Vấn đề bản quyền là yếu tố sống còn

Sau gần 2 năm bước chân vào thị trường xuất bản, ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos đang từng bước khẳng định mình. Có mặt trên App Store và Google Play ngay từ lúc xuất hiện, đến tháng 9 năm nay, Fonos đã gọi vốn thành công 1,1 triệu USD từ các nhà đầu tư. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện cùng chị Xuân Nguyễn, Giám đốc điều hành và cũng là đồng sáng lập Fonos. 
Chị Xuân Nguyễn
Chị Xuân Nguyễn

* PHÓNG VIÊN: Gần 2 năm trước, khi khởi nghiệp khá thành công với một thương hiệu bánh mì, vì sao chị lấn sân sang sách nói?

 - Chị XUÂN NGUYỄN: Lúc đó, thương hiệu bánh mì của tôi đang phát triển rất tốt với 11 chi nhánh ở Việt Nam và 2 chi nhánh ở Hàn Quốc. Có điều, tôi là người hướng nội, công việc đó không giúp tôi hạnh phúc mà trái lại, tôi thấy mình bị mất năng lượng khá nhiều. Dù rất yêu bánh mì nhưng sau đó, tôi quyết định giao lại thương hiệu cho em trai mình. 

Có một khoảng thời gian, tôi hay tự tóm tắt sách và làm clip. Khi làm những việc ấy, tôi cảm thấy rất vui. Một hôm tôi tự hỏi: “Hình thức này rất có giá trị, tại sao ở Việt Nam không có?”. Trong lúc thử tìm hiểu, tôi cũng thấy có một số bên đã làm nhưng hơi ngạc nhiên vì khoảng cách giữa thị trường sách nói của Việt Nam và nước ngoài là quá lớn. Ở Việt Nam, sách nói vẫn đang được coi là một thứ miễn phí, không nhiều người dùng. Thậm chí, mọi người đang nhìn sách nói như một hình thức dành cho những người gặp khó khăn trong việc đọc. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi quyết định thử thách mình ở lĩnh vực mới này. 

* Sách và bánh mì không liên quan đến nhau, chị gặp trở ngại gì khi mới bắt đầu?

 - Không phải chỉ lúc bắt đầu mà đến bây giờ chúng tôi vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Tôi là “tay ngang”, bước chân vào một lĩnh vực mà bản thân hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Tôi và người bạn đồng sáng lập phải xây dựng mọi thứ từ đầu để lấy được niềm tin từ các đối tác trong ngành. 

Thêm vào đó, thời điểm tôi bước chân vào thị trường, mọi người cũng chưa quan tâm quá nhiều vào sách nói và lo ngại vấn đề vi phạm bản quyền. Một thách thức nữa là làm sao để kết nối với người dùng. Khi làm bánh mì, tôi không cần giải thích gì nhiều, mở tiệm ra ai cũng biết đó là bánh mì, chỉ cần đến mua và thưởng thức. Đối với sách nói, chúng tôi phải có quy chuẩn hướng dẫn cho tất cả mọi thứ, từ cách mua đến cách sử dụng. 

* Tháng 9 năm nay, Fonos đã nhận được 1,1 triệu USD trong vòng hạt giống (Seed Funding) từ các quỹ của nước ngoài như Hustle Fund, iSeed, Angel Central và nhà đầu tư trong nước. Lý do lớn nhất khiến nhà đầu tư rót vốn cho Fonos là gì?

 - Ngay từ đầu, khi xây dựng Fonos, chúng tôi đã nghĩ đến việc phải gọi vốn. Nhưng gọi như thế nào, gọi vào thời điểm nào, số vốn bao nhiêu là chiến lược và định hướng riêng của mỗi công ty. Chúng tôi muốn cho nhà đầu tư thấy được ngành sách nói có thể phát triển hơn nữa và con đường chúng tôi đang đi là bền vững. 

