Vẫn còn treo bảng “thiếu xăng”

Chiều 21-2, ghi nhận nhanh sau thời điểm giá xăng dầu điều chỉnh tăng thêm gần 1.000 đồng/lít, hầu hết cửa hàng xăng dầu hoạt động bình thường, nhưng ngoại lệ có một số nơi quá tải, nơi thiếu cục bộ!

Từ 15 giờ chiều 21-2, Liên bộ Công thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ ở thị trường nội địa. Theo đó, giá xăng RON95 là 26.287 đồng/lít (tăng 965 đồng/lít); dầu diesel là 20.801 đồng/lít (tăng 936 đồng/lít); dầu hỏa là 19.509 đồng/lít (tăng 758 đồng/lít); dầu mazut là 17.932 đồng/kg (tăng 273 đồng/kg).

Ghi nhận nhanh sau thời điểm giá xăng dầu điều chỉnh tăng thêm gần 1.000 đồng/lít, hầu hết cửa hàng xăng dầu hoạt động bình thường, nhưng ngoại lệ có một số nơi quá tải, nơi thiếu cục bộ!

Vẫn còn treo bảng “thiếu xăng” ảnh 1 Nhân viên tại cây xăng đang điều chỉnh giá xăng. Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Nơi tấp nập khách ra vào, nơi để bảng hết xăng

Tại TPHCM, cụ thể, tại cây xăng Tây Nam (đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận), Hiệp Quế (đường Âu Cơ, quận Tân Bình) hay cửa hàng xăng dầu số 18 (đường Quang Trung, quận Gò Vấp)…, lượng khách hàng vào ra đổ xăng khá thoải mái, không còn cảnh chực chờ, mua theo “hạn mức” như những ngày trước đó.

Hầu hết các chủ cửa hàng này cho biết, sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, phía nhà phân phối thông tin, dù nguồn cung không dồi dào như trước nhưng nếu hết hàng sẽ thu xếp cung cấp.

Vẫn còn treo bảng “thiếu xăng” ảnh 2 Từ 15 giờ chiều 21-2, Liên bộ Công thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ ở thị trường nội địa. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

“Nhà phân phối cam kết, nếu hết hàng, gọi điện thoại sẽ cung cấp ngay để phục vụ kịp thời cho khách hàng. Chúng tôi rất yên tâm!”, đại diện chủ cửa hàng Tây Nam trao đổi.

Trong khi đó, tại cửa hàng xăng dầu Biên Khoa (đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp), lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hôm 20-2, vẫn đặt 2 bảng thông báo khá to trước cây xăng, ghi: “hết xăng”.

Vẫn còn treo bảng “thiếu xăng” ảnh 3 Sau thời điểm tăng giá, Cửa hàng xăng dầu Biên Khoa vẫn không có xăng dầu để bán. Ảnh: L.P

Cả nhân viên lẫn quản lý ngồi ghế đá bên góc cây xăng rầu rĩ và khoát tay khi có khách hàng chạy xe đến đổ xăng. “Chúng tôi đầu tư cây xăng tốn tiền của, sao lại không muốn bán?! Hôm qua, lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra đã thấy rõ, chúng tôi không còn hàng để bán. Đến giờ này, dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng nhưng chúng tôi chưa nhận được thông tin gì từ nhà phân phối, hàng đâu mà bán?!”, đại diện quản lý tại đây bức xúc.

Người dân đổ dầu tại một cây xăng ở huyện Bình Chánh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngược lại, cách đó không xa, cửa hàng xăng dầu Gia Định, (đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp), lại tấp nập khách hàng vào chờ đổ xăng.

“Cửa hàng chúng tôi bị quá tải, do cùng tuyến đường nhưng phía Biên Khoa không còn hàng nên họ đổ xô qua đây. Hiện cửa hàng chúng tôi vẫn được phía nhà phân phối cung ứng khoảng 50% nguồn cung so với ngày thường, bán hết là nghỉ. Thông thường, hôm nay tăng giá, sáng mai nhà phân phối sẽ thông báo phân bổ thêm nguồn cung…”, anh Đạt, quản lý tại đây cho biết. 

Qua tìm hiểu, một số cửa hàng xăng dầu không có nguồn cung trong thời điểm hiện nay là do mất uy tín với nhà phân phối hoặc “có phết” trong quá trình kinh doanh, bị lực lượng chức năng “tuýt còi”.
Vẫn còn treo bảng “thiếu xăng” ảnh 5 Cửa hàng xăng dầu Gia Định quá tải chiều 21-2

Chiều 21-2, Sở Công thương TPHCM cho biết, đang quyết liệt triển khai các chỉ đạo trước đó. Trong đó, tập trung phối hợp với cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Sở Thông tin - Truyền thông, UBND các quận, huyện và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đẩy mạnh các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng, đầy đủ, liên tục xăng dầu trên địa bàn TPHCM. 

