Uyển chuyển thích nghi

Hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần chuyển mình để thích nghi sau ngày TPHCM thực hiện “bình thường mới” từ đầu . Giải pháp trực tuyến với sự hỗ trợ tối đa của công nghệ có phải là cách để các sản phẩm, sự kiện văn hóa nghệ thuật đi đường dài trong “bình thường mới”, hay công chúng cần một giải pháp thích ứng linh hoạt hơn?

Song song và không thể thay thế

Triển lãm thực tế ảo về đồ vật và các câu chuyện liên quan đến đồ vật do NÓI (một đơn vị tổ chức nghệ thuật trình diễn tại TPHCM) tổ chức, kết thúc vào ngày 30-9. Sau 20 ngày tổ chức, hơn 7.330 lượt xem trên nền tảng Artsteps và 608 người quan tâm đến sự kiện triển lãm ở mạng xã hội là những con số đáng kể cho một sự kiện online.

Mỗi bức tranh sẽ được kết nối với một mã QR riêng, từ đó người xem có thể quét mã và đọc câu chuyện đằng sau bức tranh ấy. Khách tham quan cũng có thể tương tác, chụp hình với những người tham quan khác… Với một chiếc máy tính, điện thoại hay máy tính bảng có kết nối Internet, dù ở bất cứ đâu, khách tham quan đều có thể tham gia.

Không chỉ là giải pháp thích nghi trong tình hình dịch bệnh, triển lãm online vẫn có thể tồn tại độc lập song song với triển lãm trực tiếp ngay cả khi hết dịch, để có thể phục vụ nhiều đối tượng khán giả hơn. Tùy theo mục đích của triển lãm và đối tượng muốn tiếp cận, các đơn vị tổ chức có thể lựa chọn hình thức phù hợp cho sự kiện.

Tuy nhiên, Hoàng Trương Minh Thư (Trưởng dự án NÓI) cũng nhìn nhận về khía cạnh song song giữa trực tuyến và trực tiếp trong hoạt động nghệ thuật: “Trong kỷ nguyên số hóa như hiện tại, ai cũng phải công nhận các hoạt động số hóa sẽ trở thành một xu thế mới, mà thực ra nó cũng đang là xu thế rồi. Tuy nhiên, triển lãm thực tế vẫn có những giá trị tinh thần và ý nghĩa tồn tại rất lớn, nhất là đối với những bạn yêu thích cảm giác được đi xung quanh, ngắm nghía và suy nghĩ về các hiện vật trưng bày. Tôi nghĩ rằng triển lãm online sẽ là một bước phát triển, một hình thức tồn tại song song với triển lãm thực, một cánh tay nối dài, giúp triển lãm thực có thể được nhiều người, nhiều bạn bè khắp nơi trên thế giới biết đến hơn, chứ không phải tồn tại mâu thuẫn với nhau”.

Trong câu chuyện giải pháp online để thích ứng mùa dịch, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật vẫn “đau đầu” tìm giải pháp linh động, bởi đặc thù biểu diễn cần khán phòng - như nhạc cổ điển. Anh Nguyễn Võ Lâm (thành viên Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn) trăn trở: “Trong thời gian giãn cách kéo dài, nhóm đã và đang thực hiện dự án phụ đề các vở opera, các phim tài liệu về nhạc cổ điển để chiếu trực tuyến. Còn các hoạt động biểu diễn thì nhóm vẫn hướng đến trực tiếp hơn”.

Không thể phủ nhận sự tiện ích của những chương trình trực tuyến trong tình hình giãn cách xã hội “lên ngôi”. Nhưng để những chương trình trực tuyến thay cho trực tiếp trong đường dài cũng không hẳn là hướng đi hay; bởi triển lãm AR, VR… thích hợp với giới trẻ, nhưng khán giả trung niên sẽ như thế nào, khi công nghệ đổi mới và liên tục cập nhật những phiên bản khác nhau? Về vấn đề đưa công nghệ vào nghệ thuật, trong buổi trò chuyện thuộc khuôn khổ chương trình Liên hoan Thiết kế và sáng tạo Việt Nam, nghệ sĩ thị giác Richard Streitmatter-Tran bày tỏ: “Trước đây tôi tập trung vào video, new media thì công nghệ hỗ trợ rất tốt. Nhưng hiện tại tôi tập trung vào chất liệu như tranh vẽ hay điêu khắc thì mùi gỗ, độ ẩm của đất sét không thể tái tạo được trong thế giới ảo”.

Chất lượng là tiên quyết 

Theo đạo diễn Hoàng Duẩn, những cái “vướng” với nghệ thuật khi “bình thường mới” chính là khả năng tài chính, cơ sở vật chất, công nghệ tổ chức sản xuất, công tác khán giả và sâu xa hơn là lòng yêu nghề của chủ các công ty, ông bà bầu các nhà hát xã hội hóa vốn khánh kiệt về tài chính sau dịch bệnh.

Uyển chuyển thích nghi ảnh 1  Chương trình nghệ thuật Nối vòng tay lớn, được thực hiện trực tuyến vào tối 26-9

“Sau dịch bệnh, phải một thời gian nữa khán giả mới yên tâm đến xem sân khấu. Các sự kiện tập trung đông người cũng sẽ không thu hút khán giả bởi tâm lý e ngại bị lây lan dịch bệnh. Tài chính khó khăn, khán giả sẽ phải lo đi kiếm cái ăn trước khi dư dả để đến với sân khấu, sự kiện hay xem biểu diễn. Chưa kể, cơ chế cho biểu diễn hiện nay cũng khó, diễn thì cách thức tổ chức sẽ như thế nào?”, đạo diễn Hoàng Duẩn phân tích.

