Ước mơ khống chế ngọn lửa

Tên khai sinh, anh là Lý Nhơn Thành (sinh năm 1967). Cũng như bao đứa trẻ khác, lúc lọt lòng mẹ, anh Thành được gọi là bé Chì. Chì đây không phải là một thứ kim loại mà là bản tính chai lì, gan dạ, không ngại va chạm, chịu đau giỏi... Có lẽ vì vậy mà cái tên Chì vận theo anh Thành đến tận ngày hôm nay.
 Anh Lý Nhơn Thành (lái xe, bên phải) khởi hành chuyến tuần tra
Anh Lý Nhơn Thành (lái xe, bên phải) khởi hành chuyến tuần tra

Chạy bộ chữa cháy

Đang ngồi ăn cơm, anh Thành nhận được tin có vụ cháy đang xảy ra tại tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế (gọi tắt là ITC, TPHCM). Anh Thành liền phóng ngay đến hiện trường. Khi đến nơi, khói đen cuồn cuộn bay lên bao trùm cả tòa nhà. Cởi phăng chiếc áo che mặt rồi lao nhanh vào tầng trệt, nơi vợ mình đang bán hàng, anh Thành thấy cô đang lúi húi gom hàng bỏ vào bao. Anh vác bao hàng, rồi dìu vợ chạy ra. Lửa và khói đen lan tỏa tầng trệt. Nhiều người bị kẹt ở cầu thang bộ. Anh Thành đẩy vợ ra cửa cùng gói hàng rồi quầy quả trở vào.

Ông bảo vệ chỉ tay về hầm cầu thang rồi bỏ chạy. Anh Thành lôi vòi phun nước thẳng lên cầu thang. Nhờ vậy nhiều người bị kẹt ở tầng lửng đã chạy thoát thân được. Vài phút sau, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường. Anh Thành buông vòi nước, ngã xuống bất tỉnh…

Sau vụ cháy ITC, anh Thành phải nhiều lần tới lui bệnh viện và chịu nhiều phẫu thuật vì trong lúc chữa cháy anh bị trượt té, các mảnh kính cứa vào người, nhiều mảnh kính cắm sâu vào phần mông và bị hoại tử. Kể từ sau khi tham gia cứu người trong vụ cháy ITC, ước mơ khống chế ngọn lửa đã hình thành và thúc giục anh Thành. Năm 2009, đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự quận 1, anh Thành xin chuyển về địa phương (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) tham gia lực lượng bảo vệ dân phố.

Gặp chúng tôi, anh Thành vui vẻ cho biết: “Về đây, tôi có điều kiện đi đến từng nhà và nhờ vậy tôi được gần gũi, hiểu rõ cái khổ, cái khó của từng con hẻm, khu phố và người dân. Các thiết bị PCCC, bắt trộm, cướp đã ra đời từ thời điểm đó!”. 

Dù là, địa bàn trung tâm thành phố, nhưng vẫn còn các con hẻm nhỏ mà khi có sự cố, lực lượng chức năng khó có thể tiếp cận. Thế là, sau giờ làm việc, anh Thành mày mò chế tạo xe gắn máy chữa cháy. Chiếc xe gắn máy được anh Thành thuê gia công hàn gắn thêm cái mâm ở phía sau để chở thêm bình chữa cháy, vòi nước, máy bơm…, đã luồn lách vào các hẻm sâu ở địa phương và các phường lân cận để kịp thời khống chế ngọn lửa từ đầu, tránh cháy lớn, cháy lan. Tuy nhiên, đối với các nhà lầu, căn hộ chung cư…, xe gắn máy chữa cháy không thể tiếp cận, phát huy tác dụng.

Anh Thành tâm sự: “Không ít lần đến hiện trường, nhưng với các thiết bị như vậy, chúng tôi không thể nào triển khai việc khống chế ngọn lửa. Các bình chữa cháy cầm tay xịt chưa đầy phút là hết! Tức lắm!”. 

