Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất

Với việc TPHCM sử dụng nhiều loại vaccine Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng, nhiều người dân băn khoăn: Liệu vaccine nào có hệ số bảo vệ cao và an toàn nhất? Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay thì việc tiêm vaccine nhanh và sớm là vô cùng cần thiết. 
Tiêm vaccine Covid-19 tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 11, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Tiêm vaccine Covid-19 tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 11, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Vaccine nào cũng có hiệu quả bảo vệ

 Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND TPHCM về việc sử dụng vaccine Vero Cell. Đây là một trong 7 loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt nằm trong danh sách vaccine sử dụng khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh Covid-19 vào ngày 7-5-2021. Vaccine này cũng được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng trong tiêm chủng.

TS Nguyễn Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, thông tin, hiệu quả bảo vệ các loại vaccine hiện Việt Nam đã và đang nhập khẩu dao động quanh mức 75%-95%, có nghĩa những người được tiêm vaccine sẽ giảm thiểu 75%-95% triệu chứng bệnh phải nhập viện. Đồng thời, hầu hết các vaccine đều có hệ số bảo vệ 98%-100% đối với nguy cơ tử vong. Do vậy, những dòng vaccine mà Việt Nam đang nhập về đều có hiệu quả bảo vệ tốt chống lại Covid-19 nguyên thủy.

Mặc dù hiệu quả của vaccine còn phụ thuộc nhiều vào chính sách cách ly, tuy nhiên theo TS Nguyễn Quốc Bình, thực tế tại nhiều nước, sau khi tiêm vaccine cho hơn 60% dân số thì số lượng người mắc Covid-19 giảm một cách đáng kể, không phân biệt tiêm loại nào; tỷ lệ người tử vong trên số lượng người mắc giảm mạnh so với trước khi tiêm.

“Những số liệu trên cho chúng ta thấy hiệu quả bảo vệ mà trong thử nghiệm lâm sàng của các hãng đưa ra có tính chất tương đối. Hiệu quả bảo vệ chung cho toàn dân mới là con số chính xác. Tất cả các loại vaccine trên đều có hiệu quả bảo vệ hầu như tương đương nhau, do đó chúng ta không nên có sự kén chọn”, TS Nguyễn Quốc Bình kết luận.

Cùng quan điểm, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết, hiện nay có 7 loại vaccine được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp: Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac. WHO đang giám sát chặt hiệu quả của các vaccine này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vaccine.

Các dữ liệu tính đến ngày 6-8 cho thấy, vaccine vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng Covid-19 bởi biến thể Delta mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng. “Hãy tiêm bất kỳ loại vaccine nào có sẵn khi đến lượt”, TS Kidong Park nêu thông điệp của WHO. 

Có nên phối trộn các loại vaccine?

 Trong bối cảnh số lượng vaccine nhập khẩu về Việt Nam vẫn còn khan hiếm, nhiều người dân lại có một lo lắng khác, đó là: Sau  khi tiêm mũi 1, Nhà nước có đáp ứng kịp thời số lượng vaccine đúng loại hay không và việc bị chậm trễ tiêm mũi 2 có ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ của vaccine?

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nhân lực y tế theo nhu cầu xã hội, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TPHCM, hiện Việt Nam đang sử dụng 5 loại vaccine Covid-19. Các loại này đều phải tiêm ít nhất 2 mũi và về nguyên tắc, khoảng cách thời gian giữa 2 mũi tiêm tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Cụ thể như vaccine AstraZeneca, mũi 1 cách mũi 2 từ 8-12 tuần; vaccine Sputnik-V, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần; vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNtech, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần; vaccine Vero Cell mũi 1 cách mũi 2 từ 3-4 tuần; vaccine Moderna, mũi 1 cách mũi 2 khoảng 4 tuần.

Tuy nhiên, ở một số quốc gia, do điều kiện dịch bệnh, việc cung cấp vaccine không được như mong muốn, do đó họ đã kéo dài khoảng cách 2 mũi tiêm và nghiên cứu cho thấy hiệu lực vaccine vẫn đạt kết quả tốt. Đơn cử tại Anh, khi kéo dài khoảng cách tiêm giữa 2 liều lên 3 tháng đối với vaccine AstraZeneca và Pfizer thì hiệu lực của vaccine đều tăng lên. Trong đó, vaccine AstraZeneca hiệu lực tăng lên 81% thay vì 55% của việc tiêm đúng theo chỉ định.

Bên cạnh đó, trong điều kiện không có đủ vaccine cùng loại, nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện việc tiêm trộn vaccine. Ví dụ, Canada kết hợp 2 mũi tiêm giữa vaccine Moderna và Pfizer; Thái Lan tiêm mũi tiêm 1 là Sinovac và mũi 2 là AstraZeneca; hay ở Anh trộn giữa AstraZeneca và Pfizer. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc trộn giữa 2 loại vaccine cũng cho kết quả tốt hơn hẳn.

Ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng cho phép dùng liều 1 là vaccine AstraZeneca và liều 2 là vaccine Pfizer. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, dù đã tiêm đủ 2 mũi thì với sự biến đổi phức tạp của các chủng virus hiện nay, biện pháp 5K vẫn cực kỳ quan trọng, giúp người dân phòng bệnh một cách hiệu quả.

Theo báo cáo của ngành y tế, trong ngày 12-8, TP đã tiêm 270.117 liều vaccine phòng Covid-19, nâng tổng số liều tiêm từ đầu đợt 5 (ngày 22-7) đến 12-8 là 3.304.009 liều, tất cả đều an toàn. Hiện TPHCM tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine, để sớm đạt mục tiêu bao phủ 70% vaccine cho người từ 18 tuổi trong tháng 8.

Ngày 12-8, Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho thai phụ trên 13 tuần khi đến khám tại đây. Đây là một trong những bệnh viện đầu tiên trên địa bàn TP thực hiện tiêm chủng cho phụ nữ mang thai theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Tin cùng chuyên mục