Qua những số liệu tăng trưởng đã được chúng tôi chứng minh và đưa ra đầy đủ, họ càng có thêm cơ sở để tin tưởng. Doanh thu hàng tháng của chúng tôi vẫn tăng trưởng hai con số, riêng 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời điểm giãn cách xã hội nhưng chúng tôi vẫn tăng trưởng doanh thu gấp 5 lần. Đến hiện tại, thời điểm gần cuối năm 2021 tốc độ tăng trưởng vẫn duy trì rất tốt. Số lượng người dùng ứng dụng đã đạt gần 400.000 người. 

* Cho đến giờ, câu chuyện bản quyền vẫn đang là vấn đề nhức nhối với giới xuất bản. Chị nghĩ sao về vấn đề này? 

 - Bản quyền luôn là yếu tố rất quan trọng, có thể nói là mang tính sống còn với Fonos nói riêng và ngành xuất bản nói chung. Nên khi làm việc với các đối tác, tôi luôn mong muốn được độc quyền phát hành sách nói trên ứng dụng Fonos, như vậy chúng tôi mới đảm bảo được sự công bằng cho người dùng và giá trị của sản phẩm. Nếu NXB bán bản quyền cho nhiều đơn vị thì mọi người sẽ chạy đua về giá, dẫn đến việc chất lượng sách nói có thể bị ảnh hưởng. 

Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp cùng YouTube để báo cáo những video sách nói do người dùng hoặc các đơn vị khác đăng tải - với những tựa sách Fonos đang sở hữu bản quyền. Chúng tôi đã gỡ rất nhiều, có khi cả ngàn clip như thế. Việc này mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, để có một giải pháp triệt để thì rất khó, câu chuyện này phải là sự nỗ lực đến từ nhiều phía, trong đó cần đến sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. Bởi vì trên thực tế, ngay cả sách giấy cũng bị làm lậu rất nhiều. 

* Sách nói hiện vẫn đang là thị trường nhỏ tại Việt Nam, nhưng bước đầu đã có sự cạnh tranh từ nhiều đơn vị. Chị có ngại điều này?

 - Tôi nghĩ đây là một tín hiệu tốt. Vì không ai muốn làm trong một thị trường không có sự tăng trưởng. Như tôi đã chia sẻ, đây là một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam. Việc nhiều đơn vị cùng bắt tay vào làm sẽ càng thúc đẩy sự phát triển, giúp nhiều người biết đến sách nói hơn, khiến mọi người cởi mở hơn trong việc tiếp nhận hình thức mới mẻ này. Bên cạnh đó, việc có nhiều đơn vị cùng khai thác cũng giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn. Tôi nghĩ đây là điều bình thường trong bất cứ ngành nghề nào và với ngành sách nói, đây là tín hiệu tốt. 

* Hiện tại ở Việt Nam, Ebook đang được xem như một hình thức phái sinh của sách giấy, nghĩa là sách giấy có trước, sau đó mới đến sách nói hoặc sách điện tử. Điều này có phải là bất cập với sách nói không?

 - Tôi không nghĩ đó là sự bất cập. Giống như đọc, nghe cũng là một quá trình chúng ta tiếp nhận và hấp thụ thông tin, kiến thức. Sách nói và sách giấy truyền thống là mối quan hệ tương hỗ, không mang tính thay thế hay va chạm lợi ích, mà là đôi bên cùng có lợi. 

Khi mới bắt đầu, chúng tôi tiếp cận theo cách là thị thường có sách gì thì mình thu lại cuốn sách đó thành sách nói. Tuy nhiên, những tháng gần đây, chúng tôi bắt đầu thấy có sự thay đổi. Cuốn sách Đại dương đen của tác giả Đặng Hoàng Giang, hay 6 bước tự xuất bản một cuốn sách của tác giả Nguyễn Tuấn Anh được phát hành song song hai phiên bản sách nói và sách giấy. Sắp tới, tiểu thuyết Mẹ chồng - cuốn sách được chuyển thể từ bộ phim cùng tên cũng sẽ được chúng tôi ra mắt cùng lúc với sách giấy.

Tin cùng chuyên mục