Vai trò của đại học trong CMCN 4.0

Tại hội thảo “Vai trò của đại học (ĐH) trong thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do ĐH Quốc gia TPHCM vừa tổ chức, các ý kiến đều khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức đối với quốc gia. 

Tuy nhiên, chúng ta đang khá chậm chạp để tham gia vào cuộc cách mạng này, như các chính sách còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chưa hình thành; vai trò của cơ sở giáo dục ĐH chưa thật sự được xem là cốt lõi… 

Đào tạo theo hướng tích hợp

 PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng Nghị quyết 52 thể hiện quan điểm mới mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước để thích ứng với CMCN 4.0. Nghị quyết cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ sở giáo dục ĐH trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi tạo ra các ý tưởng sáng tạo... Do đó, các cơ sở đào tạo phải thay đổi quan điểm về đào tạo, như: trang bị những kiến thức tối thiểu hay những kiến thức nền tảng để phục vụ tốt nhất cho sự học suốt đời của họ; ngành nghề đào tạo theo hướng nào; thích ứng và ứng phó như thế nào trước những thách thức của trí tuệ nhân tạo; không gian sáng tạo, chính sách pháp luật...

“Hiện nay, chúng ta phải đào tạo theo hướng tích hợp, hòa quyện giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, lý thuyết phải gắn với thực tiễn”, PGS-TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.

Vai trò của đại học trong CMCN 4.0 ảnh 1 Các chuyên gia đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (Đại học Quốc gia TPHCM)
Theo Ban Đại học (ĐH Quốc gia TPHCM), trong năm 2017, tỷ lệ cơ cấu lực lượng lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật thì trình độ ĐH trở lên chiếm 9,7%, cao đẳng 3%, còn lại là trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp hoặc không có chuyên môn. Do đó, cần có giải pháp và chiến lược cải thiện, gia tăng số lượng, chất lượng của nguồn nhân lực trình độ ĐH trong những năm tiếp theo.

Trong khi đó, khảo sát từ phản hồi của doanh nghiệp chỉ ra, đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho những ngành kinh tế chủ lực còn rất thiếu so với nhu cầu thực tế; giữa lý thuyết và thực hành quá chênh lệch; khả năng giao tiếp ngoại ngữ, làm việc nhóm còn hạn chế; ý thức, kỷ luật chưa cao... Vì vậy, nguồn nhân lực đáp ứng cho CMCN 4.0 phải đảm bảo về nhóm năng lực nền tảng; nhóm năng lực thích nghi và sáng tạo; nhóm năng lực kỹ thuật chuyên môn… 

Theo Ban Khoa học Công nghệ (ĐH Quốc gia TPHCM), doanh thu chuyển giao công nghệ của ĐH Quốc gia TPHCM chỉ đạt bình quân 250 tỷ đồng/năm. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ kỹ thuật chiếm đến 64,74%; từ tư vấn chiến lược chiếm 17,21%; từ chuyển giao công nghệ, đào tạo lần lượt là 10,88% và 5,32%.

Điều này cho thấy mức độ làm chủ công nghệ chủ chốt của các nghiên cứu của ĐH Quốc gia TPHCM là rất thấp, nhiều công nghệ không tiếp cận được doanh nghiệp vì mới chỉ ở phòng thí nghiệm. Các chuyên gia đánh giá, đây cũng là thực trạng chung của cả nước vì những bất cập trong các chính sách đầu tư cho lĩnh vực khoa học vẫn chưa thay đổi. 

Bộ não của đổi mới, sáng tạo 

TS Nguyễn Việt Long, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương, khẳng định chúng ta đã 3 lần lỡ “chuyến đò” 3 cuộc cách mạng của nhân loại và không thể bỏ lỡ được nữa. Bình Dương hiện nay đứng thứ 2 cả nước (sau TPHCM) về thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xuất khẩu, nhưng nếu không chuyển đổi theo CMCN 4.0, Bình Dương cũng sẽ chông chênh. “Chúng tôi muốn có đột phá về kinh tế - xã hội, nền kinh tế tri thức, các sản phẩm xuất khẩu có giá trị và hàm lượng tri thức cao hơn.

Chiến lược xây dựng thành phố thông minh, kinh tế tri thức của chúng tôi được thực hiện từ năm 2015 và chúng tôi học hỏi tại Hà Lan. Trong chương trình trọng tâm của tỉnh, chúng tôi xác định ĐH là trái tim, là bộ não. Từ đó chúng tôi xây dựng các vệ tinh xung quanh là con người, công nghệ, doanh nghiệp, yếu tố nền tảng (hạ tầng). Các trường ĐH chính là nơi đào tạo, sản sinh ra các ý tưởng sáng tạo để áp dụng trong thực tế”, TS Nguyễn Việt Long cho biết. 

TS Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Group, cũng chia sẻ: “Bản thân chúng tôi là nhà doanh nghiệp nên cảm nhận rõ nhất về những tác động khủng khiếp của cuộc CMCN 4.0 này. Nếu chúng ta không kịp thời nắm bắt thì sẽ phá sản. Không thể có chuyện đi tắt đón đầu nếu chúng ta không có nền tảng cơ bản, cốt lõi nhất của cuộc CMCN 4.0. Muốn thích ứng và tận dụng thành công, chúng ta không thể chần chừ, phải biết tận dụng và cần phải có lộ trình thực hiện hợp lý.

Và nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng, nó là “sản phẩm” của các trường ĐH. Các cơ sở giáo dục ĐH chính là lõi quan trọng nhất, “sản phẩm” phải có khả năng tích hợp: kỹ năng, kiến thức chuyên môn - kỹ năng quản trị - kỹ năng số. Do đó, các cơ sở giáo dục phải thay đổi, các chương trình, đề án phải xác định cho được phương pháp tiếp cận chuyển đổi số. Để từ đó xác định rõ chúng ta có làm được không, làm ra có sử dụng hay không, làm ra có bị bỏ phí hay không”.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT-TT), chúng ta không thể đứng ngoài cuộc CMCN 4.0 nhưng hoàn toàn không thể đi tắt đón đầu. Chúng ta muốn phát triển công nghệ, kinh tế tri thức... mà không có những yếu tố nền tảng, công nghệ lõi (kỹ thuật số, công nghệ sinh học, năng lượng, vật lý) thì không thể. Khi thực hiện, chúng ta phải thận trọng, không thể dàn trải và phải tính đến hiệu quả. “Chúng ta luôn tự hỏi liệu Việt Nam có “cửa” gì trong cuộc CMCN 4.0 hay không? Theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có “cửa” nếu chúng ta biết cách tận dụng, biết linh hoạt ứng dụng hiệu quả từ nền tảng đã có sẵn. Chúng ta đừng cố làm những gì mà người ta đã làm rồi”, ông Nghĩa nhấn mạnh

Tin cùng chuyên mục