Ứng dụng công nghệ để kéo giảm tai nạn giao thông

Ngày nào cũng có những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đau lòng xảy ra. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 người rời nhà vào buổi sáng ở các tỉnh, thành trên cả nước nhưng không bao giờ trở về được nữa. Nhiều nạn nhân là lao động chính, đã tạo nên những hệ lụy nặng nề cho gia đình và xã hội. Giảm thiểu TNGT thực sự là bài toán nan giải đối với các ngành chức năng hiện nay. 
Vận hành Trung tâm Giám sát, điều khiển giao thông thông minh tại TPHCM giúp giám sát giao thông, điều khiển tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm. Ảnh: CAO THĂNG
Vận hành Trung tâm Giám sát, điều khiển giao thông thông minh tại TPHCM giúp giám sát giao thông, điều khiển tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm. Ảnh: CAO THĂNG

Chia sẻ kinh nghiệm

Qua phân tích của cơ quan chức năng cho thấy, nguyên nhân chủ yếu đầu tiên vẫn là do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông (ATGT). Kế đến là công tác tổ chức kiểm điểm đối với người vi phạm ATGT thiếu cương quyết; sự tham gia, phối hợp của các đoàn thể chưa chặt chẽ nên chưa tạo thành phong trào mạnh mẽ để góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Đây là bài toán thực sự khó mà đến nay vẫn chưa có lời giải. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức tuân thủ đúng pháp luật cho người tham gia giao thông thì việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để kéo giảm TNGT cũng cần được chú trọng đặc biệt quan tâm hơn nữa. 

Chia sẻ về nội dung này, TS Matts Ake Belin, chuyên gia cao cấp của Bộ GTVT Thụy Điển, xác nhận hiện Thụy Điển là một trong những quốc gia có tỷ lệ TNGT thấp nhất thế giới. Để đạt được kết quả này, Chính phủ Thụy Điển đã ban hành Bộ luật Vision Zero, hay còn gọi là Tầm nhìn về 0, với cách tiếp cận là giảm thiểu các vụ tai nạn chết người và bị thương nặng, thay vì giảm số vụ TNGT. Trong Bộ luật Vision Zero, Chính phủ Thụy Điển đã tiếp cận ở góc độ mới là TNGT hoàn toàn có thể phòng tránh được. Chính phủ nước này đã chuyển sang ứng dụng các khoa học - công nghệ vào kiểm soát và đảm bảo tất cả khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn có thể hạn chế thấp nhất được thương tích cho người tham gia giao thông.

Ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ  Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng nhận xét ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, trong đó đặc biệt là ý thức người tham gia giao thông, nhiều người vừa lái xe vừa nghe điện thoại, không chấp hành luật lệ giao thông, lái xe sau khi sử dụng rượu bia… Để có thể thay đổi văn hóa lái xe ở Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung, cần rất nhiều thời gian và biện pháp khác nhau. Trong đó, chúng ta có thể sử dụng những công nghệ mới để góp phần kéo giảm TNGT.

Xã hội hóa công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học

Để kéo giảm số vụ TNGT, Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm ATGT; đẩy nhanh tiến độ khắc phục các điểm đen về ATGT. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ; trong đó tập trung chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát. Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, cần đổi mới cả nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả, hướng tới mọi thành phần trong hoạt động giao thông vận tải; chú trọng tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ; phổ biến quy định pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông đối với chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải và người điều khiển phương tiện cá nhân. 

Theo nhìn nhận của Ủy ban ATGT Quốc gia, nguyên nhân trực tiếp gây mất ATGT là do những bất cập về năng lực kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật phương tiện, quản lý nhà nước và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém. Việc hạn chế ứng dụng khoa học - công nghệ thông tin vào lĩnh vực ATGT đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý; bất cập trong đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, xử phạt vi phạm… 

Vì thế, những kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ATGT có tính thực tiễn, khả năng ứng dụng cao ở Việt Nam, là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần kéo giảm TNGT. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nhất trí chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong công tác bảo đảm ATGT; chủ động phối hợp các nhà khoa học tìm kiếm các nguồn vốn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nghiên cứu, áp dụng hình thức hợp tác công - tư trong nghiên cứu ứng dụng ATGT. Hy vọng rằng, với những giải pháp đồng bộ từ các cấp, số vụ TNGT sẽ được kéo giảm hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục