Ứng phó trước dự báo Nam bộ sẽ chìm nhanh

Theo nghiên cứu của Climate Central, tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, thực hiện và được công bố trên chuyên san Nature hôm 29-10, vào năm 2050, khi thủy triều lên, hơn 20 triệu người ở Nam bộ sẽ bị ngập lụt. Phần lớn diện tích của TPHCM cũng sẽ ở dưới nước. Trước đó, một kết quả nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Communications ngày 28-8 bởi nhóm nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan), dẫn đầu bởi nhà địa chất Philip Minderhoud, cho thấy ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được trích dẫn (2,6m). Với tốc độ chìm hiện nay, nước biển sẽ “xóa” khoảng cách 0,8m này trong 57 năm tới. Điều này đồng nghĩa số người dân chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó (nhóm khoa học Hà Lan ước tính 12 triệu người).

Trong khi đó, giải thích về sự chênh lệch quá lớn về kết quả dự đoán, PGS-TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ) cho biết các dự đoán trước đây dựa vào mốc cao độ của các quốc gia để đo mức độ lún. Gần đây, các nhà khoa học phát hiện bản thân các mốc cao độ cũng lún theo thời gian nên cho kết quả không chính xác. Cách đo mới sử dụng ánh sáng và đo nhiều góc khác nhau để điều chỉnh sai số, đồng nghĩa với phương pháp đo mới nhanh hơn và chính xác hơn so với phương pháp đo cũ. Một trong các nguyên nhân gây lún là mật độ xây dựng ngày càng nhiều, cạnh đó việc khai thác cát và nước ngầm tràn lan đẩy nhanh quá trình lún. Nguồn phù sa bồi đắp bị các đập thủy điện ở đầu nguồn giữ lại, khiến dòng nước trở nên “đói” phù sa, khi đó nước sẽ “ăn” vào hai bên bờ sông gây ra hiện tượng sạt lở. Giữa hai vấn đề làm cho ĐBSCL chìm nhanh là nước biển dâng và sụt lún đất do khai thác nước ngầm thì sụt lún đất đáng lo hơn và đáng ưu tiên giải quyết ngay. Để giải quyết vấn đề sụt lún ĐBSCL cần phải gấp rút giảm ngay sử dụng nước ngầm. Muốn giảm sử dụng nước ngầm thì phải có nguồn nước thay thế. Đối với vùng ven biển thì nên thuận theo tự nhiên chuyển sang canh tác mặn vào mùa mặn và làm hệ thống công trình trữ nước, cấp nước cho sinh hoạt. 

ĐBSCL không chỉ là vựa lúa của Việt Nam, mà còn là “bát cơm châu Á”, cung cấp lương thực, thủy sản, cây ăn quả cho Việt Nam và xuất khẩu ra thế giới. Hậu quả của việc khu vực này bị nhấn chìm trong nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực cho quốc gia và cho cả khu vực. Áp lực di dời quá nhiều dân trong thời gian quá ngắn cũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế và quản lý. TPHCM là trung tâm kinh tế lớn của nước ta, nếu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, thiệt hại là không thể đo đếm. Vì thế, để ứng phó với tình trạng nước biển dâng và sụt lún nhanh, theo các chuyên gia, Chính phủ cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài cho khu vực này. 

Với ĐBSCL là chuyển hướng nền nông nghiệp từ thâm canh, chạy theo số lượng, sang nông nghiệp giảm thâm canh, tập trung vào chất lượng và giá trị. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại dân cư, triển khai nhanh các công trình nghiên cứu theo kế hoạch mà Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã đề ra như: Lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng và TPHCM (chi tiết đến cấp xã), tích hợp với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng làm cơ sở để các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất; đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát. 

Bên cạnh đó cũng cần sớm triển khai lập các quy hoạch phòng chống thiên tai, thủy lợi; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan, đầu tư các giải pháp công trình nhằm ứng phó với các điểm sạt lở cấp bách và triển khai đồng thời biện pháp ứng phó bền vững, dài hạn. Tổ chức di dân, tái định cư khỏi các vùng sạt lở, có nguy cơ sạt lở. Đối với bờ biển ưu tiên giải pháp mềm như: nuôi, giữ bãi, trồng rừng ngập mặn, ứng dụng công nghệ giải quyết khu vực sạt lở phức tạp đảm bảo bền vững, không gây sạt lở lan truyền. Đặc biệt, cần xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao để có giải pháp ứng phó kịp thời!

Tin cùng chuyên mục