Tuyển sinh đại học năm 2023: Phải thuận lợi, ổn định

Đến thời điểm này, kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2022 cơ bản kết thúc. Đây là kỳ tuyển sinh có nhiều thay đổi về mặt kỹ thuật với mục đích giảm thí sinh ảo cho các trường qua hình thức lọc ảo chung cho nhiều phương thức xét tuyển, nhưng cũng là kỳ tuyển sinh có thời gian kéo dài và các trường ĐH hoàn toàn bị động. Theo nhiều chuyên gia, cần rút kinh nghiệm cho mùa tuyển sinh ĐH năm 2023 để thuận lợi cho các trường và đảm bảo sự ổn định.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức trong tháng 5-2022
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức trong tháng 5-2022

Trường và thí sinh lúng túng

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ tuyển sinh năm 2022 thành công, có những kết quả đúng như kỳ vọng. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm hẳn, các trường tuyển sát hơn với chỉ tiêu. Thí sinh được bảo đảm quyền lựa chọn trường, chọn ngành và cơ hội trúng tuyển lớn nhất. Năm 2022, tổng chỉ tiêu của các trường ĐH và của trường CĐ ngành giáo dục mầm non là hơn 585.000. Qua quá trình xử lý nguyện vọng, đã có 567.000 thí sinh được xác định trúng tuyển. Số lượng thí sinh xác nhận nhập học là 464.000, đạt trên 82% so với số thí sinh trúng tuyển. Trong đó, số thí sinh trúng tuyển cao nhất ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT với 51,16%, xét học bạ là 41,86%, các phương thức khác là gần 7%.

Ở góc độ kỹ thuật và triển khai thực tế của quy chế tuyển sinh, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, kỳ tuyển sinh năm 2022 trên thực tế thay đổi khá nhiều so với các kỳ tuyển sinh trước, nhưng quy chế tuyển sinh và các hướng dẫn thực hiện quy chế tuyển sinh được ban hành rất trễ (quy chế tuyển sinh được ban hành ngày 6-6-2022 và hướng dẫn thực hiện quy chế được ban hành ngày 24-6-2022, trong khi các phương thức xét tuyển sớm đã triển khai trước đó 2-3 tháng). Cũng theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, việc điều chỉnh khá trễ này khiến các trường ĐH và thí sinh không khỏi lúng túng. Chính Bộ GD-ĐT cũng đã phải nhiều lần điều chỉnh các mốc thời gian đã công bố trước đó để thí sinh kịp đăng ký xét tuyển, đóng lệ phí xét tuyển cũng như thực hiện một số quy định thủ tục khác.

Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TPHCM cho rằng, một trong các mục tiêu chính của việc điều chỉnh tuyển sinh là để lọc ảo tất cả các phương thức, nhưng thực tế trong số gần 570.000 thí sinh đã được trúng tuyển, chỉ có 467.000 thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống. Điều này cho thấy tỷ lệ ảo vẫn còn khá cao. Hệ quả là rất nhiều trường ĐH vẫn phải xét tuyển bổ sung, thậm chí phải công bố xét tuyển bổ sung ngay sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1. Theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, việc thay đổi và điều chỉnh công tác tuyển sinh năm 2022 gây nhiều rối rắm cho thí sinh lẫn các trường. Thí sinh phải thực hiện nhiều bước, các trường hoàn thành tuyển sinh trễ dẫn đến thay đổi hoàn toàn kế hoạch đào tạo. Đây là những vấn đề mà Bộ GD-ĐT cần nhìn nhận và có hướng khắc phục trong năm sau.

Để các trường chủ động

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, qua con số thống kê 35% thí sinh trúng tuyển sớm không đăng ký lại trên hệ thống, 28% thí sinh trúng tuyển thẳng xác nhận nhập học ngay, cho thấy một tỷ lệ lớn thí sinh trúng tuyển thẳng đã không dùng quyền được tuyển thẳng, mà tiếp tục lựa chọn đăng ký xét tuyển. Từ đó đặt ra vấn đề là công tác tuyển sinh phải được đơn giản hóa. Theo TS Lê Thị Thanh Mai, với thí sinh đã tốt nghiệp THPT chỉ muốn xét tuyển vào 1 trường bằng phương thức riêng, thì trao lại quyền cho các trường để đỡ lòng vòng cho thí sinh. Việc tuyển sinh cụ thể nên để các trường thực hiện. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT nên xem xét miễn thi hoặc quy đổi điểm tương đương với học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia ở từng môn đoạt giải.

Dưới góc độ trường ĐH, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, đề xuất: “Chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT khắc phục các lỗi kỹ thuật của phần mềm xét tuyển và lọc ảo chung. Tiếp theo là nên công bố sớm (tốt nhất là trong tháng 11-2022) các thay đổi trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm 2023 và các năm tiếp theo để các trường tiến hành xây dựng quy chế tuyển sinh của mình cũng như thực hiện các công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh đến học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12, giúp các em có thời gian chuẩn bị tốt hơn cho tương lai của mình”.

* TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TPHCM, đề xuất, theo văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022-2023 của Bộ GD-ĐT thì “kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022; xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2023-2024”. Do đó, Bộ GD-ĐT cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023; xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025 theo hướng: hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh; xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018…

* Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, trong kỳ tuyển sinh năm 2023, Bộ GD-ĐT cần sớm công bố quy chế tuyển sinh 2023, đặc biệt là những quy định liên quan đến triển khai quy chế, để các trường có thể điều chỉnh quy định tuyển sinh cho phù hợp. Các quy định tuyển sinh cần đơn giản hóa, không quá rắc rối, phức tạp.

Tin cùng chuyên mục