Ưu tiên nguồn vốn giải phóng mặt bằng dự án giáo dục đại học

Ngày 8-1, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cùng đại diện Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đến thăm và làm việc với Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM, cho biết: ĐHQG TPHCM thành lập năm 1995 và đến nay trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học cả nước. Hiện ĐHQG TPHCM gồm 34 đơn vị, trong đó có 6 trường đại học thành viên, 1 khoa và 1 phân hiệu trực thuộc. Tổng số cán bộ, viên chức của ĐHQG là hơn 5.200 người, với gần 2.500 thầy cô giáo, 344 giáo sư, phó giáo sư, hơn 1.200 tiến sĩ, trên 2.000 thạc sĩ.

Hàng năm, ĐHQG cung cấp cho xã hội khoảng gần 10.000 cử nhân tốt nghiệp hệ đại học chính quy, hơn 600 kỹ sư/cử nhân chương trình tài năng, chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV), chương trình tiên tiến, hơn 1.200 thạc sĩ và 100 tiến sĩ thuộc hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động xã hội, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, hiện ĐHQG TPHCM đang tồn tại nhiều vướng mắc và khó khăn cần tháo gỡ. Tính đến tháng 12-2018, diện tích đất đã thu hồi tại Khu đô thị ĐHQG TPHCM là 537,53ha (đạt tỷ lệ 83,5%). Công tác tái định cư cũng đang được triển khai tại khu tái định cư 6,8ha phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM gồm 334 nền (đã bố trí: 54 nền); khu tái định cư 33,6ha tại phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình dương gồm 1.042 nền, đã tổ chức bốc thăm được 733 nền và đang tổ chức bốc thăm 309 nền. Dự kiến công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, do thiếu vốn (khoảng 2.000 tỷ đồng) nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng rất khó khăn.

Song song đó, nguồn ngân sách nhà nước cấp trong 3 năm gần đây theo hướng giảm dần. Năm 2016 - 2018, nguồn ngân sách cấp lần lượt là 1.188 tỷ đồng, 750 tỷ đồng và 798 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng ngân sách so với tổng kinh phí hoạt động trong 3 năm qua giảm lần lượt từ 40,7%, 29,3% và 29,4%.

Về chi phí đào tạo cho 1 sinh viên/năm hiện nay của ĐHQG TPHCM ở mức 27,99 triệu đồng/năm; trong khi chi phí bình quân cho 1 sinh viên đại học tại Singapore khoảng 21.853 SGD năm 2016-2017 (tài liệu thống kê năm 2017 của Bộ GD-ĐT Singapore) tương đương 350 triệu đồng/năm. Đặc biệt, trung bình hàng năm mỗi cán bộ nghiên cứu ĐHQG TPHCM nhận được kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học là 16 triệu đồng/năm trong khi tại Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), 1 cán bộ được đầu tư trung bình trong 1 năm là 4 tỷ đồng. Điều này cho thấy tập thể thầy và trò trong ĐHQG TPHCM đã có nhiều cố gắng trong những năm qua.

PGS-TS Huỳnh Thành Đạt kiến nghị vấn đề mà ĐHQG TPHCM đang gặp khó khăn và mong muốn Chính phủ tháo gỡ chính là bố trí vốn để hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Công tác thu hút đầu tư xã hội hóa, hợp tác đầu tư còn vướng nhiều quy định, có chủ trương để hệ thống ngân hàng chính sách xã hội tăng mức cho vay dành cho sinh viên để phù hợp với thực tế, đơn giản hóa thủ tục vay đồng thời có chính sách quản lý theo hướng hiện đại, đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học công lập.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hải cho rằng: Qua tham quan và báo cáo thực tế thì so với các dự án của ĐHQG Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, dự án của ĐHQG TPHCM hoàn thành khá nhiều hạng mục. Tuy nhiên, điểm vướng và khó khăn chung của các dự án trên là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Điều đáng mừng là tháng 11-2018 Quốc hội cũng đã thông qua và thống nhất về chủ trương phân bổ nguồn lực dự phòng cho một số dự án quan trọng. Trong đó, các dự án của giáo dục gồm ĐHQG Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐHQG TPHCM sẽ được ưu tiên để bố trí nguồn vốn. Dự kiến, tháng 4-2019 Quốc hội và Chính phủ sẽ có văn bản cụ thể để hướng dẫn triển khai.

BỘ GD-ĐT CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG GIÁO VIÊN VỀ CHUYÊN MÔN VÀ ĐẠO ĐỨC

Ngày 8-1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2019, ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp trên cơ sở bám sát vào các nhiệm vụ của Nghị quyết 29 về đổi mới, căn bản toàn diện GD-ĐT. Trong đó, ưu tiên ổn định trường lớp, sắp xếp lại trường sư phạm và các trường đại học, tạo tiền đề cho quy hoạch mạng lưới các trường đại học. Cùng với đó là phát triển đội ngũ nhà giáo. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vấn đề thừa thiếu giáo viên có thể giải quyết được, mặc dù không phải dễ, điều cần quan tâm sâu sắc là chất lượng giáo viên cả về chuyên môn cũng như đạo đức.
Đối với giáo dục đại học, bộ trưởng đề nghị cần rà soát cả về số lượng và chất lượng. Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, còn các trường chủ động tăng cường bồi dưỡng kỹ năng quản trị nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ. Năm 2019, ngành giáo dục cũng phải quan tâm chú trọng đến phát triển ngoại ngữ, nhất là chuyển giao chương trình đào tạo; tránh tình trạng dạy học tiếng Anh không bài bản. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và quản lý, và tăng cường hội nhập quốc tế trong GD-ĐT…
PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục