Ưu đãi thuế xuất nhập khẩu từ CPTPP

Thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thủ tướng Chính phủ vừa ký Nghị định 57/2019/NĐ-CP ban hành Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện CPTPP giai đoạn từ 14-1-2019 đến hết ngày 31-12-2022. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện ưu đãi thuế xuất nhập khẩu đặc biệt với 6 quốc gia thành viên CPTPP.
Chăm sóc gia cầm tại một trang trại. Ảnh: THÀNH TRÍ
Chăm sóc gia cầm tại một trang trại. Ảnh: THÀNH TRÍ

Ưu đãi trong vòng 1 năm

6 quốc gia thành viên của CPTPP gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia sẽ được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. 6 quốc gia đầu tiên phê chuẩn hiệp định này có quyền thông báo với các quốc gia phê chuẩn sau về thời điểm bắt đầu lộ trình cắt giảm thuế. Theo đó, 5 quốc gia gồm Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore thông báo áp dụng mức cắt giảm thuế lần thứ hai cho Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Đồng thời, Việt Nam cũng áp dụng mức cắt giảm thuế lần thứ hai từ ngày 14-1-2019. Riêng Mexico thông báo áp dụng mức cắt giảm thuế lần thứ nhất cho Việt Nam từ ngày 14-1-2019 và ngược lại.

Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi CPTPP gồm có 519 dòng thuế. Để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, hàng hóa phải có chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước thành viên mà CPTPP đã có hiệu lực. Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan thực hiện khai tờ khai xuất khẩu, áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu, tính thuế và nộp thuế theo Biểu thuế xuất khẩu thuộc Danh mục mặt hàng chịu thuế tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu, người khai hải quan nộp bản chụp chứng từ vận tải và bản chụp tờ khai hải quan nhập khẩu, thực hiện khai bổ sung theo quy định của pháp luật hải quan để được áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo CPTPP.

Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra mức thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, nếu hàng hóa xuất khẩu đáp ứng đủ các điều kiện quy định của nghị định thì được áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo CPTPP và thực hiện xử lý tiền thuế nộp thừa cho người khai hải quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Xuất nhập khẩu từ 14-1-2019 vẫn được hưởng ưu đãi

Thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu theo CPTPP, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt gồm 10.647 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 350 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số và Danh mục hàng hóa và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với ô tô đã qua sử dụng áp dụng hạn ngạch thuế quan để thực hiện CPTPP. Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt phải đáp ứng đủ các điều kiện là thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hoặc Danh mục hàng hóa và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với ô tô đã qua sử dụng; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước thành viên của CPTPP đã có hiệu lực, bao gồm cả hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước; được vận chuyển vào Việt Nam từ các nước thành viên của CPTPP đã có hiệu lực (trường hợp quá cảnh, chuyển tải thì phải đáp ứng điều kiện quá cảnh, chuyển tải theo quy định) và đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của CPTPP.

CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019 nhưng Nghị định 57/2019/NĐ-CP được Chính phủ ký ban hành sau ngày hiệp định có hiệu lực nên nghị định này có quy định cho cả giai đoạn từ ngày 14-1-2019 đến trước ngày nghị định có hiệu lực thi hành. Cụ thể, các tờ khai hải quan của các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký từ ngày 14-1-2019 đến trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại nghị định và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Lộ trình ưu đãi thuế quan

Năm 2019, Mexico có 6.884 dòng thuế về 0%; trong đó có một số loại gia cầm sống, cá tươi hoặc ướp lạnh, xơ sợi bông, một số loại than non, than bùn, than cốc, gạo nếp, một số loại trái cây như nhãn, me...

Các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore trong năm 2019 và Mexico trong năm 2020 có 6.888 dòng thuế về 0%, áp dụng với một số mặt hàng như quả lê, anh đào.

Năm 2020, với các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và năm 2021 đối với Mexico có 6.996 dòng thuế về 0%, áp dụng với một số loại thịt của động vật trâu bò tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, một số loại sữa và kem chưa pha thêm đường, một số loại quả thuộc chi cam quýt, máy bơm nước…

Năm 2021, các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và năm 2022 đối với Mexico có 9.110 dòng thuế về 0%, áp dụng với một số mặt hàng cừu, dê sống, trứng chim và trứng gia cầm, cà chua, rau đậu, một số đồ nội thất bằng gỗ, ô tô đầu kéo dùng để kéo sơmi rơmoóc có dung tích xilanh không quá 1.100cc.

Năm 2022, các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore có 9.178 dòng thuế về 0%, áp dụng với một số mặt hàng phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia súc, dầu cây cải, kẹo sô cô la, bơ lạc, nước sốt cà chua…

Tin cùng chuyên mục