Tỷ phú thời Covid: xuống nhiều, lên cũng lắm

Đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020 và 2021 đã thổi bay hàng ngàn tỷ USD tài sản ở khắp nơi trên thế giới, khiến nhiều tỷ phú rớt khỏi danh sách của Forbes. Nhưng ở chiều ngược lại, rất nhiều tỷ phú đã lần đầu ghi tên trong danh sách này bất chấp dịch bệnh hoành hành.

2 tháng mất 400 tỷ USD

Tính đến tháng 4-2020, đại dịch Covid-19 đã xóa gần như toàn bộ lợi nhuận trên thị trường chứng khoán các tỷ phú có được trong năm trước đó, và đánh bật nhiều người khỏi hàng ngũ tỷ phú. Tổng cộng 267 người trong danh sách 2.153 tỷ phú năm 2019 đã bị rớt khỏi danh sách tỷ phú năm 2020 của Forbes. Covid-19 cũng thổi bay 408 tỷ USD của 100 tỷ phú hàng đầu thế giới chỉ trong vòng 2 tháng.

Tỷ phú thời Covid: xuống nhiều, lên cũng lắm ảnh 1 Các tỷ phú Elon Musk, Larry Ellison, Gautam Adani, Page Larr, Sergey Brin, Jeff Bezos (từ trái qua, từ trên xuống)
Từ tháng 2 đến tháng 3-2020, những đợt bùng phát Covid-19 đã quét qua các thị trường chứng khoán lớn. Chỉ số Dow Jones giảm 21% và các thị trường ở Ấn Độ, Pháp, Đức và Anh giảm 25%. Thị trường lớn duy nhất nằm trong vùng xanh là Trung Quốc, tăng 0,2% trong cùng kỳ. Trong khi đó, đồng USD mạnh hơn cũng góp phần khiến tài sản của các tỷ phú bên ngoài nước Mỹ mất đi. Trong 2 tháng, đồng bảng Anh mất giá 6,3% so với USD, rupee Ấn Độ giảm 5,2%, NDT Trung Quốc giảm 2,3% và EUR giảm 0,4%.

Giám đốc điều hành Tập đoàn LVMH ông Bernard Arnault, là người mất mát nhiều nhất với 30 tỷ USD, chủ yếu do cổ phiếu của LVMH mất giá mạnh. Ông có khoảng 47% cổ phần trong tập đoàn xa xỉ, bao gồm các thương hiệu như Louis Vuitton, Celine, Christian Dior và Bulgari, cùng những thương hiệu khác. Giá cổ phiếu của LVMH đã giảm xuống còn 74USD vào ngày 31-3-2020 từ mức 87USD vào cuối tháng 1-2020. Giá trị ròng của Arnault giảm xuống còn 77 tỷ USD từ 107 tỷ USD 2 tháng trước đó.

Trong số 100 tỷ phú hàng đầu trong Danh sách giàu có toàn cầu năm 2020 của Hurun (Viện nghiên cứu xếp hạng người giàu của Trung Quốc) được công bố vào tháng 2-2020, chỉ có 9% thấy tài sản của họ tăng trong 2 tháng trước đó, 86% thấy tài sản của họ giảm và 5% không thay đổi. "2 tháng qua đã xóa sổ tất cả của cải kiếm được trong 2 năm rưỡi, với 100 người đứng đầu thế giới giảm 12,6%, tương đương 408 tỷ USD, bình quân mỗi người trong top 100 của Hurun mất 75 triệu USD mỗi ngày" - Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Hurun, cho biết trong báo cáo công bố ngày 5-4-2020. 

Được rồi lại mất

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến nhu cầu tăng vọt đối với kit xét nghiệm, đồ bảo hộ và các loại thuốc hỗ trợ điều trị căn bệnh này. Chớp lấy thời cơ, các công ty như Seegene, Alteogen và Top Glove Corp đã chứng kiến lợi nhuận tăng vọt. Seegene đã phát triển một bộ xét nghiệm Covid-19 vào cuối tháng 1-2020. Alteogen được cấp phép công nghệ tiêm cho phép bệnh nhân tự sử dụng thuốc. Top Glove Corp, nhà sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu sản xuất 110 tỷ bộ găng tay bảo hộ hàng năm. Cổ phiếu của mỗi công ty đã tăng ít nhất 500% vào năm 2020, đặc biệt Seegene tăng tới 919% vào tháng 8-2020 khi nhu cầu về bộ kit test tăng vọt. 

Nhưng việc triển khai vaccine đã hãm đà phát triển của họ. Trong khi doanh thu của Seegene tăng gần 10 lần và Alteogen tăng hơn gấp đôi trong quý III-2020, thì cổ phiếu của cả 2 công ty này đã sụt giảm do nhà đầu tư hoài nghi về khả năng duy trì mức tăng trưởng thần tốc đó. Chun và gia đình, những người cùng sở hữu 31% cổ phần Seegene, hiện có tài sản ròng khoảng 840 triệu USD, giảm so với 1,6 tỷ USD năm 2020. Park Soon-jae, người cùng gia đình kiểm soát 25% Alteogen, hiện sở hữu 830 triệu USD so với 1,4 tỷ USD ở thời kỳ đỉnh cao năm 2020.

