Ứng dụng công nghệ hiện đại xử lý chất thải

Thống kê mới nhất do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM công bố cho thấy, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố đã tăng lên 9.000 tấn/ngày, cao hơn 2.000 tấn/ngày so với cùng kỳ năm 2016.
Chuyển hóa rác thải công nghiệp thành khí làm nguyên liệu chạy máy phát điện tại bãi rác Gò Cát, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Chuyển hóa rác thải công nghiệp thành khí làm nguyên liệu chạy máy phát điện tại bãi rác Gò Cát, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Điều này đang làm gia tăng áp lực lên hoạt động xử lý rác thải của thành phố. Trước thực tế đó, Sở TN-MT TP đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại… 
Định vị nguồn thải
Đánh giá về thực trạng chất thải rắn (CTR) phát sinh trên địa bàn TP, Sở TN-MT cho biết, CTR phát sinh từ 4 nguồn chính là khu vực dân cư, công nghiệp, y tế và xây dựng. Trong đó, việc xử lý 3 loại CTR công nghiệp, y tế và xây dựng không đáng lo ngại do các chủ nguồn thải tự xử lý bằng hình thức chuyển giao cho các đơn vị có chức năng. 
Cụ thể, với khối lượng CTR công nghiệp ước khoảng 2.500 tấn/ngày. Lượng chất thải này phát sinh từ hơn 2.000 nhà máy lớn và khoảng 10.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố. Theo quy định, loại chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất nên các doanh nghiệp phải chuyển giao cho các đơn vị chức năng do Bộ TN-MT cấp phép hoạt động. Chi phí xử lý chất thải này sẽ do các chủ doanh nghiệp chi trả. 
Tương tự, với khối lượng chất thải y tế nguy hại ước tính khoảng 22 tấn/ngày, phát sinh chủ yếu từ hơn 6.000 cơ sở y tế công lập và tư nhân cũng được xử lý theo hình thức trên. Ngoài ra, còn lượng lớn khối lượng CTR từ các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố, khoảng 1.200 - 1.600 tấn/ngày cũng được các chủ nguồn thải ký hợp đồng dịch vụ với đơn vị thu gom và xử lý. 
Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Trung tâm Công nghệ môi trường, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là khối lượng CTR sinh hoạt. Hiện mỗi ngày, khối lượng rác sinh hoạt phát sinh từ hộ dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, khu vực công cộng, trung tâm thương mại, chợ… khoảng 8.300 tấn. Lượng rác này được thu gom, vận chuyển về 2 khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố là Đa Phước và Tây Bắc Củ Chi để xử lý. Tỷ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt ước đạt khoảng 100% bằng 2 hình thức thu gom trực tiếp từ các chủ nguồn thải và gián tiếp thông qua việc quét dọn đường phố; vớt rác trên sông, kênh, rạch; dọn quang các điểm tự phát. Thế nhưng, việc xử lý trong tương lai gần sẽ gặp nhiều khó khăn do lượng rác tăng nhanh trong khi khâu xử lý vẫn chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ chôn lấp và quỹ đất lớn của thành phố ngày càng khan hiếm, không thể đảm bảo để duy trì hoạt động này. 
Công nghệ đốt phát điện 
Để chủ động ứng phó với lượng rác sinh hoạt tăng nhanh, Sở TN-MT đã đẩy mạnh việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xử lý chất thải bằng công nghệ hiện đại. Theo đó, những đơn vị đang xử lý chất thải bằng công nghệ hiện chôn lấp, tái chế thành phân hữu cơ (compost)… được khuyến khích chuyển đổi đầu tư sang công nghệ đốt rác phát điện. Riêng với những doanh nghiệp đầu tư mới, thành phố ưu tiên chọn các doanh nghiệp có công nghệ đốt hiện đại, không phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tối đa lượng rác chôn lấp. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT, cho biết UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương để Tập đoàn Trisun Green Energy xây dựng nhà máy khí hóa chất thải bằng công nghệ plasma trên diện tích 13ha tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi) với tổng vốn đầu tư 520 triệu USD. UBND TP cũng thống nhất về mặt chủ trương cho Công ty Thủy lực máy Hà Nam phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP đầu tư nhà máy xử lý rác thải thành điện với công suất 1.000 tấn ngày tại huyện Củ Chi.
Đồng thời, nghiên cứu thêm việc xử lý rác thải đã chôn lấp tại bãi rác Gò Cát thành điện sạch. Gần đây nhất, Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) đề nghị UBND TPHCM cho phép triển khai 3 dự án xử lý rác tại TP theo công nghệ đốt phát điện, thu khí metan và làm phân compost. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh thêm, dựa trên đề xuất cũng như thực tế triển khai của các nhà đầu tư đã được lãnh đạo thành phố chấp thuận, ước tính đến năm 2025, sẽ có khoảng 9.000 tấn rác/ngày (xấp xỉ 70% tổng lượng rác phát sinh) được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện, 1.500 tấn rác/ngày xử lý thành phân compost (chiếm 11% tổng lượng rác thải) và rác chôn lấp chỉ còn 2.500 tấn/ngày (chiếm 19% tổng lượng rác thải). Đây sẽ là hướng đi bền vững cho chất lượng môi trường và góp phần giảm áp lực trong việc dành quỹ đất cho hoạt động xử lý rác thải của thành phố. 
Tại cuộc họp do HĐND TPHCM tổ chức, đại biểu Võ Văn Tân cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại TPHCM tuy chưa đến mức báo động cao nhưng cần phải xem xét vì diễn biến khó lường. Do vậy, cùng với nỗ lực chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, áp dụng nghiêm và mạnh các hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm môi trường. Bên cạnh đó, buộc các quận huyện phải bố trí hạ tầng tiếp nhận rác hợp lý. Quan trọng nhất là việc sắp xếp lại tổ chức hoạt động thu gom rác giữa lực lượng thu gom rác chính quy và dân lập. Hiện thành phố đang giao UBND các xã, phường thực hiện việc này nhưng hiệu quả không cao. 
Ở khía cạnh khác, đại biểu Trương Thị Tuyết Nhung cho rằng phải tính toán lại chi phí xử lý rác thu từ các hộ gia đình. Hiện mức phí đang thu 15.000 - 20.000 đồng/hộ dân, 60.000 đồng/hộ kinh doanh đã quá lạc hậu. Mức phí này cần được điều chỉnh tăng có lộ trình nhằm bù đắp cho hoạt động thu gom và xử lý chất thải trong thời gian tới, giảm gánh nặng ngân sách của thành phố.

Tin cùng chuyên mục