Tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni lông

Tình trạng sử dụng túi ni lông khó phân hủy một cách không hạn chế, không kiểm soát đã tạo áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý rác thải và ảnh hưởng nặng nề, lâu dài tới môi trường đô thị. 
Các tiểu thương huyện Cần Giờ ký cam kết không sử dụng túi ni lông khó phân hủy
Các tiểu thương huyện Cần Giờ ký cam kết không sử dụng túi ni lông khó phân hủy

Nhằm triển khai chương trình giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM vừa phối hợp với UBND huyện Cần Giờ triển khai nhiều hoạt động để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và các tiểu thương. 

Chú trọng bảo vệ môi trường biển 

Là xã đảo duy nhất của TPHCM, Thạnh An (huyện Cần Giờ) có tiềm năng phát triển về nuôi trồng thủy hải sản, du lịch; đồng thời cũng là xã dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Chất thải phát sinh nếu không được thải bỏ đúng, không được thu gom và xử lý đúng thì không chỉ làm xấu cảnh quan, ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái biển, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống của dân cư trên đảo, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nguồn lợi từ biển, tiềm năng về thủy hải sản và du lịch của cư dân xã Thạnh An. Với trọng tâm phát triển về du lịch sinh thái, góp phần tạo sinh kế, cải thiện đời sống cư dân xã đảo, thành phố đã tập trung ưu tiên nhiều chính sách cho địa phương này. Với lợi thế có vị trí đặc thù là xã đảo, ít dân, địa hình dễ kiểm soát, các hoạt động sản xuất chủ yếu là đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, xã Thạnh An là khu vực lý tưởng nhất của huyện Cần Giờ để thực hiện mô hình điểm về giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy.

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết UBND huyện này đã ban hành kế hoạch về giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn. Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, địa phương cũng tăng cường thực hiện các giải pháp tiết giảm, tái chế, tái sử dụng tại nguồn đối với túi ni lông; đồng thời phổ biến rộng rãi các sản phẩm thân thiện môi trường cho người dân tiếp cận để sử dụng, tạo sự lan tỏa đến khách du lịch khi đến xã Thạnh An, hướng đến phát triển mô hình du lịch xanh, du lịch thân thiện môi trường. Trong thời gian qua, Sở TN-MT TPHCM đã có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Cần Giờ trong triển khai các công tác bảo vệ môi trường theo định hướng và yêu cầu chung của thành phố trên địa bàn huyện, đặc biệt là tại xã Thạnh An. Từ cuối năm 2017, đơn vị này đã phối hợp với UBND huyện Cần Giờ hỗ trợ Thạnh An triển khai mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng, nhằm phát huy vai trò của mỗi người dân Thạnh An trong gìn giữ môi trường xã đảo. Với sự nỗ lực của chính quyền xã và sự tham gia của cộng đồng dân cư, đã có sự chuyển biến tích cực về tình hình vệ sinh môi trường tại Thạnh An. 

Đẩy mạnh nâng cao nhận thức

Theo Sở TN-MT TPHCM, các sản phẩm từ nhựa, ni lông ra đời mang lại rất nhiều tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, với giá thành rẻ, tiện sử dụng, túi ni lông dễ được người tiêu dùng lựa chọn phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Tuy nhiên, với đặc tính bền, khó phân hủy, túi ni lông đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất. Để giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông, thành phố đã và đang đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền cũng như xử lý tình trạng sử dụng túi ni lông chưa hợp lý. Trong đó, thành phố đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng. 
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết để tiếp tục chương trình giảm thiểu, hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy, thành phố sẽ duy trì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường với các nội dung cụ thể: Không xả rác ra đường, xuống biển; phân loại rác tại nguồn, giao rác đúng giờ và để rác đúng nơi quy định; hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; dành 15 phút mỗi ngày làm sạch khu vực trước nhà. Củng cố và phát huy vai trò của tổ tự quản trong công tác tuyên truyền vận động, chuyển hóa địa bàn và giám sát thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Đồng thời, thành phố tiếp tục tuyên truyền nâng cao vận động người dân thực hiện việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ, với chỉ tiêu là giảm 65%. Cùng với đó, thành phố đặt ra chỉ tiêu thu gom 100% chất thải phát sinh trên địa bàn và có ít nhất 50% lượng chất thải nhựa ở bên trong đó được thu hồi, tái chế. Để thực hiện chỉ tiêu này, thành phố vận động người dân không vứt rác bừa bãi ra kênh rạch, nơi công cộng, tổ chức thu gom một cách triệt để ở những nơi có rác thải phát sinh.

Trong thời gian tới, huyện Cần Giờ cũng như xã Thạnh An sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động người tiêu dùng từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; kêu gọi các tiểu thương trên địa bàn sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; chuyển tải thông điệp giảm sử dụng túi ni lông cho khách du lịch khi đến huyện Cần Giờ thông qua các hình ảnh tuyên truyền trực quan trên đò, bến đò và các hoạt động kiểm tra, giám sát của địa phương.

Tin cùng chuyên mục