Vấn đề người di cư: EU đang đánh mất giá trị nhân đạo

Ngày 11-8 (giờ địa phương), tàu Ocean Viking đã cứu thêm 81 người di cư gặp nạn ngoài khơi Libya, nâng tổng số người được tàu này giải cứu tại vùng biển trên trong 3 ngày liên tiếp lên 251 người.
 Người di cư được lực lượng cứu hộ trên tàu Ocean Viking giải cứu. Ảnh: AP
Người di cư được lực lượng cứu hộ trên tàu Ocean Viking giải cứu. Ảnh: AP

Hoạt động cứu hộ diễn ra giữa lúc quan hệ giữa Italy và những nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU) căng thẳng xung quanh vấn đề tiếp nhận người di cư.

Bất chấp lệnh cập cảng 

Tàu Ocean Viking được đăng ký tại Na Uy, đang hoạt động ở vùng biển quốc tế cách bờ biển của Libya khoảng 50 hải lý. Đây là chiến dịch cứu hộ mới nhất trong nhiều ngày qua của tàu Ocean Viking, do các tổ chức từ thiện Pháp gồm Bác sĩ không biên giới (MSF) và SOS Địa Trung Hải vận hành. Những người di cư vừa được giải cứu chủ yếu là nam giới người Sudan rời Libya ngày 10-8 trên một chiếc thuyền cao su. Theo MSF, khoảng 80% số người di cư vừa được cứu ở độ tuổi từ 18 - 34, 17% ở độ tuổi dưới 18. Tất cả được giải cứu khi đang trong tình trạng kiệt sức. 

Do tình hình an ninh và chính trị bất ổn, Libya đã trở thành điểm quá cảnh được nhiều người di cư trái phép lựa chọn để vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Thời gian gần đây, điều kiện thời tiết thuận lợi tại nước này đã khiến cho dòng người di cư trái phép tăng lên, đặc biệt là ở ngoài khơi bờ biển phía Tây. Tuy nhiên, các hoạt động cứu hộ diễn ra giữa lúc quan hệ giữa Italy và những nước thành viên khác trong EU căng thẳng xung quanh vấn đề tiếp nhận người di cư. Theo một sắc lệnh mới của Chính phủ Italy, tàu vi phạm vùng biển của nước này có thể bị phạt tới 1 triệu EUR.

EU đùn đẩy, người di cư lênh đênh

Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini đã gửi thông điệp cảnh cáo tới Chính phủ Na Uy, đồng thời tuyên bố cấm tàu Ocean Viking đi vào lãnh hải nước này. Còn Bộ trưởng Tư pháp và kiểm soát nhập cư Na Uy Joran Kallmyr thì phát biểu trên truyền hình quốc gia rằng, những người nhập cư nên được “đưa trả về châu Phi, hoặc về Tunisia hoặc Libya”. Bộ trưởng Joran Kallmyr nêu rõ: “Họ không nên được đưa tới châu Âu, bởi hành động này sẽ tiếp tay cho vấn nạn di cư hơn là một hoạt động cứu hộ”. Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ Italy Salvini cũng cấm tàu cứu hộ Open Arms của Tổ chức từ thiện Proactiva Tây Ban Nha cập cảng của Italy. 

Ngoài tàu Ocean Viking, trên tàu Open Arms hiện có 160 người di cư, trong đó có 121 người đã ở trên tàu trong 10 ngày để chờ những nước EU tiếp nhận họ. Tàu Open Arms của Tây Ban Nha vẫn đang lênh đênh trên biển kể từ sau khi Malta và Italy từ chối yêu cầu cho phép tàu cập bến. Việc con tàu cứu hộ này vẫn phải lênh đênh trên biển cho thấy, các nước thành viên EU vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung cho bế tắc hiện nay. Chính phủ Italy cho rằng, Tây Ban Nha mới là nước cần tiếp nhận lượng người di cư này. Tuy nhiên, từ sau khi đồng ý tiếp nhận tàu cứu hộ Aquarius hồi năm 2018 trong một vụ bế tắc tương tự, Chính phủ Tây Ban Nha đã có quan điểm cứng rắn hơn khi cho rằng, tàu Open Arms cần tìm một bến cảng khác ngoài Tây Ban Nha để cập bờ.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli đã gửi thư tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nêu rõ, tình hình đang rất nghiêm trọng, cần hành động ngay lập tức. Theo ông, nếu EU không thể bảo vệ những người di cư thì đồng nghĩa với việc khối này sẽ đánh mất những giá trị nhân đạo theo đuổi lâu nay.

Hiện các tổ chức quốc tế đang kêu gọi cộng đồng hỗ trợ 2 con tàu không thể vào bờ trên. Không được vào bờ, nhu yếu phẩm trên tàu cạn dần, tất cả đã đẩy tính mạng của những người trên tàu vào tình thế nguy hiểm.

Tin cùng chuyên mục