Ươm mầm sống cho biển

“Trồng một nhánh san hô - tặng thế hệ mai sau” là tên gọi những chuyến đi nuôi cấy san hô của các thành viên nhóm lặn biển PADI Việt Nam. Những “hạt mầm” đầu tiên đã được gieo vào lòng biển, mang theo hy vọng một ngày, hành động này sẽ được nhân rộng hơn nữa.
Những nhánh san hô được nuôi cấy trên giàn và được theo dõi kỹ sự phát triển. Ảnh: NVCC
Những nhánh san hô được nuôi cấy trên giàn và được theo dõi kỹ sự phát triển. Ảnh: NVCC

Khởi đầu

“Mình là 1 huấn luyện viên lặn quốc tế với hơn 23 năm trong ngành lặn, đã chứng kiến sự biến đổi của rạn san hô qua từng giai đoạn ở khắp các vùng biển Việt Nam. Những năm gần đây, rạn san hô ở khắp nơi đã chết dần bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự tàn phá của con người, dần dần diện tích bị thu hẹp đáng kể”, là chia sẻ của anh Nguyễn Hà Minh Trị, trưởng nhóm lặn biển PADI Việt Nam.

Theo anh Trị, nếu tình trạng này cứ tiếp tục, không lâu nữa chúng ta sẽ không còn thấy những rạn san hô tuyệt đẹp. Anh cùng các học viên, cộng sự lên ý tưởng và thực hiện chương trình nuôi cấy san hô ở những nơi mình sẽ đến.

Hiện nhóm có vài chục thành viên đến từ khắp nơi: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, An Giang, Kiên Giang, Lào Cai, Hải Phòng..., đa phần đều là những người có bằng lặn chuyên nghiệp. Trung tuần tháng 5 vừa qua, đáng lẽ nhóm tổ chức tour kéo dài 3 ngày kết hợp du lịch và tái tạo san hô biển tại vịnh Vĩnh Hy (Nha Trang). Tuy nhiên, hoạt động này hiện đã dời sang tháng 7 do thời tiết xấu và các thiết bị không về kịp.

Công việc nuôi cấy san hô được nhóm của anh Minh Trị đã và đang nghiên cứu thử nghiệm, bắt đầu từ một vài nhánh nhỏ tại vùng biển Nha Trang bằng phương pháp dán san hô trực tiếp lên đá và tảng san hô chết bằng chất liệu xi măng, chất kết dính. Anh thông tin: “Hiện nay, sau gần 4 tháng, những nhánh san hô này phát triển rất tốt và khỏe mạnh. Ngoài ra, nhóm còn trồng 2 giàn san hô lên giàn giá treo theo mô hình vườn ươm tại vùng biển Ninh Thuận đã được 2 tháng và kết quả cũng khả quan. 90% san hô được ươm tại đây đang phát triển rất tốt, đã nhú mầm non, khoảng 10% còn lại bị rêu bám nên hơi yếu do thiếu ánh sáng”.

Sau khi nuôi cấy, nhóm thường xuyên quan sát, theo dõi sự phát triển của các nhánh san hô và hân hoan khi thấy chúng khỏe mạnh, nhú những mầm non, lên màu và đặc biệt là có cả cá nhỏ kéo về ở. 

Chung sức, đồng lòng

“Chúng mình không nản lòng, không chùn bước vì trước khi thực hiện chương trình, mình và tất cả thành viên tham gia xác định, trồng san hô không phải như trồng cây. Kết quả không đến liền, phải chờ 5-10 năm hoặc có thể vài chục năm mới thấy. Vì vậy, chúng mình đã đặt tên cho chuyến đi là “Trồng một nhánh san hô - tặng thế hệ mai sau”. Nói thì đơn giản nhưng để có những giàn san hô như thế, nhóm phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc tìm các bụi san hô lớn, “chiết” một số nhánh, sau đó về ghép lên giàn giá và đưa xuống biển nuôi trong thời gian dài. Sau thời gian phát triển tốt, chúng sẽ được cắt và đưa đến trồng thay thế các rạn san hô bị chết.

Trong quá trình thực hiện, bản thân anh Minh Trị cũng như các thành viên tham gia không ít lần nhận được các câu hỏi hoài nghi, không tin vào những gì nhóm đang làm, bị đánh giá làm tự phát và không có sơ sở…

Ươm mầm sống cho biển ảnh 1 Những nhánh san hô được nuôi cấy trên giàn và được theo dõi kỹ sự phát triển. Ảnh: NVCC

Anh cho biết, việc làm này chỉ thực hiện khi được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và ủng hộ của người dân sống ở đó. May mắn, từ những bước khởi đầu, nhóm luôn nhận được sự hoan nghênh, khích lệ và coi đó là nguồn động lực để tiếp tục thực hiện những chuyến đi ý nghĩa. Đặc biệt, hoạt động của nhóm hoàn toàn phi lợi nhuận. Để duy trì kinh phí, các thành viên cùng gom góp mua vật liệu, máy móc. Thậm chí, dù một số đơn vị ngỏ ý tài trợ cho chương trình nhưng nhóm không nhận vì kinh phí không nhiều, và quan trọng hơn, nhóm thấy vẫn có thể tự làm được.

Anh Minh Trị chia sẻ: “Vấn đề cốt lõi chúng mình muốn gửi gắm đến tất cả mọi người: Hãy gìn giữ và bảo vệ rạn san hô. Vì rạn san hô giúp chúng ta bảo vệ bờ biển, tránh được những cơn sóng lớn, là nơi cư ngụ và phát triển của các loài động vật dưới nước. Nếu rạn san hô biến mất cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không còn cá, tôm, ốc và các loài thủy, hải sản, ngành du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”.

Việc nuôi cấy san hô của nhóm lặn biển PADI chỉ mới là khởi đầu và hành trình phía trước còn rất dài. Anh Minh Trị cho biết, để nhân rộng mô hình này, sau 6 tháng nghiên cứu và theo dõi sự phát triển của những nhánh san hô đã trồng, nếu kết quả hơn 70% sống, phát triển tốt, nhóm sẽ công bố cách trồng thông qua các bài đăng trên các trang mạng xã hội và hướng dẫn mọi người chung tay tái tạo các rạn san hô trên khắp cả nước.

"Càng nhiều người tham gia làm việc này, các rạn san hô càng có nhiều cơ hội để phục hồi”, anh Minh Trị hy vọng.

Tin cùng chuyên mục