Vẫn còn lơ là, chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng dự báo, dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh. Số ca mắc tăng, số ca nặng và tử vong tăng nếu các địa phương lơ là, không quyết liệt những giải pháp chống dịch. 

Chiều 20-7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM tổ chức họp trực tuyến giao ban công tác phòng chống dịch trên địa bàn với 21 quận huyện và TP Thủ Đức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.

Vẫn còn lơ là, chủ quan với dịch sốt xuất huyết ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM chiều 20-7

Báo cáo tại điểm cầu chính tại UBND TPHCM, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, với dịch sốt xuất huyết (SXH), dù thành phố đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong việc ngăn chặn dịch bùng phát, nhưng số ca trong tuần qua vẫn tăng cao, trung bình mỗi ngày có 50 ca mắc mới SXH. Lũy kế tính đến tuần 28, TPHCM ghi nhận 75.220 ca mắc SXH, 12 ca tử vong. Riêng khu vực phía Nam có tổng 63 ca tử vong. 

Các bệnh viện đang thu dung, điều trị 1.886 trường hợp mắc SXH, trong đó 1.178 là người lớn (tăng 62,5%); 708 trẻ em (tăng 37,5%); 148 ca nặng (4 ca phải lọc máu, 17 ca thở máy).

Số quận huyện có ca mắc/100.000 dân cao là quận 12, Bình Tân, Tân Phú và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Quận huyện có số ca SXH tăng vượt ngưỡng báo động gồm: Quận 1, 3, 4, 6, 9, 10, Tân Bình, Bình Tân, huyện Nhà Bè và TP Thủ Đức.

Hầu hết số ca mắc thuộc nhóm tuýp huyết thanh D1, nhưng bắt đầu có sự gia tăng của tuýp huyết thanh D2, số ca nặng cũng tăng. 

Vẫn còn lơ là, chủ quan với dịch sốt xuất huyết ảnh 2 Trẻ mắc SXH được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM
TPHCM cũng ghi nhận 1.679 ổ dịch SXH; Từ tuần 21 đến nay ghi nhận bình quân 100 ổ dịch mới/tuần. Quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi là 3 quận huyện có số ổ dịch cao hàng tuần của thành phố.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng kịp thời xử lý phun hóa chất được 385 ổ dịch và có 6 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng; 447 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 162 phường xã trên địa bàn thành phố.
Trước thực tế trên, Giám đốc Sở Y tế TPHCM dự báo, dịch SXH sẽ bùng phát mạnh, số ca mắc tăng, số ca nặng và tử vong tăng nếu các địa phương lơ là, không quyết liệt những giải pháp chống dịch. Và khuyến cáo cảnh giác với dịch Marburg (giống bệnh Ebola), lây lan qua dịch cơ thể, vừa bùng phát tại Ghana.
Liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm phòng chống dịch theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế TPHCM đã triển khai ứng dụng y tế trực tuyến phản ánh các điểm nguy cơ có lăng quăng, muỗi, qua đó tiếp nhận 36 tin phản ánh của người dân/16 quận huyện. Đã xử lý 33 phản ánh, đang xử lý 3 phản ánh.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 117 điểm xử phạt khi để phát sinh lăng quăng, trong đó quận 3, Bình Tân và huyện Bình Chánh làm tốt việc này.
Vẫn còn lơ là, chủ quan với dịch sốt xuất huyết ảnh 3 Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng phát biểu tại cuộc họp
Tuy nhiên, thành phố có 7 quận huyện (quận 1, 4, 5, 7, 10 và 2 huyện Nhà Bè, Cần Giờ) không có quyết định xử phạt hành chính, mặc dù các địa phương này số ca mắc SXH và ổ dịch mới tăng. “Vậy 7 địa phương này đã thực sự quyết liệt trong phòng chống dịch SXH?”, BS Tăng Chí Thượng đặt câu hỏi.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, thời gian qua, cùng với các lực lượng chuyên môn, thành phố đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra địa phương về công tác phòng chống dịch SXH, ghi nhận có sự tích cực, chuyển biến, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của thành phố trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt trong công tác phòng chống dịch, dẫn đến số ca mắc mới SXH tăng cao.
“Hiện tại, đỉnh dịch SXH của thành phố chưa đến, nhưng số ca mắc mới, số ca nặng, tử vong đã vượt đỉnh dịch năm 2018. Đáng lo nhất là số người lớn mắc SXH đang báo động đỏ. Rõ ràng, bệnh này không loại trừ ai”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cảnh báo.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chỉ đạo: “Các tổ chức, cơ quan, đoàn thể trước tiên phải gương mẫu trong phòng chống dịch bằng cách kiểm soát kỹ, không để các nguồn lây sinh ra muỗi, lăng quăng để cắt đứt nguồn lây từ lăng quăng, muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất, không tốn nhiều sức. Tất cả các địa phương, đơn vị triển khai nghiêm túc, quyết liệt công văn số 2095 của UBND TPHCM về tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH trên địa bàn.
Đối với dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, phải có sự cảnh giác cao khi thành phố đã ghi nhận ca bệnh biến thể phụ BA.4, BA.5. Ngành y tế phối hợp tốt hơn với quận huyện, TP Thủ Đức, tăng độ bao phủ mũi 4 quyết liệt, nhanh hơn, tuyên truyền cho người dân lợi ích của việc tiêm chủng; quy trách nhiệm từng cá nhân, tuyệt đối không để mình thành nguồn lây cho người khác.

Để đảm bảo công tác thu dung, điều trị không bị quá tải, BS Tăng Chí Thượng khẳng định, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng kịch bản dựa vào số ca mắc đến nhập viện và số ca nhập viện có tình trạng nặng để phân công cho 53 bệnh viện (trên 2.600 y bác sĩ, điều dưỡng) thu dung, điều trị từ 300-4.000 ca SXH điều trị nội trú và 200-400 giường hồi sức.

Tin cùng chuyên mục