Tuyển sinh đầu cấp qua xét tuyển: Đảm bảo công bằng mọi thí sinh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022 ở TPHCM thay đổi phương án từ thi tuyển qua xét tuyển. Vấn đề đặt ra là phải đảm bảo quyền lợi thí sinh, không tạo tâm lý hoang mang cho phụ huynh.

Cuộc đua giành suất học lớp 10

Cuối tuần qua, Báo SGGP nhận được đơn kiến nghị của tập thể phụ huynh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) về một số đề xuất đối với phương án xét tuyển lớp 10 chuyên.

Nội dung đơn có đoạn: “Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là một trong số ít trường tổ chức thi tuyển đầu vào lớp 6 với tỷ lệ chọi hàng năm rất cao nhằm lựa chọn những học sinh ưu tú, chất lượng được sàng lọc kỹ. Đại đa số học sinh đang theo học bậc THCS tại trường đều có nguyện vọng tiếp tục được học trường chuyên, lớp chuyên bậc THPT”.

Từ đó, tập thể phụ huynh kiến nghị có quy định ưu tiên xét tuyển đối với học sinh đã học lớp 9 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đạt danh hiệu học sinh giỏi năm lớp 9 và đăng ký nguyện vọng vào trường chuyên, lớp chuyên. Ngoài ra, đối với quy định cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tuyển, nhóm phụ huynh này đề nghị tính toán lại các mức điểm cộng do chưa được công bố từ đầu năm học, nếu áp dụng sẽ tạo cuộc chơi không công bằng cho tất cả thí sinh.

Tuyển sinh đầu cấp qua xét tuyển: Đảm bảo công bằng mọi thí sinh ảnh 1 Học sinh tham dự khảo sát tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm học 2020-2021

Thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết, nhà trường đã tiếp nhận đơn kiến nghị và trao đổi lại với phụ huynh học sinh nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả phụ huynh. Trường đã tổng hợp các ý kiến báo cáo Sở GD-ĐT TPHCM.

Đối với các ý kiến bày tỏ lo ngại sự chênh lệch về độ khó của đề thi dẫn đến điểm số không đồng đều giữa các trường THCS, một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ, nhiều năm trở lại đây, đề thi học kỳ với học sinh khối 9 ở tất cả quận huyện đều được chỉ đạo ra đề theo ma trận chung gồm 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Do vậy, việc phụ huynh đánh giá đề thi của trường này dễ, trường kia khó là “đánh giá chủ quan, không có cơ sở”.

Năm học 2021-2022, TPHCM có 114 trường THPT công lập tuyển sinh lớp 10 với tổng chỉ tiêu tuyển sinh 67.989 học sinh. So với năm học trước, các trường THPT có điểm chuẩn đầu vào ở tốp 1 năm nay đa phần giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh, một số trường ở tốp 2 có chỉ tiêu tuyển sinh giảm nhẹ.

Như vậy, bối cảnh chỉ tiêu tuyển sinh có xu hướng giảm, trong khi điểm xét tuyển của học sinh được dự báo cao hơn (do dựa theo điểm học bạ năm lớp 9) sẽ dẫn đến điểm chuẩn vào lớp 10 tăng hơn so với năm học trước.

Tuy nhiên, thành phố tổ chức xét tuyển theo phương thức lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, có tính toán tỷ lệ nguyện vọng 1, 2, 3 cho phù hợp nên vẫn đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh. Ngoài ra, việc lấy kết quả học tập 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ của năm lớp 9 thay thế điểm thi tuyển sinh được cho là hợp lý, do đề thi tuyển sinh lớp 10 nhiều năm gần đây có nội dung kiến thức chủ yếu trong chương trình lớp 9.

Tiêu chí phụ xét tuyển lớp 6

Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa Nguyễn Minh cho biết, năm học 2021-2022, có gần 4.000 hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào lớp 6 của trường. Đây là những học sinh có quá trình chuẩn bị đầy đủ, xác định đủ năng lực tham gia kỳ khảo sát vào lớp 6. Do đó, việc đánh giá năng lực học tập của những học sinh này (không phải xét tuyển toàn bộ học sinh khối 5 của TPHCM) bằng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 3, 4, 5 là có cơ sở. Bên cạnh đó, các tiêu chí phụ được đưa ra phục vụ phương án xét tuyển khá đa dạng ở cả 3 nhóm ngoại ngữ, tin học và năng khiếu. Vì vậy, phụ huynh không nên lo lắng về tính công bằng khi xét tuyển.

Theo phương án tuyển sinh đã được UBND TPHCM duyệt, nếu có nhiều thí sinh bằng điểm kiểm tra Văn, Toán định kỳ cuối năm lớp 3, 4, 5, hội đồng tuyển sinh sẽ xét thêm các tiêu chí phụ như chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn Cambridge, TOEFL, PTE Pearson hoặc tương đương khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam; chứng chỉ tin học quốc tế IC3 Spark, ICDL Digital Explorer hoặc các giải do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.

Trong bối cảnh TPHCM không thể tổ chức các kỳ thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3 bày tỏ, 2 phương án thi tuyển và xét tuyển đều có tính công bằng tương đối. Việc lựa chọn phương án nào phải dựa trên cơ sở thực tế và đảm bảo an toàn cho thí sinh.

Nếu nói xét tuyển làm ảnh hưởng chất lượng dạy và học ở các cơ sở là không chính xác vì năm học vừa qua, các trường đều tổ chức dạy học theo mục tiêu thi tuyển. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, TPHCM mới quyết định thay đổi phương án từ thi tuyển qua xét tuyển nên dù tuyển sinh theo hình thức nào, quá trình chuẩn bị của các trường và học sinh đều như nhau, không hề có sự cạnh tranh không lành mạnh.

Đối với tuyển sinh lớp 10 thường, đại diện các trường THCS cho biết, lâu nay việc tư vấn đăng ký nguyện vọng đều được thực hiện kỹ càng, tổ chức tư vấn cho phụ huynh và học sinh. Việc đăng ký nguyện vọng phải dựa trên năng lực học tập thực tế của học sinh và địa chỉ cư trú để thuận tiện cho việc đi lại khi trúng tuyển.

Tin cùng chuyên mục