Ứng phó siêu bão Kammuri vào biển Đông

Ngoài bão Kammuri, theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia còn, ngày 2-12, không khí lạnh mạnh đã tràn về miền Bắc, nền nhiệt độ giảm sâu vào đêm và sáng sớm. Tại các tỉnh phía Nam, vào thời điểm này các năm thường xuất hiện mưa trái mùa, nhưng tháng 12 năm nay ít có khả năng mưa trái mùa xuất hiện.

Trung tâm Dự báo khí - thủy văn quốc gia cảnh báo, chiều 2-12, tâm bão Kammuri đã đi vào tọa độ khoảng 13 độ vĩ Bắc - 125,5 độ kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 350km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 3-12, vị trí tâm bão ở khoảng 13,4 độ vĩ Bắc - 121 độ kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và dự báo sáng 4-12, tâm bão Kammuri sẽ đi vào biển Đông.

Đến 13 giờ ngày 4-12, vị trí tâm bão ở khoảng 15 độ vĩ Bắc - 117,1 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 500km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão Kammuri di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Chiều 5-12, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ vĩ Bắc - 115 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 430km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm xuống còn cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Nam - Tây Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.


Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, ngày 2-12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố thông tin kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện; đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú bão để đảm bảo an toàn. Ban chỉ huy của các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai các phương án ứng phó với bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài bão Kammuri, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia còn cho biết, ngày 2-12, không khí lạnh mạnh đã tràn về miền Bắc, nền nhiệt độ giảm sâu vào đêm và sáng sớm. Tại các tỉnh phía Nam, vào thời điểm này các năm thường xuất hiện mưa trái mùa, nhưng tháng 12 năm nay ít có khả năng mưa trái mùa xuất hiện.

Tin cùng chuyên mục