Ứng phó với hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL

Mặc dù mới đầu mùa khô nhưng nhiều nơi ở ĐBSCL đã thiếu nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Những thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn dự báo sẽ khốc liệt hơn trong thời gian tới.
Đắp đập ngăn nước mặn ở cống Trùm Thuật huyện Trần Văn Thời (Cà Mau)
Đắp đập ngăn nước mặn ở cống Trùm Thuật huyện Trần Văn Thời (Cà Mau)

Đường sá liên tục sụp lún

Ghi nhận thực tế tại vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau (tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), nhiều nơi kênh nội đồng hiện đã khô cạn, không thể phục vụ cho việc bơm nước tưới tiêu đồng ruộng; trong khi trên bờ đường xá liên tục bị sụp lún. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Dương Văn Út, ngụ xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Hiện mực nước kênh Bờ Cản đã rút sâu, chênh lệch khoảng 1m so với cách nay hơn một tháng. Do kênh cạn nước nên đoạn bờ kênh trước cửa nhà tôi bị sụp một đoạn dài hàng chục mét, khiến giao thông đi lại khó khăn”.

Theo người dân địa phương, nguyên nhân diễn ra tình trạng nêu trên được cho là do mùa mưa năm nay kết thúc sớm, mực nước trong các kênh rạch rút nhanh đã tạo khoảng cách chênh lệch lớn giữa bờ và lòng sông. Đặc biệt, thời gian gần đây, mực nước ở ruộng đồng khô hạn, người dân đồng loạt bơm nước vào nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp, từ đó khiến tình hình sụp lún thêm nặng nề. Ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tiết lộ, trên địa bàn huyện đã có 81 tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, sụt lún, với tổng chiều dài trên 6,7km. Trước những diễn biến của khô hạn đang vào giai đoạn khốc liệt, ngành chức năng dự báo từ nay đến hết tháng 4-2020, tình hình này sẽ còn diễn ra dữ dội hơn.

Tại xã Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), gia đình ông Nguyễn Văn Dợt đã mua túi ni lông về chứa nước và đóng các cống để nước mặn không xâm nhập vào mương vườn. Vì vậy, 2 công sầu riêng và 3 công chôm chôm vẫn được bảo vệ an toàn, dù nước ngoài sông đã bị xâm nhập mặn. Ông Trần Hoàng Liêm, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: Toàn xã có khoảng 1.400ha cây ăn trái, năm nay dự báo nước mặn xâm nhập sâu và có nguy cơ gây thiệt hại lớn đến vườn cây, nên chính quyền địa phương khuyến cáo người dân tập trung trữ nước ngọt, sử dụng các dụng cụ trữ nước để ứng phó kịp thời nhằm cung ứng đủ nước kịp thời cho vườn cho cây.

Dân lo lúa chết “khát” 

Những ngày này, người dân sống trong vùng ngọt hóa thuộc tiểu vùng III, Bắc Cà Mau vô cùng lo lắng khi nước mặn xâm nhập qua cửa cống Trùm Thuật (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) lấn sâu vào bên trong. Đáng nói là vụ lúa đông xuân của người dân chưa thu hoạch xong, rất cần nước để tưới; trong khi hoa màu có nguy cơ chết khô vì thiếu nước. Ông Trần Triều Tiên, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, cho biết sau sự cố nước mặn xâm nhập ở cống Trùm Thuật, UBND xã đang tích cực vận động người dân không nên lấy nước từ các kênh, rạch để bơm vào ruộng hoặc dùng làm nước tưới tiêu cho hoa màu.

Trước đó, vào tối 14-1, do cửa van đáy cống Trùm Thuật bị hư nên nước mặn từ sông Ông Đốc theo cống Trùm Thuật chảy vào vùng ngọt. Trước sự cố này, ngành chức năng đã nhanh chóng triển khai đắp đập cách cống khoảng 70m để ngăn chặn nước mặn tiếp tục tràn vào.

Liên tục những ngày qua, lực lượng dân quân tự vệ của xã Khánh Hải và các đơn vị chức năng đã sử dụng các phương tiện cơ giới tiến hành đắp hàng ngàn bao cát, đất đắp đập ngay phía trong cống Trùm Thuật; sử dụng 2 thiết bị bơm với công suất lớn để bơm nước mặn ra ngoài. 

Dù nhà ở xa, không ảnh hưởng nhiều sự cố nước mặn tràn vào trong cống Trùm Thuật; thế nhưng, bà Trần Thị Giới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) cũng lo lắng cho ruộng lúa của mình. Bà Giới nói: “Tôi bỏ ra mấy triệu đồng chi phí mua dầu về bơm nước, nhưng không biết sắp tới còn đủ nước không, lúa không biết thu hoạch được không?”.

Theo ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, do trên địa bàn xã có một số vùng đất trũng, nên người dân xuống giống trễ so với lịch thời vụ. Đến thời điểm này, có hơn 400ha lúa dưới 50 ngày tuổi. Diện tích lúa này có nguy cơ bị thiếu nước vào cuối vụ, thiệt hại là rất cao. Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có trên 16.500ha lúa tôm bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Song song đó, còn có hơn 14.000ha lúa mùa và hơn 10.000ha lúa đông xuân cũng bị ảnh hưởng do thiếu nước. Ngoài ra, có hơn 20.000 hộ dân đang bị ảnh hưởng, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sinh hoạt.

Mấy ngày qua, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã đi kiểm tra thực tế tại các địa phương và chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, sẻ chia của người dân trong phân phối, sử dụng nguồn nước ngọt còn lại rất ít dưới các tuyến kênh để cứu lúa, cứu hoa màu đang trong giai đoạn sinh trưởng.

Tại Bến Tre, UBND tỉnh này chỉ đạo ngành chức năng và các huyện triển khai đồng bộ giải pháp ứng phó hạn mặn đang phức tạp. Trong đó, các vùng trồng hoa, cây giống, cây ăn trái tại các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, TP Bến Tre... tập trung trữ nước ngọt trong mương vườn, dùng các dụng cụ chứa nước để dự trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi. Đối với diện tích hơn 2.000ha lúa đã xuống giống tại huyện Giồng Trôm và Ba Tri, khuyến cáo người dân ngưng bón phân để giảm thiệt hại. Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cũng đang hướng dẫn người dân các giải pháp kỹ thuật tưới tiết kiệm, ủ gốc trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, tổ chức vận hành phương án ứng phó xâm nhập mặn theo kịch bản 2 (rủi ro thiên tai cấp độ 2), kiên quyết không để người dân bị thiếu nước uống do bị nhiễm mặn.

Tin cùng chuyên mục