Vận chuyển hàng nông sản từ các tỉnh vào TPHCM: Không bị ách tắc, ùn ứ

Hiện nay hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của TPHCM mới đáp ứng được khoảng 25%-30% nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân thành phố. 70% sản lượng hàng hóa còn lại do các tỉnh, thành khác cung ứng. Do vậy, TPHCM phải tổ chức tốt chuỗi cung ứng hàng nông sản, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Kiểm soát nhưng không làm khó

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, từ khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống lây lan dịch Covid-19, hàng hóa nói chung, hàng nông sản thực phẩm nói riêng vận chuyển vào TPHCM vẫn được đảm bảo thông suốt, không xảy ra tình trạng ách tắc ở khu vực các cửa ngõ của thành phố cũng như tại các chợ đầu mối. Hàng về chợ đến đâu, thương nhân phân phối kịp thời đến các bạn hàng nên tại chợ cũng không xảy ra tình trạng ùn ứ.

Nông sản đủ loại chất đầy các cửa hàng tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

Cụ thể, trong đêm 6-6, tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, tổng lượng hàng đạt tới 3.600 tấn (tăng khoảng 200 tấn so với đêm trước), trong đó trái cây là 1.700 tấn và rau củ quả là 1.800 tấn. Riêng lượng hoa tươi về chợ trong hai đêm 5 và 6-6 đạt bình quân khoảng 48 tấn, tăng 20 tấn so với đầu tháng 6. Lý giải về sản lượng hàng hóa tăng, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho hay, thông thường vào những ngày giữa tháng (ngày rằm) và cuối tháng Âm lịch thì trái cây, rau củ quả, hoa tươi về chợ tăng so với ngày bình thường, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Tại 2 chợ đầu mối còn lại là Bình Điền và Hóc Môn, lượng hàng hóa về chợ ở mức bình thường, cung đảm bảo cầu.

Theo các sở, ngành chức năng của TPHCM, để hỗ trợ thương nhân cũng như nhà xe khi vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh vào TPHCM, tại các cửa ngõ cũng như tại địa bàn có chợ đầu mối đã tổ chức các chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19. Điển hình như tại chốt kiểm soát chợ đầu mối Thủ Đức, chúng tôi ghi nhận lực lượng tham gia khoảng 40 người luân phiên thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ.

Khi xe tải vận chuyển hàng hóa, nhất là xe từ các tỉnh, thành đang có dịch Covid-19, vào chợ, chốt chặn sẽ tiến hành phun khử khuẩn phương tiện vận tải, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và hướng dẫn khu vực lưu trú riêng cho tài xế, phụ xế. Chợ đầu mối Thủ Đức cũng bố trí khu vực đậu xe và khử khuẩn riêng đối với xe từ các tỉnh, thành có dịch Covid-19. Khi xe hàng được bốc dỡ xong hoặc bán hết hàng thì tài xế, phụ xế sẽ ra thẳng xe để trở về địa phương. Với cách làm này, lượng xe tải ra vào chợ không bị ách tắc.

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở tiếp tục chỉ đạo các chợ tăng cường nhân lực, chuẩn bị cơ sở vật chất và thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, theo dõi sát sao tình hình để tổ chức nhận, phân phối nông sản từ các tỉnh đưa vào TPHCM một cách tốt nhất. Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các địa phương, đơn vị cần báo ngay Sở Công thương TPHCM để có hướng giải quyết kịp thời, đảm bảo không để xảy ra tình trạng hàng hóa ùn ứ, ngưng trệ hoạt động cung ứng, phân phối.

Nông dân nhiều tỉnh vẫn lo

Những ngày này, người trồng hoa tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) như ngồi trên đống lửa trước thông tin chợ hoa Đầm Sen (quận 11, TPHCM) ngưng hoạt động từ ngày 3-6-2021 để phòng chống dịch Covid-19. Chuẩn bị cho cữ (dịp) mùng một (1-5) và Tết Đoan ngọ (5-5 Âm lịch), theo cam kết với hơn 200 sạp hoa tươi, hộ kinh doanh tại chợ hoa Đầm Sen, từ đầu tháng 3-2021 các hộ nông dân tại Đà Lạt, Lâm Đồng đã tập trung xuống giống và chăm sóc số lượng lớn các loại hoa như cúc, đồng tiền, cát tường, cẩm chướng, lily…

Anh Duy Tình (nông dân phường 8, TP Đà Lạt) cho biết: “Dịp này gia đình tôi còn hơn 20.000 cành hoa cúc cắt bán trải đều các vựa hoa tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen. Nếu chợ hoa Đầm Sen không mở cửa thì hàng tại vựa trong chợ này sẽ khó bán sang vựa khác vì thị trường vốn đã tiêu thụ chậm trong giai đoạn dịch bệnh. Trong đợt này, chúng tôi có thể thiệt hại tới 500.000 cành hoa các loại”.

Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, để giúp tiêu thụ một phần hoa tươi cho bà con nông dân Đà Lạt, Lâm Đồng trong tình hình khó khăn hiện nay, Hiệp hội Hoa Đà Lạt và Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất Sở Công thương TPHCM, UBND quận 11 xem xét tạo điều kiện mở cửa trở lại chợ hoa Đầm Sen từ ngày 7-6 đến hết ngày 14-6 (27-4 đến 5-5 âm lịch).

Người tiêu dùng chọn mua rau củ tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ghi nhận tại làng cá lồng bè sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu), các loại cá bớp, cá chim, cá mú đã quá thời gian xuất bán nhưng rất ít thương lái đến mua. Trong khi đó, cá càng lớn sức ăn càng mạnh, dẫn đến chi phí nuôi ngày một tăng cao khiến các hộ nuôi như ngồi lên đống lửa.

ông Trần Phú Sơn ở tiểu khu 2A chia sẻ, từ đầu năm đến nay, gia đình ông đầu tư hơn 400 triệu đồng vào 12 lồng nuôi với 6.300 con cá bớp, cá mú, cá chim; sản lượng ước tính khoảng gần 5 tấn cá đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được vì các nhà hàng, quán ăn đã đóng của. Việc chuyển cá đi TPHCM gặp khó vì chi phí vận chuyển tăng cao. Tính trung bình, hiện mỗi ngày ông phải chi hơn 3 triệu đồng tiền thức ăn cho cá, và dự tính chi phí này sẽ tiếp tục leo thang nếu trong thời gian tới không bán được hàng.

Trước lo lắng và kiến nghị từ các địa phương nêu trên, trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành để triển khai các giải pháp kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa vụ. Đồng thời chủ động, phối hợp triển khai đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống… có kế hoạch tiêu thụ; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện mua bán các mặt hàng nông sản mùa vụ trong tình hình hiện nay. TPHCM cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người tiêu dùng thành phố chung tay ưu tiên sử dụng hàng nông sản trong nước, góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân.

Tin cùng chuyên mục