Ươm mầm xanh trên đảo Cồn Cỏ

Đảo Cồn Cỏ rộng khoảng 4km2, chu vi 8km, độ cao 5-30m so với mực nước biển. Đảo cách bờ biển Vĩnh Linh, Quảng Trị khoảng 30km, được xem như một tiền đồn giữa vĩ tuyến 17, trấn giữ phía Đông Tổ quốc. 

Không chỉ nổi tiếng kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ, Cồn Cỏ còn là viên ngọc xanh giữa trùng khơi, đang là điểm tham quan du lịch sinh thái độc đáo.

Hơn một giờ đồng hồ cùng con tàu du lịch vượt biển, Cồn Cỏ hiển hiện trước mặt qua hình ảnh cột cờ Tổ quốc trên nền xanh thẫm rừng nguyên sinh trùng điệp. Một không gian khoáng đạt mà tĩnh lặng, thỉnh thoảng vang vọng tiếng sóng vỗ vào bãi đá. Trên con đường uốn lượn quanh co từ bến cảng về khu vực trung tâm, mọi mệt mỏi tan biến trong phút chốc trước vẻ đẹp của cảnh vật xung quanh.

Ấn tượng nhất là rừng nguyên sinh trên đảo với những cây gỗ tự nhiên to đến 3-4 người ôm không xuể. Có những cây lạ không tìm thấy ở đất liền, thân hình ngoằn ngoèo, nhiều đốt. Có cây thân cứng nhưng đụng vào vỏ thì tiết ra chất nhựa đỏ như máu. Đặc biệt, những cây bàng vuông cổ thụ có trái to nặng như thanh trà Huế, phần đáy quả lại vuông (hoặc lục giác) chứ không như quả bàng nhỏ xíu hình ô van thường thấy. Cùng với cây phong ba, bàng vuông là biểu tượng cho sự kiên cường, hiên ngang trước phong ba bão táp, có mặt khắp nơi trên đảo, vừa tạo màu xanh, vừa là điểm đến thú vị cho bất cứ ai đến với Cồn Cỏ.

Ươm mầm xanh trên đảo Cồn Cỏ ảnh 1 Cây mù u đơm hoa kết trái
Sóng biển êm đềm dưới nắng thu vàng càng làm cho Cồn Cỏ căng tràn sức sống. Quãng thời gian sau ngày hòa bình và công việc khai hoang có thể chưa dài, nhưng Cồn Cỏ, vị trí tiền tiêu cho cả miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giờ thật khó tìm ra một hố bom, hố đạn để hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu với máy bay và tàu chiến Mỹ.

Ấn tượng là hơn 74% diện tích rừng tự nhiên trên đảo từng bị chiến tranh tàn phá nhưng giờ hồi sinh gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm với nhiều tầng, làm cho nơi đây thực sự là hòn đảo xanh. Động vật trên đảo tuy không nhiều nhưng chủng loại khá độc đáo. Nổi tiếng nhất vẫn là loài cua đá to gần bằng bàn tay, nguồn thực phẩm dồi dào và quan trọng trên đảo. Cua đá ở đảo Cồn Cỏ còn vinh dự được đi vào bài hát vui nhộn thời chiến tranh, bài Con cua đá… Chính lẽ đó, Cồn Cỏ được các nhà khoa học ví như một bảo tàng đa dạng sinh học. 

Ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, chia sẻ, ngoài việc bảo tồn nghiêm ngặt, những năm gần đây trên đảo còn hình thành và phát triển vườn ươm nhân tạo những giống cây bản địa, thích nghi với điều kiện nắng, gió khắc nghiệt, góp phần tạo cảnh quan xanh mát. “Những cây bàng vuông, cây gội, mù u… ươm mầm và trồng ngay trên đảo đều đâm chồi xanh mướt và phát triển rất tốt. Hàng trăm cây bàng vuông ươm mầm từ những trái bàng lấy từ 2 cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tự mọc trên đảo, nay bắt đầu đơm hoa kết trái và tỏa bóng xanh dọc các con đường như một cam kết của quân dân trên đảo Cồn Cỏ luôn giữ kho báu rừng xanh giữa trùng khơi”, ông Trương Khắc Trưởng phấn khởi cho biết.

Bên ngọn hải đăng soi rọi giữa đêm tối, phóng tầm mắt sẽ thấy đảo Cồn Cỏ tròn vành vạnh đang hoàn thiện hình hài một đô thị. Nhà cửa xây kiên cố san sát, nhiều trụ sở cao tầng chen giữa màu xanh cây trái. Đó là kết quả trong chiến lược chuyển Cồn Cỏ từ đảo quân sự thành đảo dân sự kiểu mẫu của những người con nước Việt đang ngày đêm vững vàng xây cuộc đời mới nơi “vọng gác tiền tiêu” Tổ quốc trên biển Đông. 

Ông Trương Khắc Trưởng cho biết, việc từng bước xúc tiến, thúc đẩy hoạt động du lịch ở đảo Cồn Cỏ nằm trong định hướng phát triển du lịch sinh thái biển và là một “sản phẩm du lịch mới” có lợi thế của địa phương đã được tỉnh quan tâm đón đầu, chỉ đạo, triển khai, thực hiện. Thời gian qua, địa phương đã phối hợp với một doanh nghiệp đưa vào khai thác thử nghiệm tuyến du lịch Cửa Việt - Cồn Cỏ.

Được sự đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Trị, tháng 7-2017, địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ. Năm “mở hàng” cho du lịch đảo Cồn Cỏ, địa phương đã đón gần 2.000 khách du lịch. Mùa hè năm 2018 có 4.130 khách và đến thời điểm này của năm 2019 đã có trên 7.000 khách. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, địa phương đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở Cồn Cỏ để phục vụ khách du lịch trên tuyến đầu cầu hành lang kinh tế Đông - Tây, là đầu mối quan trọng trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước ASEAN; đồng thời đầu tư đóng mới đội tàu du lịch để kết nối đất liền với Cồn Cỏ... Cồn Cỏ cũng kết nối với Cửa Việt và Cửa Tùng để tạo thành “tam giác” du lịch biển, đưa du lịch thành ngành mũi nhọn của địa phương.

Tin cùng chuyên mục