Trạm xăng dầu Tiến Thành ngừng hoạt động và treo bảng hết xăng

Tại Bình Phước, trước thời điểm giá nhiên liệu tăng, ghi nhận từ Trạm xăng dầu Tiến Thành thuộc Công ty TNHH một thành viên Đông Hải - Quân khu 7 (TP Đồng Xoài), nhân viên trạm đã mở hé cửa để đổ xăng cho một chiếc ô tô 4 chỗ. Liền sau đó, 3 chiếc xe máy cũng tấp vào để đổ xăng nhưng tất cả đều bị từ chối. Quản lý của trạm xăng dầu này cho biết xăng đang đổ cho chiếc ô tô là xăng của tỉnh đội gửi, còn xăng của cửa hàng đã bán hết.

Còn tại cửa hàng xăng dầu Việt Huỳnh Nga - Thuận Phú cũng nằm trên đường ĐT 741 thuộc ấp Thuận Hải, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú chỉ hoạt động cầm chừng. Cửa hàng xăng dầu này có tất cả 5 trụ bơm xăng dầu nhưng chỉ có 3 trụ hoạt động, lập hàng rào để hạn chế khách ra vào đổ xăng.

Sau khi giá xăng tăng, lúc 16 giờ 45, chúng tôi quay lại 2 cây xăng nói trên thì trạm xăng dầu Tiến Thành vẫn ngừng hoạt động và treo bảng “hết xăng”, còn cửa hàng xăng dầu Việt Huỳnh Nga - Thuận Phú chỉ bán xăng cho xe máy mà không bán cho ô tô và mỗi người chỉ được mua 50.000 đồng.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trước thời điểm xăng tăng giá, một số cây xăng trên địa bàn TP Vũng Tàu ngưng hoạt động và thông báo hết xăng. Cụ thể, tại trạm xăng dầu số 19 (địa chỉ tại số 15, đường Trần Hưng Đạo, phường 1) treo biển hết tất cả các loại xăng và tạm ngưng bán xăng; tại cửa hàng xăng dầu số 3 (đường Phạm Hồng Thái, phường 7) thì treo biển hết xăng A95 nhưng vẫn bán các loại xăng dầu khác.

Vẫn còn treo bảng “thiếu xăng” ảnh 7 Cửa hàng xăng dầu số 3, đường Phạm Hồng Thái, phường 7, TP Vũng Tàu treo biển hết xăng A95 trước và sau khi có điều chỉnh giá xăng dầu

Riêng cửa hàng xăng dầu số 2 (số 205 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 3), trước thời điểm 15 giờ, có rất nhiều khách hàng đến mua xăng nhưng nhân viên không bán và yêu cầu sau 15 giờ quay lại vì cây xăng đang điều chỉnh thông số kỹ thuật.

Ghi nhận thực tế sau 15 giờ cùng ngày, trạm xăng dầu số 19 vẫn ngưng hoạt động bán xăng, còn tại cửa hàng xăng dầu số 3 vẫn bán xăng nhưng treo biển hết xăng A95.

Doanh nghiệp gặp khó, tàu cá nằm bờ

Dù xăng dầu không khan hiếm, không có tình trạng găm hàng chờ tăng giá, nhưng việc giá xăng tăng quá cao khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Ông Trần Quốc Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu thủy sản Kiên Hùng (Kiên Giang) cho biết, sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu tăng trên 800 đồng/lít vừa qua, đơn vị này phải tốn thêm chi phí hơn 400 triệu đồng cho những container hàng đã ký hợp đồng xuất khẩu từ trước.

Lĩnh vực vận tải cũng gặp khó, ông Trần Văn Bình (ngụ huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) cho hay, công ty của ông có 15 chiếc xe tải chuyên vận chuyển tôm, cá từ Kiên Giang đi TPHCM, giá dầu tăng buộc ông phải tăng giá với thương lái. Bù lại khoản này, thương lái ép giá nông dân, coi như nông dân lãnh đủ.

Vẫn còn treo bảng “thiếu xăng” ảnh 8 Tàu cá nằm bờ tại khu vực cảng Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền

Tại một số cảng cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có rất nhiều tàu cá nằm bờ. Cụ thể, tại cảng Cát Lở (phường 11, TP Vũng Tàu), có 70-80 tàu cá không ra khơi. Còn tại cảng cá Tân Phước (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), số lượng tàu cá nằm bờ kéo dài cả hơn trăm mét và số lượng lên đến hàng trăm chiếc.

Ngư dân Nguyễn Văn Sáu (ngụ tại xã Phước Tỉnh) cho biết, sau tết, có rất nhiều tàu cá không ra khơi là vì tàu thiếu thuyền viên, một số thì chưa gắn thiết bị giám sát hành trình nhưng chủ yếu là do giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí cho các chuyến đánh bắt tăng mạnh và ngư dân sợ thua lỗ nên không vươn khơi. Hiện số tàu trong bờ là 3.063 tàu, trong đó có 880 tàu hoạt động đánh bắt xa bờ, số còn lại là các tàu hoạt động ven bờ xuất nhập bến đi trong ngày.

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá cũng cho hay, giá dầu tăng cao khiến một loạt hội viên kêu trời. Mỗi chuyến biển 20 ngày thì 1 cặp tàu cào đôi (loại tàu đánh bắt xa bờ) tốn thêm ít nhất 30 triệu đồng. Giá dầu tăng cao trong khi ngư trường cạn kiệt, cá bán ra bị thương lái ép giá với lý do bù vô chi phí vận chuyển, coi như thiệt hại đổ hết lên đầu ngư dân.

Tin cùng chuyên mục