Ứng dụng công nghệ 3D vào phẫu thuật tim mạch

Ngày 7-12, GS-TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, cho biết các bác sĩ Trung tâm Tim mạch của bệnh viện vừa ứng dụng thành công công nghệ 3D vào phẫu thuật tim mạch.
 
GS. Lê Ngọc Thành cùng ê kíp tiến hành ca phẫu thuật
GS. Lê Ngọc Thành cùng ê kíp tiến hành ca phẫu thuật

 Bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng công nghệ 3D là bà Đ.T.T. (68 tuổi, phố Trần Quang Khải, TP Nam Định). Nữ bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng đau ngực trái, khó thở, mệt mỏi và thể trạng rất gầy yếu, cơ thể chỉ nặng khoảng 34kg. Cách đây 6 tháng, bệnh nhân đã được các bác sĩ phát hiện mắc bệnh thông liên nhĩ.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhân phải can thiệp phẫu thuật do lỗ thông lớn, có nhiều lỗ gây hậu quả lên tim, phổi và bị hẹp nặng động mạch vành nuôi cơ tim. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định áp dụng công nghệ 3D để phẫu thuật cho bệnh nhân Đ.T.T. Theo đó, động mạch vành hẹp của bệnh nhân sẽ được tái thông bằng biện pháp đặt stent qua da, sau đó phẫu thuật nội soi toàn bộ sử dụng công nghệ 3D chỉ qua các lỗ nhỏ thành ngực, đóng lỗ thông liên nhĩ trong tim. Sau ca mổ 1 ngày, bệnh nhân đã hồi phục rất nhanh và dự kiến ra viện sau 5-6 ngày tới. Các dấu vết để lại chỉ là các vết sẹo nhỏ 1-1,5cm.

GS-TS Lê Ngọc Thành cũng cho biết, đây là lần đầu tiên công nghệ 3D được ứng dụng trong phẫu thuật tim mạch ở Việt Nam. Công nghệ 3D làm cho các hình ảnh bộ phận trong cơ thể hiện ra rất rõ nét như thật, giúp phẫu thuật viên thao tác thuận lợi, rút ngắn thời gian phẫu thuật và giảm các biến chứng cho người bệnh. Hơn nữa, chi phí điều trị và phẫu thuật áp dụng công nghệ 3D của bệnh nhân không tăng thêm so với mổ nội soi toàn bộ thông thường. Đây là kỹ thuật đã được Bệnh viện E và đại diện giới y khoa Việt Nam giới thiệu ra thế giới, được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao.

Cùng ngày, tại Hội thảo “Ứng dụng phương pháp ICG trong phẫu thuật nội soi đại trực tràng”, PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở nam giới. Ước tính của WHO, trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 14,1 triệu ca mắc mới ung thư, trong đó là 1,36 triệu ca ung thư đại trực tràng; 8,2 triệu ca tử vong do ung thư, trong đó gần 700.000 ca ung thư đại trực tràng. Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 4 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới, với số mắc mỗi năm khoảng 8.000 ca; dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn 13.000 ca. Ung thư đại trực tràng cũng đứng thứ 2 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới, với khoảng hơn 6.000 ca mắc mỗi năm, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn 11.000 ca.

Trong điều trị ung thư đại trực tràng, với việc ứng dụng phương pháp ICG đã mở ra thời kỳ mới trong điều trị. ICG có tác dụng như một chất đánh dấu lý tưởng dùng trong y khoa, nhờ khả năng phát sáng dưới ánh sáng huỳnh quang nên việc thực hiện các ca phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng hiệu quả hơn, các tổ chức ung thư di căn có thể được cắt bỏ triệt để mà vẫn bảo tồn những vùng chưa bị xâm nhiễm. 

Tin cùng chuyên mục