Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng núi Quảng Ngãi ở mức rất cao

Tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em vùng núi Quảng Ngãi rất cao, cứ khoảng 10 em thì có đến 7-8 em bị suy dinh dưỡng. 
Theo tổng kết đề án nâng cao hiệu quả phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2017-2020 của sở y tế, tính chung cho 5 huyện miền núi thì tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng hằng năm giảm, từ năm 2017, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 30,6% đến năm 2020 còn 25,5% và thể thấp còi từ 41,8% đến năm 2020 còn 36,5%.
Với kết quả trên cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng các huyện miền núi trung bình mỗi năm giảm 1,3%, điều này cho thấy những định hướng đúng đắn, khẳng định sự phù hợp và tính khả thi của các giải pháp đã được đề ra. Tuy nhiên, với tỷ lệ giảm này vẫn chưa đạt được tỷ lệ như mục tiêu của đề án đề ra.
Theo phân loại tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi từ 30% trở lên thuộc loại rất cao; từ 20% đến dưới 30% thuộc loại cao. Vậy, tất cả 5 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi theo phân loại này thì tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi đều ở mức rất cao.
Hiện tại, tỷ lệ suy dinh dưỡng của các huyện miền núi thể nhẹ cân và thể thấp còi còn ở mức cao và rất cao chênh lệch khá nhiều so với các huyện ở đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng núi Quảng Ngãi ở mức rất cao ảnh 1 Bác sĩ Phạm Hữu Nghĩa đang tư vấn sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em tại xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bác sĩ Phạm Hữu Nghĩa (Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây) trong chuyến khám chữa bệnh tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng tại xã Sơn Trà (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) vào ngày 19-6, cho biết: Tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em vùng núi rất cao, cứ khoảng 10 em thì có đến 7-8 em bị suy dinh dưỡng. Các em cần được sự hỗ trợ nhiều hơn để đảm bảo sức khỏe.

Theo đề án này, giai đoạn 2017-2020 bình quân mỗi năm chỉ giảm 1,3%, hiện vẫn còn ở mức rất cao. Nguyên nhân khách quan là các huyện miền núi, phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số. Các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, hạn hán, bão lũ thường xảy ra, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa đã làm cho một số hộ nghèo trên địa bàn không đủ điều kiện cải thiện tình trạng dinh dưỡng.

Trình độ dân trí còn thấp, một số tập tục lạc hậu còn tồn tại, khó thay đổi nhất là các quan niệm về hôn nhân (tảo hôn, lấy chồng, vợ sớm), về sinh hoạt, ăn uống đã tác động trực tiếp đến kiến thức, thực hành dinh dưỡng của bà mẹ và người chăm sóc trẻ.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng núi Quảng Ngãi ở mức rất cao ảnh 2 Trẻ em vùng núi đến để được thăm khám miễn phí khi có các chương trình tình nguyện. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng núi Quảng Ngãi ở mức rất cao ảnh 3 Tặng thuốc bổ sung vitamin cho trẻ em vùng núi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Mặc dù trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều hoạt động như triển khai cho trẻ 6 đến 36 tháng tuổi uống Vitamin A 2 đợt/năm, bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ suy dinh dưỡng, trẻ nguy cơ cao thiếu Vitamin A. Mua thực phẩm điều trị ăn liền, thực phẩm bổ sung, phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, dinh dưỡng học đường.

Để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi các huyện miền núi của tỉnh trong thời gian đến, Sở Y tế đề xuất với các cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục xây dựng Nghị quyết về Đề án nâng cao hiệu quả phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 – 2025.

Tin cùng chuyên mục