Ủy ban Về các vấn đề xã hội “phê bình” việc thực hiện gói 62.000 tỷ đồng

Khái quát, báo cáo nêu, việc thực hiện chính sách không đạt được như kỳ vọng khi ban hành chính sách, số đối tượng thụ hưởng và tỷ lệ giải ngân thấp, chậm và không kịp thời. Nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 gần như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ trực tiếp, chỉ có 3,6% gói hỗ trợ được giải ngân cho nhóm đối tượng này…
Các hộ kinh doanh mới chỉ nhận được tổng cộng 38,0 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,11% quy mô gói hỗ trợ
Các hộ kinh doanh mới chỉ nhận được tổng cộng 38,0 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,11% quy mô gói hỗ trợ

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa gửi đến ĐBQH báo cáo "Một số ý kiến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19". Báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Ủy ban tại phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ nhất (ngày 21-7-2021).

Theo báo cáo, hậu quả nặng nề của những đợt dịch trước đã hiện rõ khi số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần những tháng đầu năm 2021 tăng cao. Cụ thể, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần 5 tháng đầu năm 2021 (399.939 người), tăng 25% so với 5 tháng đầu năm 2020 (319.202 người).

Đối với doanh nghiệp, dịch bệnh đã tác động mạnh đến chuỗi sản xuất, kinh doanh, nguồn lực về lao động, đặc biệt đã tác động nặng nề tới chiến lược và phương hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vừa phải chống chọi với dịch bệnh, bảo vệ người lao động vừa phải thay đổi phương thức kinh doanh, thay vì tập trung chuyên môn hóa vào thị trường tiêu thụ sản phẩm nhất định thì phải tăng cường tìm thị trường đầu ra, đa dạng thị trường và phương thức tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có những hạn chế nhất định.

Báo cáo phân tích rõ, nguồn lực ban đầu khi Chính phủ đề xuất các gói hỗ trợ khoảng 61.580 tỷ đồng có ba hợp phần chính: Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với quy mô khoảng 35.880 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước của Trung ương và địa phương; Hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với quy mô khoảng 16.200 tỷ đồng; và thông qua việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ước khoảng 3.000 tỷ đồng.

Riêng gói thứ 3 UBTVQH chưa tán thành triển khai thực hiện vì giải pháp này chưa phù hợp trong bối cảnh đang thực hiện giãn cách xã hội tại thời điểm Chính phủ trình.

Kết quả, gói hỗ trợ bằng tiền mặt đã thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, bằng 36,5% với mức độ hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau ở những mức độ khác nhau. Đáng lưu ý, các hộ kinh doanh chỉ nhận được tổng cộng 38 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,11% quy mô gói hỗ trợ.

Gói hỗ trợ gián tiếp với quy mô 16.200 tỷ đồng (cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội) cũng chỉ giải ngân được vỏn vẹn chưa tới 42 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói.

Khái quát, báo cáo nêu, việc thực hiện chính sách không đạt được như kỳ vọng khi ban hành chính sách, số đối tượng thụ hưởng và tỷ lệ giải ngân thấp, chậm và không kịp thời. Nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 gần như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ trực tiếp, chỉ có 3,6% gói hỗ trợ được giải ngân cho nhóm đối tượng này…

“Một số quy định để hướng dẫn thực hiện còn cứng nhắc, chưa sát với thực tế, một số quy định rất khó thực hiện, thậm chí làm các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện”, Ủy ban này nêu quan điểm.

Công tác thông tin, truyền thông về chính sách thiếu thận trọng khi các cơ quan có thẩm quyền chưa có ý kiến chính thức đã gây ra những cách hiểu chưa chính xác, chưa đầy đủ, tạo sự kỳ vọng quá lớn trong nhân dân, người lao động và doanh nghiệp so với việc thực hiện trên thực tế.

Hạn chế nữa là mặc dù đã được khắc phục kịp thời, song tại một số địa phương vẫn để xảy ra số ít hiện tượng lợi dụng chính sách, lập danh sách trùng, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo không đúng tiêu chí đối tượng.

Một trong các nguyên nhân của tình trạng trên được nêu tại báo cáo là việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, Quyết định 32/2020/QĐ-TTg để hướng dẫn thực hiện Nghị quyết còn cứng nhắc, thiếu thực tế, trong quá trình xây dựng chưa tạo sự đồng thuận cao giữa các cơ quan, một số quy định rất khó thực hiện, thậm chí làm các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai. Quy trình, thủ tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ còn mang tính hành chính nhằm bảo đảm sự “an toàn” cho các cơ quan, tổ chức thực hiện.

Tin cùng chuyên mục