Vận hành hồ chứa nước an toàn trong mùa mưa lũ

Thời gian qua, TPHCM đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Công ty TNHH MTV 
Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và Công ty Thủy điện Trị An trong việc điều tiết tích nước và xả nước hợp lý, phòng tránh xảy ra tổ hợp bất lợi triều cường, mưa lớn kết hợp xả lũ, 
Một đoạn sông Sài Gòn Ảnh: An Minh
Một đoạn sông Sài Gòn Ảnh: An Minh

Thời gian qua, TPHCM đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Công ty TNHH MTV 
Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và Công ty Thủy điện Trị An trong việc điều tiết tích nước và xả nước hợp lý, phòng tránh xảy ra tổ hợp bất lợi triều cường, mưa lớn kết hợp xả lũ, nhất là vào các tháng 9, 10, 11, 12 (thời gian cao điểm triều cường), để vừa bảo đản an toàn công trình vừa giảm thiểu ngập lụt cho vùng hạ du, trong đó có TPHCM; đồng thời đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt, đẩy mặn, bảo vệ môi trường trong các tháng mùa khô... Đến nay, chưa xảy ra sự cố thiệt hại do xả lũ của 2 hồ Dầu Tiếng và Trị An.

Tuy nhiên, báo cáo với Bộ Tài nguyên - Môi trường về thực hiện công tác chuẩn bị vận hành điều tiết các hồ chứa nước trong mùa mưa lũ 2018, UBND TPHCM cho biết, hiện TP vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa nước trên lưu vực sông Đồng Nai, khi mực nước tại Trạm thủy văn Phú An đạt giá trị theo quy định là 1,3m, vận hành hồ với lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng nước đến hồ nhằm giảm lũ cho hạ du, nhưng phải đảm bảo lưu lượng xả không quá 200m3/giây và mực nước hồ không vượt quá cao trình 25,1m. Tuy nhiên, trên thực tế, mực nước tại Trạm thủy văn Phú An trên sông Sài Gòn trong các tháng mưa lũ, đỉnh triều thường xuyên đạt giá trị lớn hơn 1,3m, kể cả khi không phải chu kỳ triều cường cao; đồng thời trong mùa lũ, lưu lượng đến hồ làm cho mực nước hồ luôn vượt mực nước cao nhất trước lũ (cho dù xả lũ đến lưu lượng 200m3/ giây) nên gây khó khăn cho công tác vận hành điều tiết hồ Dầu Tiếng theo đúng quy định để đảm bảo an toàn công trình và giảm lũ cho vùng hạ du. 

Bên cạnh đó, theo quy định tại Quyết định 632/2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước, thì mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên sông Sài Gòn tại Trạm thủy văn Phú An là cấp I (1,3m), cấp II (1,4m) và cấp III (1,5m). Trong khi đó, thực tế hiện nay trên địa bàn TPHCM, mực nước tại Trạm thủy văn Phú An trong những năm gần đây đều thường xuyên vượt mức báo động cấp I, kể các các tháng trong mùa khô mực nước triều cũng có thể đạt 1,3m. Riêng đối với các tháng mùa lũ, mực nước triều cường thường vượt mức báo động cấp III, đặc biệt đỉnh triều cường hiện đã đạt 1,71m (vào lúc 5 giờ ngày 2-2-2018). Tuy nhiên, việc mực nước tại Trạm thủy văn Phú An vượt mức báo động cấp I đến mức báo động cấp III không gây ảnh hưởng nhiều cho TP. Để có được kết quả trên là nhờ có sự chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó của TP; đồng thời, hệ thống bờ bao, đê bao của TP trong những năm gần đây được xây dựng, tu bổ, gia cố với cao trình bằng hoặc trên 2,2m, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu ngăn triều cường ở mực nước trên 1,4m. 
Nhằm nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức vận hành, điều tiết hồ chứa, UBND TPHCM vừa chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP từ nay đến cuối năm 2018 tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, quyết định phương án điều tiết, ban hành lệnh vận hành các hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai; tham mưu các biện pháp ứng phó với triều cường, mưa lớn và xả lũ để bảo vệ an toàn dân cư khu vực hạ du. TPHCM cũng yêu cầu Bộ Tư lệnh TP, lực lượng Thanh niên xung phong TP, Công an TP và các cơ quan, đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống khẩn cấp do xả lũ gây ra, triển khai công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn khi xả lũ với lưu lượng lớn do tác động của thời tiết cực đoan.

Để có kinh phí duy tu, sửa chữa các hệ thống công trình phòng chống thiên tai, UBND TP yêu cầu Sở Tài chính tham mưu cho TP hỗ trợ kinh phí để Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tu sửa các hạng mục của hệ thống công trình phục vụ công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho hạ du trong mùa mưa lũ 2018. Ngoài ra, TP cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và Công ty Thủy điện Trị An thực hiện tốt công tác vận hành đảm bảo mực nước trước lũ và tích nước cuối mùa lũ; nâng cao công tác dự báo. Riêng Công ty Thủy điện Trị An sớm xây dựng và phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập thủy điện Trị An để phục vụ công tác lập phương án phòng chống lũ, lụt thuộc khu vực TPHCM.
 
Để vận hành, điều tiết các hồ chứa nước trong mùa lũ an toàn, UBND TP kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và các đơn vị, địa phương có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh điểm a khoản 2 Điều 12 Quy trình vận hành hồ Dầu Tiếng tại Quyết định 417/2016 của Chính phủ, nhằm đảm bảo công tác vận hành hồ Dầu Tiếng hiệu quả. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trình Chính phủ điều chỉnh nâng mức báo động lũ tại Trạm Thủy văn Phú An trên sông Sài Gòn với mức báo động cấp I là 1,4m; cấp II là 1,5m và cấp III là 1,6m.

Tin cùng chuyên mục