Tại Malaysia, cơn sốt giao dịch bán lẻ trong năm 2020 đã nâng các nhà sản xuất găng tay lên, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Gần 2,2 tỷ USD đã bốc hơi khỏi giá trị tài sản ròng của người sáng lập Top Glove, Lim Wee Chai và gia đình ông kể từ tháng 10-2020. Tài sản của Thai Kim Sim của Supermax Corp., Kuan Kam Hon của Hartalega Holdings Bhd. và Lim Kuang Sia của Kossan Rubber Industries Bhd., mỗi người giảm hơn 1,2 tỷ USD, trong khi Wong Teek Son của Riverstone Holdings Ltd. không còn là một phần của câu lạc bộ 10 con số. 

Một số công ty công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc đã sản sinh ra hàng loạt tỷ phú mới sau khi đại dịch bùng phát cũng sụp đổ, bao gồm Allmed Medical Products Co., nhà sản xuất các sản phẩm băng gạc và khẩu trang phẫu thuật, và Guangzhou Wondfo Biotech Co.

2 ngày 3 tỷ phú

Năm 2020, đại dịch khiến nhiều người sa sút, nhưng cũng có nhiều người giàu lên nhanh chóng. Theo đó, cứ 2 ngày thế giới lại có thêm 3 tỷ phú. Cụ thể, trong năm 2020 toàn thế giới đã có thêm 607 tỷ phú mới, theo ấn bản thứ 10 của Hurun Global Rich List năm 2021 phát hành ngày 2-3. Trong khi đó, theo danh sách tỷ phú năm 2021 của Forbes phát hành vào ngày 6-4-2021, trong năm qua thế giới đã có thêm gần 700 tỷ phú mới, đưa tổng số tỷ phú toàn cầu lên con số kỷ lục hơn 2.700. Tăng mạnh nhất là ở Trung Quốc, nơi có thêm 238 tỷ phú - cứ sau 36 giờ lại có 1 tỷ phú - với tổng số 626 tỷ phú. Tiếp theo là Mỹ, với 110 tỷ phú mới, nâng tổng số tỷ phú nước này lên 724. 

Nổi bật trong các tỷ phý Mỹ là trường hợp của Elon Musk, CEO Tesla, đã thêm 151 tỷ USD để lần đầu tiên trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản ròng 197 tỷ USD. Tiếp theo là Jeff Bezos của Amazon với giá trị ròng 189 tỷ USD. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LVMH Moët Hennessy - Louis Vuitton Bernard Arnault, dù là người mất nhiều nhất trong 2 tháng đầu của đại dịch, nhưng đến tháng 2-2021 tài sản của ông lại tăng đạt 114 tỷ USD. Bill Gates của Microsoft đạt 110 tỷ USD và Mark Zuckerberg của Facebook đạt 101 tỷ USD. Báo cáo của Hurun cho biết: “Bất chấp đại dịch Covid-19, tổng tài sản của tất cả tỷ phú trên toàn cầu đã tăng 32% trong giai đoạn được xem xét, lên 14.700 tỷ USD”.

Mỗi tháng tăng 100 tỷ USD

Riêng các tỷ phú của Mỹ đã chứng kiến tài sản tăng hơn 62% trong đại dịch, tương đương tăng 1.800 tỷ USD, từ gần 3.000 tỷ USD vào tháng 3-2020 lên 4.800 tỷ USD vào ngày 17-8-2021 - theo một báo cáo từ Người Mỹ vì Công bằng Thuế (ATF) và Viện Nghiên cứu Chính sách Chương trình về Bất bình đẳng (IPS). Không chỉ tài sản của các tỷ phú tăng mà con số của họ cũng tăng. Vào tháng 3-2020, có 614 người Mỹ có tài khoản ngân hàng 10 con số và trong tháng 8-2021 có 708 người. 

Còn báo cáo ngày 21-12-2021 của Forbes cho biết 10 người có tài sản tăng nhiều nhất năm 2021 đã chứng kiến mức tăng tổng cộng hơn 458 tỷ USD. Có đến 6 ông trùm của Mỹ nằm trong nhóm 10 tỷ phú này, tất cả đều đến từ các ngành công nghệ hoặc liên quan. Trong khi các chỉ số S&P 500 tăng 27% và Nasdaq Composite tăng 23%, 6 tỷ phú Mỹ đã gây chấn động thị trường khi giá trị tài sản ròng tăng trung bình 51%, thêm tổng cộng 304 tỷ USD.

Đứng đầu danh sách này vẫn là Elon Musk, với mức tăng 109,8 tỷ USD, lên 265,4 tỷ USD. Xếp thứ 2 là tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani và gia đình, với tài sản ròng 81,1 tỷ USD, tăng 52,5 tỷ USD. Tập đoàn Adani của ông đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt khi Adani Gas tăng 400%, Adani Transmission tăng 330%, Adani Enterprises tăng 250%. Xếp thứ 3 là Page Larry, CEO Alphabet - công ty mẹ của Google, với tài sản ròng 126,3 tỷ USD, tăng 49,1 tỷ USD. Vị trí thứ 4 thuộc về Larry Ellison, ông chủ của Oracle, với tài sản tăng 47,5 tỷ USD, đạt 135,7 tỷ USD. Tiếp theo là Sergey Brin, một sáng lập viên khác của Google, với tài sản ròng 121,7 tỷ USD, tăng 46,7 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục