Tuyên chiến với doping

Năm ngoái, khi thể thao Việt Nam đón nhận tin không vui (2 VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh bị phát hiện doping), bầu không khí đang rất phấn khích nhờ tấm HCV mà thầy trò HLV Park Hang-seo giành được tại đấu trường SEA Games 30 có phần chùng xuống.

Doping đã trở thành vấn đề thực sự đối với những người làm thể thao Việt Nam, vì theo thống kê, trong vòng 17 năm trở lại đây, đã có đến 16 VĐV bị phát hiện sử dụng chất cấm, cả do cố tình lẫn vô ý. Tức là trung bình mỗi năm có hơn 1 VĐV phải nhận án phạt từ các tổ chức thể thao quốc tế, kèm theo đó là án phạt cấm thi đấu dài hạn. Con số biết nói ấy là đáng lo ngại, bởi lẽ ở những môn được cho là “nhạy cảm với doping” như cử tạ, thể dục dụng cụ, canoeing, thể hình, quyền Anh, lặn, điền kinh thì đều có VĐV của Việt Nam dính doping.

Có một thực tế là hiện nay, rất nhiều chuyên gia y học thể thao hàng đầu ở Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng các VĐV, HLV chỉ dồn sức cho việc tập luyện và thi đấu mà thiếu đi kiến thức sử dụng thuốc chữa trị chấn thương, chất dinh dưỡng... Thậm chí, theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền (Trưởng phòng Y học thể thao thuộc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội), phần lớn các VĐV Việt Nam khi dính chất cấm đều bị sốc và không hiểu vì sao. Nguy hiểm hơn là sự thiếu chuyên nghiệp của các VĐV từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống hàng ngày.
Giờ đây, sau khi 2 gương mặt được xếp vào diện tài năng của cử tạ là Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng (đều là những VĐV giành HCV ở giải Vô địch cử tạ trẻ thế giới 2019) bị phát hiện dùng doping và chịu án cấm thi đấu 4 năm từ Liên đoàn Cử tạ thế giới, chưa kể án kỷ luật trên còn kéo theo việc đội tuyển cử tạ Việt Nam có nguy cơ mất cơ hội tranh tài tại Olympic Tokyo 2020, mối lo ngại thực sự về “sức khỏe” của cả nền thể thao lại dấy lên.
Thế nên, cũng dễ hiểu khi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, tại Hội nghị Ban Thường vụ Ủy ban Olympic Việt Nam hôm 26-11, đã liên tục nhấn mạnh rằng, việc VĐV bị dương tính với doping không đơn thuần là chuyện của riêng thể thao, mà liên quan đến uy tín, danh dự của đất nước. Bài học nhãn tiền chính là việc nền thể thao lớn của thế giới như Nga đã đau xót ra sao khi chứng kiến đội tuyển điền kinh quốc gia và không ít VĐV quần vợt bị cấm dự Olympic Rio de Janeiro 2016 vì dính vào bê bối doping kéo dài. “Thể thao Việt Nam cần hành động ngay, phải tuyên chiến với doping”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nói thẳng và cảnh báo, nếu tiếp tục để xảy ra những vụ việc như vừa rồi, uy tín của thể thao Việt Nam sẽ sút giảm, dù lâu nay lĩnh vực này đang nỗ lực cùng cả nước hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Phát triển SẠCH và ĐẸP là hai yếu tố mà vị tư lệnh ngành VH-TT-DL đã yêu cầu giới chức thể thao Việt Nam thực hiện ngay từ bây giờ, vì trước mắt đã là SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai. Nước chủ nhà muốn giữ được hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, muốn duy trì tính trung thực và cao thượng trong thi đấu thể thao, thì vấn đề doping cần được triệt tiêu đến cùng.
Để ngăn chặn tình trạng vô tình hay cố ý sử dụng doping, trước mắt cần nghiêm khắc chế tài xử lý vi phạm từ HLV, VĐV đến các cá nhân liên quan. Song song đó, tăng cường  giáo dục, hướng dẫn tất cả cùng tuân thủ quy định phòng chống doping từ các liên đoàn thể thao thế giới cũng như Tổ chức Phòng chống doping quốc tế (WADA) đặt ra.

Tin cùng chuyên mục