Riêng lĩnh vực sân khấu, đạo diễn Hoàng Duẩn cho rằng không thể mãi trực tuyến được, bởi một trong những đặc trưng của sân khấu là khán giả. Về giải pháp, đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ: “Ngoài tuân thủ nguyên tắc 5K, có thể kết hợp quét mã QR để biết được tình trạng sức khỏe của khán giả. Ngoài ra, hạn chế số lượng người xem trong mỗi suất diễn, bố trí nhiều suất diễn nối tiếp nhau. Thay vì diễn một suất/đêm thì có thể diễn nhiều suất nhưng chia giờ ra cho thuận tiện để phục vụ khán giả. Có thể gắn thêm các tấm chắn tạo “không gian riêng” cho khán giả đi lẻ hay khán giả đi chung. Trang trí các tấm chắn này thành các không gian thú vị, tạo nên tên gọi thật đáng yêu cho từng cặp ghế hay khu vực khán giả và quảng bá online để tạo sự hấp dẫn, thích thú với người xem. Việc bán vé hay tiếp thị cần đẩy mạnh hình thức online, hạn chế tiếp xúc trực tiếp”.

Trong khó khăn, đạo diễn Hoàng Duẩn vẫn khá lạc quan bởi theo anh, người TPHCM vốn rất giỏi thích ứng nên vẫn có thể nối lại hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật một cách nhanh nhất có thể. Ở lĩnh vực phim ảnh, với một số phim đã được sản xuất thì có thể công chiếu ngay sau khi cho phép tập trung đông người tại các rạp phim. Sân khấu cần phải chuẩn bị sẵn các kịch bản mới, chương trình mới bằng cách làm việc online ở giai đoạn đầu trước khi tiến hành tập trên sàn.

Khán giả Trương Thị Thanh Hoài (quận 10, TPHCM) cho rằng: Để đảm bảo điều kiện giãn cách, thay vì chỉ có suất diễn buổi tối, tôi nghĩ mỗi vở diễn nên có thêm khung giờ khác trong ngày, để phù hợp với thời gian rảnh khác nhau của nhiều người. Kịch bản xây dựng theo tuyến ít nhân vật hơn, như thế mỗi suất chiếu vẫn đảm bảo lượng nghệ sĩ và khán giả theo quy định. Xem kịch online tôi nghĩ tạm thời thì được, chứ về lâu dài khán giả vẫn quen với hình thức “phim xa, kịch gần”, ngồi gần sân khấu, nghe rõ thoại, nhìn rõ mặt nghệ sĩ biểu diễn.

Uyển chuyển thích nghi ảnh 2 Nghệ sĩ mong mỏi được trở lại sân khấu

Ông Trần  Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho biết: Trên cơ sở chỉ thị mới của thành phố, sở đang họp bàn những giải pháp, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp, tổ chức biểu diễn. Chắc chắn với nghệ sĩ và khán giả mộ điệu, không chỉ riêng TPHCM mà cả nước hay nhiều quốc gia, khán giả vẫn muốn được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật trên những sân khấu trực tiếp. Điều này luôn mang lại cảm giác thực, dạt dào. Trong điều kiện “bình thường mới”, chúng tôi hạn chế lực lượng diễn viên, các yêu cầu liên quan đến sân khấu mà vẫn có thể tổ chức được những trích đoạn, vở diễn chuyển tải được thông điệp, nét đặc sắc của tác phẩm. Tôi cho rằng, cuối cùng, chất lượng của một tác phẩm nghệ thuật mới thỏa mãn khán giả về thưởng thức. Không thể thay thế bằng một yếu tố nào khác...

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM: Trình diễn phải đảm bảo an toàn

Dựa trên Chỉ thị 18, dự kiến tối đa 60 người/sự kiện biểu diễn nghệ thuật, với yêu cầu phải đáp ứng điều kiện tốt nhất về y tế (là 5K, tiêm 2 mũi vaccine theo quy định, F0 đã hết bệnh trong khoảng thời gian nhất định).

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, đơn vị nghệ thuật tổ chức các hoạt động sẽ được dựa trên điều kiện thực tế để xem xét cho phép hay không, nhằm đảm bảo an toàn. Nếu tổ chức cho 60 người thì thật ra, với con số này, tính hiệu quả vẫn chưa cao, chủ yếu là để thấy một trạng thái mở cho các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, phục vụ cho các hoạt động ghi hình, nhóm hát mang yếu tố ít người. Bởi thực tế hiện tại, đông người chưa an toàn.


Nghệ sĩ violon Sơn Mạch: Nghệ thuật cần những không gian thực sự

“Bình thường mới” đối với nghệ sĩ quả thực là khó khăn và thách thức, bởi trong đợt dịch vừa qua, nhóm nhạc sĩ và người hoạt động nghệ thuật nói chung đều mất việc đầu tiên, nhưng có việc lại sau cùng. Nếu dịch được kiểm soát tốt, chúng ta có thể bắt đầu tổ chức các buổi hòa nhạc, hạn chế lượng khán giả ngồi giãn cách 3-4 ghế, nghệ sĩ và khán giả đều phải đeo khẩu trang. Các nghệ sĩ dàn nhạc ngồi trên sân khấu cũng giữ khoảng cách 2m an toàn. Nhiều dàn nhạc quốc tế còn trang bị những ngăn kính trên sân khấu để hạn chế việc tiếp xúc nhau theo một cách rất an toàn.

Và trong “bình thường mới” khi dịch vẫn còn kéo dài, khán giả không thể mãi ngồi trước màn hình hay đeo kính thực tế ảo để tương tác. Nghệ thuật cũng cần những không gian thực sự truyền cảm cho nghệ sĩ và khán giả. 

Tin cùng chuyên mục