Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn

Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thật tốt dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn, trình UBTVQH xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2 của phiên họp thứ 9. Việc ban hành nghị quyết được coi là một trong những đổi mới căn cơ trong hoạt động chất vấn tại phiên họp của UBTVQH.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tổng kết phiên chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tổng kết phiên chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG

Sau 1 ngày làm việc, phiên chất vấn đầu tiên của UBTVQH nhiệm kỳ khóa XV đã diễn ra thành công. Phát biểu tổng kết phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, thành công của phiên chất vấn cho thấy việc lựa chọn và quyết định 2 nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH khóa XV là đúng và trúng, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính quan trọng, cơ bản và lâu dài.

“Mặc dù được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 62 điểm cầu trên cả nước, nhưng phiên chất vấn vẫn tạo được sự tương tác, đối thoại trực diện giữa người hỏi và người trả lời về vấn đề được chất vấn, thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra”, đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ.

Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 bộ trưởng đã có tổng số 64 đại biểu đăng ký chất vấn (35 đại biểu đối với lĩnh vực công thương, 31 đại biểu đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường), trong đó có 48 đại biểu tham gia chất vấn,  10 đại biểu tiến hành tranh luận.

Trên cơ sở chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thật tốt dự thảo nghị quyết của UBTVQH về hoạt động chất vấn, trình UBTVQH xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2 của phiên họp thứ 9.

“Đây cũng là một trong những đổi mới căn cơ trong hoạt động chất vấn tại phiên họp của UBTVQH, tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục chủ động đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn nói riêng, làm cho hoạt động giám sát thực sự trở thành một trong những công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh.

Ngay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, UBTVQH đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ thực hiện quyết liệt những cam kết trước UBTVQH và cử tri cả nước, làm cơ sở để UBTVQH giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của nhân dân. Các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở nghị quyết về chất vấn, tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, chủ động tổ chức các phiên giải trình thuộc lĩnh vực phụ trách tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) chất vấn tại phiên chất vấn của UBTVQH ngày 16-3. Ảnh:VIỆT DŨNG

Về phía Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động hơn nữa trong việc thực hiện chức năng giám sát thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, nhân dân; lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri; tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục