Ủng hộ chủ trương chưa cho học sinh lớp 1 đến trường

Thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất để thí điểm đón học sinh khối 1, 9, 12 trở lại trường học từ ngày 13-12 của các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TPHCM đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con trở lại trường học chưa cao, đặc biệt với học sinh lớp 1. 
Cô Đỗ Trần Thanh Thi và học sinh lớp 1.1 Trường tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ (TPHCM) trở lại trường học từ ngày 20-10. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cô Đỗ Trần Thanh Thi và học sinh lớp 1.1 Trường tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ (TPHCM) trở lại trường học từ ngày 20-10. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp lần thứ 4 HĐND khóa X, chiều 7-12, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết trước mắt TPHCM chỉ thí điểm học trực tiếp đối với học sinh lớp 9 và lớp 12. PV Báo SGGP đã ghi nhận một số ý kiến góp ý xung quanh nội dung này. 

Chị LÊ THỊ NGỌC THOẠI, 276/35/53/31 Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM: Chưa cho học sinh lớp 1 đến trường là quyết định hợp lòng dân

Tôi có con là V.L.P.H., học lớp 1A5 Trường TH Trần Văn Ơn (quận Bình Tân). Hơn một tuần qua, khi nhận được thông báo của nhà trường cho con đi học tập trung từ ngày 13-12, tôi thật sự mất ăn mất ngủ. Lớp con tôi có sĩ số là 48. Với sĩ số lớp như vậy, cộng thêm các cháu tuổi còn nhỏ rất hiếu động nên khi đến trường chắc chắn sẽ không an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Quan trọng hơn là các cháu chưa được tiêm vaccine nên chỉ cần một cháu là F0 sẽ dẫn đến cả lớp, cả trường không an toàn... Nhiều phụ huynh trong lớp con tôi có cùng tâm trạng như tôi, thậm chí họ quyết liệt không cho con đi học tập trung mà yêu cầu trường tiếp tục dạy trực tuyến. Nếu trường không dạy trực tuyến, nhiều phụ huynh tính luôn phương án gửi cháu về quê để học cho an toàn.

Cả ngày hôm nay, tôi theo dõi diễn biến thông tin từ kỳ họp thứ IV HĐND TPHCM Khóa X và hy vọng lãnh đạo thành phố sẽ có quyết định phù hợp với nguyện vọng của đông đảo phụ huynh có con học lớp 1. Đến cuối ngày, quyết định của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã thật sự là một quyết định hợp lòng dân. Tôi cảm ơn lãnh đạo TPHCM đã theo dõi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh để đưa ra một quyết định rất đúng đắn, giảm bớt âu lo cho phụ huynh và học sinh khi con phải đến trường mà chưa được tiêm vaccine, trong khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Ông NGUYỄN THANH THỦY, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, TPHCM: Chia cấp học theo ngày chẵn, lẻ

Hiện nay, quận Gò Vấp còn 6 trường tiểu học và THCS chưa bàn giao mặt bằng do trưng dụng phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Đối với các cơ sở giáo dục còn lại, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự cũng như các phương án phòng chống dịch bệnh cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh cuối tuần qua cho thấy, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con đến trường không cao. Tôi nghĩ nguyên nhân đến từ sự bất an của phụ huynh, đặc biệt với đối tượng học sinh lớp 1 do các em chưa được tiêm vaccine Covid-19, nguy cơ lây nhiễm khá cao.  

Trước mắt, việc thí điểm mở cửa trường học chỉ áp dụng mỗi bậc học một khối lớp nên không gây khó khăn về cơ sở vật chất. Những lớp nào có sĩ số trên 50 học sinh sẽ được tách lớp. Trong điều kiện thời tiết tại TPHCM chênh lệch về nhiệt độ khá lớn trong ngày (sáng lạnh, trưa nắng nóng), địa phương không chia ca học sáng - chiều mà chia lịch học theo ngày chẵn - lẻ, tức 50% học sinh trong khối học các ngày chẵn và 50% còn lại học ngày lẻ, học cả ngày và có tổ chức bán trú để tiết kiệm thời gian đi lại, đưa đón của phụ huynh. 

Chị Nguyễn Thanh Thúy, phụ huynh có con học lớp 1 (quận 3, TPHCM): Yếu tố rủi ro là quá lớn

Lớp con tôi chỉ có 13/34 phụ huynh đồng ý cho con đến trường từ ngày 13-12. Tuy nhiên, khi giáo viên thông báo những học sinh không đến trường học trực tiếp, cô sẽ gửi đường dẫn các video bài giảng để tự học tại nhà, chứ không thể có thời khóa biểu học trực tuyến có tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh như thời gian qua, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Cô giải thích thêm là giáo viên không thể “phân thân”, vừa dạy trực tiếp các bạn trên lớp vừa soạn giáo án và tổ chức thời khóa biểu học trực tuyến cho những bạn tự học tại nhà. Tôi thấy trong tình huống này, giáo viên khó đảm bảo hiệu quả giảng dạy cho tất cả học sinh trong cùng một lớp. 

Chưa kể, quy trình xử lý khi phát hiện F0 trong trường học theo hướng dẫn của ngành y tế hiện nay yêu cầu, chỉ cần trong lớp phát hiện ít nhất một học sinh hoặc giáo viên là F0 thì tất cả học sinh trong lớp đó đều được yêu cầu cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe (học sinh tiểu học không thuộc đối tượng đã tiêm vaccine Covid-19 - PV), khai báo tình trạng sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và trạm y tế địa phương nơi cư trú, xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng. Như vậy, so với hiệu quả từ việc dạy học trực tiếp trên lớp mang lại thì yếu tố rủi ro là quá lớn, việc học của các con có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào. Đây chính là lý do khiến nhiều phụ huynh chưa an tâm cho con trở lại trường học. Thậm chí, nhiều trường hợp phụ huynh chấp nhận cho con nghỉ học, lưu ban một năm chứ không dám mạo hiểm với sức khỏe và tính mạng của con khi yếu tố an toàn mới được đáp ứng ở điều kiện “cần” chứ chưa “đủ”.

Tin cùng chuyên mục