Tuyển sinh ngành sư phạm vẫn chật vật

Theo Nghị định 116 của Chính phủ, từ tháng 11-2020, sinh viên theo học ngành sư phạm sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng. Như vậy, ngoài việc miễn giảm 100% học phí, hiện nay sinh viên sư phạm là đối tượng được ưu đãi nhiều nhất của Nhà nước. 

Tuyển sinh chưa khởi sắc

Dù có nhiều nỗ lực để thu hút người giỏi theo ngành sư phạm nhưng vài năm gần đây, kết quả tuyển sinh của ngành sư phạm vẫn chưa thể khởi sắc. 

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM học nhóm trong giờ giải lao 
Thống kê kết quả tuyển sinh năm 2020 của Bộ GD-ĐT cho thấy, tuyển sinh ngành sư phạm có 35.936 thí sinh nhập học, đạt 62,58% (năm 2019 là 27.373 thí sinh, bao gồm cả trình độ cao đẳng và trung cấp, đạt 52,97%). Trong đó, trình độ ĐH có 28.314 thí sinh (đạt 64,78%), hệ cao đẳng (chỉ có ngành sư phạm mầm non) tuyển được 7.662 thí sinh - đạt 52,02% (năm 2019 là 8.537 thí sinh, đạt 46,12%). Kết quả tuyển sinh ngành sư phạm năm 2018 cho thấy, tổng chỉ tiêu tuyển giảm 38% so với năm 2017. Cụ thể, tổng chỉ tiêu vào các trường sư phạm là 35.590, số chỉ tiêu xét kết quả thi THPT quốc gia là 24.369 (giảm 22,8% so với năm 2017) và các phương thức khác là 11.221 (giảm 55,3%). Tổng số nguyện vọng đăng ký là 125.261, giảm 29% so với năm 2017.
Tuyển sinh ngành sư phạm vẫn chật vật ảnh 2 Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM học nhóm trong giờ giải lao 
Theo các chuyên gia, kết quả tuyển sinh ngành sư phạm sụt giảm kể từ năm 2018 do Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào. Đây là giải pháp nhằm ngăn chặn việc đào tạo tràn lan, không sát với dự báo và điểm đầu vào thấp sau nhiều năm thả nổi.

Trong năm 2020, Bộ GD-ĐT cho phép các trường đào tạo ngành sư phạm mở rộng đối tượng thuộc diện tuyển thẳng, hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng/sinh viên (đến tháng 11-2020 mới được Chính phủ thông qua) nhưng vẫn chưa có sức hút với thí sinh. Cả nước chỉ có một số trường có truyền thống đào tạo ngành sư phạm như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tuyển đạt chỉ tiêu và điểm trúng tuyển cao ở một số ngành. Còn lại nhiều trường ĐH ở các địa phương tuyển sinh rất chật vật. Nhiều ngành như sư phạm Tin học, sư phạm Hóa, sư phạm Sinh, sư phạm Lịch sử, sư phạm Địa lý… tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều đáng nói là ngoài việc xét tuyển kết quả bằng điểm thi THPT, các trường còn sử dụng phương thức tuyển sinh riêng nhưng vẫn phải xét tuyển bổ sung đến 50% - 60% chỉ tiêu, có ngành xét tuyển bổ sung nhiều đợt cũng chỉ có vài thí sinh.  

Cần có chính sách căn cơ

Theo TS Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, việc mở rộng diện xét tuyển thẳng sẽ tạo điều kiện để các trường sư phạm thu hút thêm những học sinh giỏi, có năng lực phù hợp. Hơn nữa, việc không đào tạo hệ trung cấp, hạn chế đào tạo hệ cao đẳng (từ năm 2020 chỉ còn ngành giáo viên mầm non) có nghĩa là giảm số lượng, tăng chất lượng, từ đó tăng cơ hội việc làm cho sinh viên ngành sư phạm sau này. Tuy chính sách tiền lương cho giáo viên đã có thay đổi, nhưng về lâu dài vẫn cần được quan tâm và cải tiến hơn để thu hút sinh viên giỏi. Những ưu đãi về học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm nên gắn liền với việc sắp xếp, bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, mức lương hợp lý, điều kiện làm việc tốt để giáo viên toàn tâm toàn ý với nghề. 

PGS-TS Mỵ Giang Sơn, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng việc Bộ GD-ĐT giữ quyền công bố điểm sàn, các trường phải cắt giảm chỉ tiêu rất mạnh, là nhằm mong muốn tuyển chọn những người giỏi cho ngành. Đây là nỗ lực của ngành để nâng chất lượng đào tạo và để có lực lượng giáo viên giỏi. Tuy nhiên, vấn đề căn cơ vẫn là việc làm và thu nhập của sinh viên sau khi ra trường. Cần phải có giải pháp đồng bộ, trong đó vấn đề việc làm và tiền lương cho ngành sư phạm phải được cải thiện đáng kể. Khi đó, ngành sư phạm chắc chắn không thiếu người giỏi theo học.

Ngoài việc được miễn giảm học phí 100% và từ tháng 11-2020 được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt (Nghị định 116 của Chính phủ) là một nỗ lực đáng ghi nhận của Nhà nước đối với sinh viên ngành sư phạm. Có thể hy vọng năm 2021 tuyển sinh ngành sư phạm khởi sắc trở lại. Song về lâu dài, việc vực dậy ngành sư phạm không thể làm cách riêng lẻ, mà cần phải có giải pháp tổng thể từ chương trình đào tạo, chất lượng đầu ra, lương bổng và những chính sách đặc thù cho ngành sư phạm, nhất là hiện nay chương trình giáo dục phổ thông mới. Một khi có được chính sách vĩ mô hợp lý, khoa học và người giáo viên không phải lo vì đồng lương quá thấp, thì khi đó ngành sư phạm không phải chịu nhiều tai tiếng khi mỗi mùa tuyển sinh lại đến.

Nhiều sinh viên đang học ngành sư phạm tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: Khi được nhà trường thông báo sẽ được Nhà nước hỗ trợ thêm 3,63 triệu đồng/tháng, sinh viên rất phấn khởi. Tuy nhiên, sinh viên vẫn còn một nỗi lo rất lớn, đó là ra trường không có chỗ làm, hoặc gia đình phải bỏ tiền để “lo” có chỗ để dạy. Nếu Nhà nước cam kết bố trí việc làm ngay khi sinh viên ra trường thì sẽ rất tốt.

Trong bối cảnh ngành sư phạm tuyển sinh rất khó khăn thì liên tục tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, hàng trăm giáo viên diện hợp đồng đứng trước nguy cơ bị sa thải. Điển hình như Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau thông báo cắt hợp đồng với hơn 1.400 giáo viên. Trước đó không lâu, tại Đắk Lắk, hơn 500 giáo viên bị cho thôi việc. Còn tại Ninh Thuận, trong số 140 cử nhân sư phạm (diện cử tuyển) được tỉnh này cấp 50% học phí theo học tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, sau khi ra trường chỉ có 80 người được bố trí việc làm, còn lại thất nghiệp và bị “giam” bằng. Tại tỉnh Phú Yên, 51 giáo viên bị sa thải với nhiều lý do không thỏa đáng nên đã khởi kiện…

Tin cùng chuyên mục