Vaccine ComBE Five thay thế Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng: Liệu có an toàn?

Theo Phó Giáo sư Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vaccine Combe Five có thành phần, dạng trình bày và đường tiêm tương tự vaccine Quinvaxem... 
Tiêm chủng cho trẻ tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Hoàng Văn Thụ
Tiêm chủng cho trẻ tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Hoàng Văn Thụ

Bắt đầu từ đầu tháng 6, Bộ Y tế sẽ sử dụng vaccine Combe Five thay thế cho vaccine Quinvaxem (vaccine 5 trong 1) mà Việt Nam đã sử dụng trước đó nhằm phòng ngừa 5 loại bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Lý do chuyển đổi sang loại vaccine mới này được đưa ra là do công ty Berna Biotech (Hàn Quốc) đã ngưng sản xuất vaccine Quinvaxem từ năm 2017.

Tuy nhiên, giới truyền thông và người dân thắc mắc việc tiếp tục sử dụng các loại vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào có thể gây ra những phản ứng phụ sau tiêm và nếu không tìm được một loại vaccine khác thành phần, liệu chúng ta có đi vào vết xe đổ của các ca tiêm chủng thất bại trong quá khứ? Đó là nội dung chính tại buổi truyền thông Hội nghị triển khai một số vaccine mới trong chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2018 tổ chức tại TPHCM vào ngày 24-4.

Theo Phó Giáo sư Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vaccine Combe Five có thành phần, dạng trình bày và đường tiêm tương tự vaccine Quinvaxem. Đây cũng là loại vaccine đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đã được sử dụng ở hơn 43 quốc gia trên thế giới với hơn 400 triệu liều. Tại Việt Nam, vaccine này đã được sử dụng thí điểm nhóm nhỏ ở 4 huyện Bình Lục, Kim Bảng, Thanh Liêm và Lý Nhân (tỉnh Hà Nam).

Kết quả theo dõi 28 ngày sau tiêm cho thấy 70-86,7% các cháu có đau chỗ tiêm; 35,7-39,3% có bị đỏ và quầng đỏ ở vị trí tiêm; 34,4-39,1% các cháu có sốt; 8,9-24% các cháu có bỏ bú, bỏ ăn... Lý giải tại sao tiếp tục sử dụng một loại vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào tương tự vaccine Quinvaxem, trong khi đây chính là nguyên nhân gây nên những phản ứng phụ sau tiêm cho trẻ như: nóng sốt, đau, quấy khóc,...

Ông Trần Đắc Phu cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay thì vaccine này là hoàn toàn phù hợp. Về tạo miễn dịch, vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào được chứng minh ưu việt hơn hẳn và có hiệu quả lâu dài hơn các vaccine có thành phần ho gà vô bào.

Bên cạnh đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em được sinh ra và với sự tài trợ của Liên minh toàn cầu vacine và tiêm chủng (GAVI) thì giá thành của vaccine Combe Five hoàn toàn phù hợp với khả năng tài chính của Chính phủ.

Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, xét về hiệu quả lâu dài, vaccine có thành phần ho gà vô bào có tác dụng miễn dịch ngắn hơn, điều này đồng nghĩa với việc trẻ phải tiêm nhắc nhiều lần để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh quay trở lại. Do đó, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay thì sử dụng vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào là hoàn toàn phù hợp.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, vaccine ComBE Five có độ an toàn, hiệu quả cao như Quinvaxem nên các bà mẹ đưa con đi chích ngừa hãy yên tâm. “Bất cứ loại vaccine nào cũng đều có tỷ lệ phản ứng phụ hoặc sự cố tiêm chủng nhất định. Các phản ứng thông thường như sốt, sưng, nóng, đỏ đau…. sẽ tự hết sau 24 giờ.

Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm sau tiêm nhưng nguyên nhân là do cơ địa hoặc trẻ có bệnh trùng hợp ngẫu nhiên như mắc bệnh tim bẩm sinh, xuất huyết não, nhiễm trùng huyết... Để ngăn ngừa biến chứng trong tiêm chủng, phụ huynh nên khai báo rõ tình trạng sức khỏe của trẻ trước tiêm và theo dõi sát 24 giờ sau tiêm và đặc biệt không nên gián đoạn việc chích ngừa vaccine cho trẻ”- BS Khanh nhấn mạnh.

Tháng 5 này, ComBE Five sẽ được dùng tiếp ở 4 tỉnh trước khi mở rộng ra toàn quốc vào tháng 6. Ngoài vaccine 5 trong 1, trong năm 2018 chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng sẽ có 2 loại vaccine mới được đưa vào sử dụng đó là vaccine Sởi – Rubella do Việt Nam sản xuất và vaccine IPV ngừa bại liệt do hãng Sanofi của Pháp sản xuất.

Tin cùng chuyên mục