Vẫn giữ Quỹ Phòng chống thiên tai

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai (PCTT) Trung ương để tiếp nhận hỗ trợ trực tiếp nước ngoài và điều tiết từ Quỹ PCTT cấp tỉnh là cần thiết. Dự thảo Luật đã quy định rõ về nguồn thu của Quỹ PCTT Trung ương, của cấp  tỉnh; việc điều tiết giữa Quỹ PCTT trung ương với các Quỹ PCTT cấp tỉnh; giữa các Quỹ PCTT cấp tỉnh; nguyên tắc hoạt động của Quỹ PCTT...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng

Chiều 28-5, báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai (PCTT) và Luật Đê điều, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung một số loại hình thiên tai như “sương giá”, “triều cường”, “giông lốc”, “lún sụt”; “cháy rừng do tự nhiên” là loại hình thiên tai để chủ động phòng, chống và sử dụng hiệu quả Hệ thống Ban chỉ đạo, chỉ huy PCTT cho công tác này. 

“Tiếp thu ý kiến ĐB, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung cháy rừng là một loại hình thiên tai đặc thù. Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định rõ cháy rừng ở mức độ nào sẽ được điều chỉnh Luật PCTT. Tuy nhiên, “sương giá”, “triều cường”, “giông lốc”, “lún sụt” là các dạng thể hiện của các loại hình thiên tai đã được quy định trong Luật như: triều cường là một dạng của ngập lụt, sương giá là kết hợp của sương muối và rét hại... Do vậy, xin phép Quốc hội không bổ sung các loại hình thiên tai này trong Dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng giải trình.
Cho rằng giải thích này chưa thực sự thoả đáng, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) phản ánh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tại địa phương này đã xuất hiện những hiện tượng như sạt lở, sụt lún đất, nhưng là do hạn hán mà không phải do “dòng chảy” như định nghĩa trong dự thảo Luật. “Những hiện tượng này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp xác nhận là hệ quả thiên tai, gây chia cắt địa hình, đe doạ tính mạng và cuộc sống của nhân dân địa phương. Đề nghị dự thảo Luật bổ sung vào cho rõ”, ĐB Yến Linh kiến nghị.

Nữ ĐB cũng cho rằng nên quy định Luật này có hiệu lực ngay từ ngày 1-1-2021, tạo cơ sở pháp lý để kịp thời ứng phó với thiên tai; hơn nữa, những nội dung sửa đổi không lớn, có thể thực hiện ngay.

Một nội dung khác được nhiều ĐBQH bày tỏ quan tâm là quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai. Mặc dù đa số ý kiến tán thành sự cần thiết thành lập quỹ PCTT trung ương và đề nghị quy định rõ nguồn tài chính của Quỹ; nguồn thu, cơ chế sử dụng, việc điều chuyển Quỹ trong Luật để tránh trùng lặp, làm rõ có phát sinh thêm bộ máy không…; nhưng cũng có kiến khác cho rằng không nên thành lập Quỹ này vì nguồn huy động của quốc tế ngoài ngân sách là không lớn và đã có các tổ chức huy động và tiếp nhận.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng giải trình: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thành lập Quỹ PCTT Trung ương để tiếp nhận hỗ trợ trực tiếp nước ngoài và điều tiết từ Quỹ PCTT cấp tỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đã quy định rõ về nguồn thu của Quỹ PCTT Trung ương, của cấp tỉnh; việc điều tiết giữa Quỹ PCTT trung ương với các Quỹ PCTT cấp tỉnh; giữa các Quỹ PCTT cấp tỉnh; nguyên tắc hoạt động của Quỹ PCTT và giao Chính phủ quy định cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt và thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư”.

Tin cùng chuyên mục