Những thiết bị tự chế 

Trong một lần đi rửa xe, anh Thành ngẩn ngơ với cái vòi xịt. Chú Thành cho biết: “Tôi vội vàng tìm gặp ông chủ tiệm rửa xe để tìm hiểu các thiết bị. Mới đầu, ông ta tưởng tôi muốn mở tiệm rửa xe cạnh tranh, nên từ chối thẳng thừng. Nhưng khi biết tôi dùng các thiết bị này để chữa cháy thì ông đồng ý liền và sau này còn giúp tôi lắp đặt”. Cái ba lô chữa cháy ra đời. Cũng chẳng có gì cao siêu khi đó là ba lô loại to của mấy ông Tây “ba lô” đựng được cái máy bơm mini và bình đựng hóa chất chữa cháy. Phần khó khăn là gia công thêm các lỗ để lấy nước từ vòi nước (cái này thì nhà nào cũng có), đoạn dây cao su, đầu nối… Nhờ tính cơ động, khi gặp sự cố ở trên lầu, căn hộ chung cư…, anh Thành và các đồng nghiệp dễ dàng tiếp cận vụ cháy hơn. 

Anh Thành tiếp tục chế tạo các phương tiện chữa cháy có tầm hoạt động mạnh hơn, hiệu quả hơn. Xe 3 bánh chữa cháy với “súng” bắn nước mạnh, xa đã manh nha hình thành trong những đêm trực chiến ở chốt bảo vệ dân phòng góc ngã tư Calmette - Nguyễn Công Trứ. Khi có xe, anh Thành thuê thợ hàn lắp thêm khung, kệ chứa thiết bị, máy bơm. Chiếc xe 3 bánh chữa cháy đã kịp thời đến các vụ cháy lớn, nhỏ trên địa bàn và các phường lân cận. 

Tuy vậy, ước mơ cứu người vẫn chưa dừng lại ở đó. Anh Thành cho biết: “Trên đường tuần tra, chúng tôi có dịp tiếp cận nhiều vụ liên quan đến tình hình an ninh trật tự, như: cướp giật, tai nạn giao thông… Nhiều lần anh em chúng tôi đau xót khi chứng kiến người bị nạn đau đớn mà mình không có cách nào hỗ trợ, cứu chữa. Nếu mình dành được “thời gian vàng” sẽ cứu sống được nạn nhân, hay ít nhất cũng giúp họ yên tâm, không bị bỏ rơi… khi biết mình được đưa đi cấp cứu. Với trăn trở như vậy, chúng tôi tiếp tục đầu tư chiếc xe bán tải. Ngoài máy móc chữa cháy, còn có đầy đủ trang, thiết bị sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân, như: băng ca, bình oxy…”. Các anh em trong đội bảo vệ dân phòng đều được đưa đi học lớp sơ cấp cứu. Việc đầu tư cho các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, tuần tra cho Đội Bảo vệ dân phòng phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 đã khiến anh Thành hóa thành con nợ. 

Đưa mắt nhìn về cầu Calmette, nơi dừng, đậu các phương tiện cứu người, cứu tài sản đang được bao trùm, bảo quản sẵn sàng xuất phát, anh Thành bồi hồi cho biết: “Cách đây hơn 3 năm, công việc làm ăn của tôi thất bại. Tôi phải bán nhà cửa để trả nợ. Nhưng còn mấy trăm triệu đồng tiền nợ trả góp mua 2 ô tô tải, tôi không còn khả năng chi trả. Rất may chủ tiệm vật liệu xây dựng Minh Hằng trên đường Phó Đức Chính biết việc đã trả hết số nợ đó cho tôi!”.

Tài sản không còn, nhưng anh Thành - Đội trưởng Đội Bảo vệ dân phòng phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 - vẫn còn lòng tin của nhiều người. Mặc dù khó khăn là thế, nhưng khi có tiền, anh Thành lại dành cho việc thiện nguyện. Trong các đợt dịch vừa qua và lần này, anh Thành vẫn mua gạo, nhu yếu phẩm để trao tặng cho người dân đang gặp khó khăn trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục