền của, công sức lên đến hàng ngàn tỷ đồng. 

Chung tay làm văn hóa

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhận định đã có những bước chuyển quan trọng về xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội theo tiêu chí văn minh - sạch đẹp - an toàn, kết hợp với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cải cách hành chính, loại bỏ thủ tục gây phiền hà cho dân, xây dựng tác phong công nghiệp, văn minh lịch sự trong giao tiếp ứng xử, phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư, phát triển với các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giao lưu, ký tặng sách bạn đọc ở Đường sách TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Một điều đáng ghi nhận là sự chung tay của cả cộng đồng trong việc “làm văn hóa”. Trong lĩnh vực sân khấu, lễ hội, giải trí, nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật do các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập thực hiện đã thể hiện ở quy mô, chất lượng đầu tư, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Có thể kể đến sự chung tay ở mảng xuất bản, truyền hình, phim ảnh, sân khấu… đã làm tươi mới hoạt động văn hóa nghệ thuật. Người xem có nhiều sự lựa chọn hơn, tạo sự cạnh tranh lành mạnh với các đơn vị công lập trong việc tạo ra các sản phẩm văn hóa tiếp cận khán giả. 


Theo NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, để đạt được mục tiêu xây dựng con người TPHCM với tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, đồng thời mang nét đặc trưng nhân ái, nghĩa tình, trong các chương trình, kế hoạch hoạt động, Đảng bộ và chính quyền TPHCM luôn chú trọng phát triển đa dạng hóa các loại hình văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân. Trong đó, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Ngoài các đơn vị nghệ thuật công lập, hiện TPHCM còn có nhiều đơn vị nghệ thuật ngoài công lập do các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động với nhiều chương trình, vở diễn phục vụ công chúng ở nhiều địa bàn dân cư, góp phần cho hoạt động nghệ thuật thêm sinh động.

Đồng chí PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM: 

Xây dựng, phát triển văn hóa, con người toàn diện

Xây dựng con người TPHCM với tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội mang những nét đặc trưng nhân ái, nghĩa tình là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cơ bản, lâu dài của Đảng bộ và chính quyền thành phố. Trước hết là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tập trung chỉ đạo thực hiện cuộc vận động tu dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh trong cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, tiến bộ, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cơ bản, lâu dài của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM.

Đặc biệt, đức tính nghĩa tình, nhân ái ngày càng thể hiện rõ nét trong tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhất là đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua. Các phong trào, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội đã huy động, phát huy sức mạnh toàn xã hội chăm lo cho đời sống của nhân dân thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần bồi đắp lý tưởng, nhân cách sống, phát huy truyền thống tốt đẹp tương thân tương ái, nghĩa tình.

__________

PGS-TS LÂM NHÂN, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TPHCM: Thách thức của văn hóa khi mở cửa, hội nhập quốc tế

Khi chúng ta mở cửa, hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế thì cái xấu, cái tốt như luồng gió thổi tràn vào. Nhưng do thiếu sự chuẩn bị những giá trị mới cho văn hóa nên sự chống đỡ những cái xấu trong văn hóa từ bên ngoài xâm nhập vào chưa tốt. Đây là thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt. Thứ hai là thách thức về sự cạnh tranh với thế giới, do nhiều nước đã có sự chuẩn bị rất kỹ khi mở cửa, hội nhập. Nhiều giá trị văn hóa mới chúng ta chưa tiếp cận được, còn bỡ ngỡ và đối mặt với những khó khăn. 

Hay vấn đề du lịch phát triển kinh tế, chúng ta còn có những bất cập giữa du lịch và văn hóa, nó không gắn kết với nhau. Du lịch dựa vào văn hóa để thu lợi kinh tế. Việc tái đầu tư cho văn hóa để khai thác du lịch chưa được quan tâm, chỉ chú trọng vào đầu tư, mở rộng các loại hình du lịch, còn văn hóa thì không chú trọng đến. Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị chu đáo về quảng bá, giáo dục… thì không những chúng ta không bảo tồn, giữ được những giá trị mang tính cốt cách văn hóa người Việt, mà còn làm cho cái xấu của bên ngoài tràn vào, xóa dần đi giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục