Vai trò "nhạc trưởng" của Chính phủ là yếu tố quyết định ​

Theo ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), sau khi Chính phủ có chương trình hành động (CTHĐ), các Bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng các CTHĐ của mình. "Kết quả cơ cấu lại của các ngành, các địa phương dưới vai trò nhạc trưởng của Chính phủ sẽ là 1 trong những yếu tố quyết định đến thành công của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế theo nghị quyết của Quốc hội", ĐB Hậu nhấn mạnh. 

Vai trò "nhạc trưởng" của Chính phủ là yếu tố quyết định ​

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, sáng 30-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Do số lượng ĐB đăng ký phát biểu nhiều, nên mỗi ĐB chỉ được dành 5 phút.

Vai trò "nhạc trưởng" của Chính phủ là yếu tố quyết định ​ ảnh 1 ĐB tham dự phiên họp tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội 

Tìm đúng nút thắt để gỡ

"Gặp núi làm hầm xuyên núi, gặp sông làm cầu cạn để tăng cường tính kết nối, nhanh chóng tiến kịp miền xuôi" – ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) nói lên mong mỏi của các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc.

“Theo quy hoạch, đến năm 2025 đường cao tốc mới nối đến Mộc Châu, bao giờ mới đến Điện Biên? Tỉnh Điện Biên là địa phương duy nhất trong cả nước có tới 500km đường biên với Lào và Trung Quốc, một khi có đường cao tốc, giao thương sẽ phát triển nhanh chóng”, nữ ĐB chia sẻ và cho rằng một nhiệm vụ quan trọng là củng cố hiệu quả liên kết giữa 4 “nhà”: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.

Nhận xét rất cụ thể về Báo cáo số 424 của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nói: “Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu khá rõ ràng, chi tiết; rộng và sâu”.

Tuy nhiên, ĐB Trần Hữu Hậu cũng băn khoăn: “Sau khi Chính phủ có chương trình hành động (CTHĐ), có lẽ các Bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng các CTHĐ của mình. Kết quả cơ cấu lại của các ngành, các địa phương dưới vai trò nhạc trưởng của Chính phủ sẽ là 1 trong những yếu tố quyết định đến thành công của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế theo nghị quyết của Quốc hội. Tôi tha thiết mong rằng, các địa phương sẽ không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn, máy móc như trước đây; không đưa vào kế hoạch và chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm như thế nào”.

Theo ĐB, trước hết cần tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành mình, địa phương mình; từ đó đưa ra biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) phát biểu

Lấy ví dụ cụ thể từ 1 ngành – ngành điện, ĐB Trần Hữu Hậu nêu: “Chỉ 1 thay đổi về chính sách, đất nước từ chỗ luôn lo lắng vì thiếu điện bỗng… dư điện. Mà điện dư ấy là điện sạch từ gió, từ mặt trời, đúng với xu thế phát triển năng lượng tái tạo của thế giới lại phần lớn đầu tư từ nguồn lực ngoài nhà nước. Nhưng rồi phải tạm ngừng phát triển; những nơi đã phát điện thì cắt giảm công suất. Lãng phí biết bao nhiêu nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, trong lúc điện dư càng dùng nhiều thì giá lại càng tăng, rất phi thị trường”.

Theo ĐB, khung giờ từ 9 đến 11 giờ sáng là khung giờ vàng cho sản xuất; cũng là khung giờ vàng cho phát điện mặt trời, nhưng cũng là khung giờ cao điểm, doanh nghiệp phải trả tiền điện với mức giá cao nhất.

Bày tỏ tin tưởng trong 5 năm tới, nếu ngành điện xác định được những nút thắt của mình; Chính phủ quyết liệt chỉ đạo cơ cấu lại theo hướng tách bạch rõ ràng các chủ thể của các khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán điện, điều độ hệ thống điện quốc gia... ngành điện sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn; người dân và doanh nghiệp sẽ được sử dụng điện với giá rẻ hơn, hợp quy luật hơn; ngành điện sẽ góp phần xứng đáng hơn vào sự phát triển của đất nước.

Từ câu chuyện của ngành điện, ĐB Hậu kết luận: “Trong cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh - tế xã hội của đất nước; từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp, thì sẽ tìm ra và tháo gỡ được những nút thắt, tạo ra được những thay đổi mang tính đột phá. Đó là 1 trong những phương thức để cơ cấu lại nền kinh tế một cách thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất”.

Tránh quy hoạch nọ “đọ” quy hoạch kia

Đồng tình với giải pháp của Chính phủ đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025, ĐB Đào Hồng Vận (Hưng Yên) đặc biệt lưu ý đến tầm quan trọng của công tác quy hoạch.

“Quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành cần phải được triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo, quy hoạch nọ "đọ" quy hoạch kia. Với tinh thần quy hoạch đi trước một bước, việc quy hoạch phải được xây dựng, triển khai sớm, tránh tình trạng một số địa phương, một số ngành đến thời điểm tổ chức triển khai mới quy hoạch. Quy hoạch xong thì nhiều vùng, nhiều dự án đã triển khai. Đồng thời việc triển khai thực hiện quy hoạch phải được quản lý chặt chẽ”, ông Đào Hồng Vận nhấn mạnh.
ĐB Đào Hồng Vận (Hưng Yên) phát biểu

Cũng theo ĐB Đào Hồng Vận, liên kết vùng là hết sức cần thiết. Để liên kết vùng được phát huy hiệu quả, rất cần sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền với quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án cụ thể và rõ ràng. Sau mỗi thời kỳ cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp mang tính định hướng, chủ đạo của nền kinh tế. Còn những lĩnh vực khác đang làm tốt, phù hợp với kinh tế thị trường thì để xã hội làm, không để tình trạng lĩnh vực xã hội làm tốt mà vẫn cố giữ doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là định giá chính xác, phải được đấu giá một cách công khai rộng rãi, minh bạch.

Đồng thời, tiếp tục cơ chế tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng, khi cần nguồn lực phải triển khai được ngay để đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, tránh tình trạng lãnh phí…

Tin cùng chuyên mục