Vai trò người trẻ

Năm 2021 được TPHCM xác định chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, trong đó đề ra hàng chục chỉ tiêu phát triển, tiếp tục phòng chống dịch Covid-19, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) từ 6% trở lên. 

Gần đây, người dân đi sao y, chứng thực hồ sơ giấy tờ tại các phường, quận đều có cảm giác “dễ thở” hơn, bởi tốc độ làm việc nhanh gọn, tránh để người dân chờ đợi quá lâu của nhiều cán bộ trẻ ở cơ sở. Một trong các yếu tố được được chấm điểm cộng chính là các quận/huyện triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính tại các địa phương, giúp cán bộ tiếp dân nâng cao trách nhiệm.

“Người dân cho ý kiến đánh giá, chấm điểm cán bộ tiếp công dân… thông qua máy tính bảng đặt tại quầy tiếp nhận; đồng thời giám sát được hồ sơ, giấy tờ đã giải quyết đến đâu nên khá tiện lợi”, chị Nguyễn Thị Túy, ngụ tại đường Lâm Thị Hố, quận 12 chia sẻ. 

Tuy vậy, ngoài những điểm sáng đang được thí điểm triển khai hiệu quả ở các phường, quận trên địa bàn thành phố, nhiều nơi người dân vẫn phải gánh chịu thái độ thiếu thân thiện của cán bộ tại các cơ quan công quyền. Mới hôm trước, anh N.V.A (ngụ tại huyện Hóc Môn), công chứng giấy tờ tại một phường trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), nhưng do không rành thủ tục mới (phải lấy số thứ tự, ngồi đợi) nên cứ ngồi ở dãy ghế đợi gọi tên.

Sau 10 phút không có ai hướng dẫn, sốt ruột, anh đi hỏi những người dân khác và mới biết được quy trình mới. “Lúc đó, tại phường đều có cán bộ làm việc, nhưng hầu như chẳng mấy ai quan tâm đến một số người dân chưa rành trình tự mới, thậm chí trông có phần quê mùa như tôi”, anh N.V.A nói.

Câu chuyện của anh N.V.A không mới, thậm chí là chuyện muôn thuở, “biết rồi, khổ lắm…”. Phân tích từ chính các chuyên gia trong việc xây dựng chính quyền đô thị TPHCM chỉ ra rằng, mấu chốt vấn đề vẫn là yếu tố con người. Bởi máy móc có hiện đại đến đâu, nhưng người thực hiện “lười” thay đổi sẽ rất khó cải thiện “bài toán” cũ (phiền nhiễu, làm khó, vô cảm với người dân). Hiện nay, việc giúp người dân cảm thấy vui vẻ khi đến cơ quan công quyền chính là những gì thành phố đang hướng tới, nhưng dường như vẫn cần có thời gian dài. 

Để cải thiện tình hình, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị thành phố nên áp dụng mô hình thông minh bằng ứng dụng công nghệ hàng loạt vào giải quyết các thủ tục hành chính, cải thiện mối quan hệ giữa cán bộ với người dân bằng nhiều hình thức; đồng thời cũng cần chế tài thật mạnh đối với cán bộ thờ ơ, gây phiền nhiễu cho dân… 

Và lúc này, vai trò của những cán bộ trẻ ở cơ sở lại càng được đặt trọng hơn bao giờ hết. Người dân kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo, nhất là người trẻ tại các quận, huyện trong thời gian tới có những sự chuyển biến, nhằm đem lại một môi trường hành chính lành mạnh và vì dân.

Tin cùng chuyên mục