Tương trợ và nghĩa tình

“Đang yên đang lành, cuộc sống của mẹ con tôi rơi vào bế tắc khi mất “cần câu cơm”. Lúc mấy người bạn gọi bàn kế hoạch mà họ đã vạch ra, thú thực tôi như chết đuối vớ được cọc. Vẫn biết phía trước còn nhiều khó khăn nhưng ai cũng vậy, mình phải cố thôi”, chị Nguyễn Thị Là, 30 tuổi (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM), chia sẻ.
Đoàn viên, thanh niên Quận đoàn 9 tặng quà và hướng dẫn người dân phòng chống dịch Covid-19
Đoàn viên, thanh niên Quận đoàn 9 tặng quà và hướng dẫn người dân phòng chống dịch Covid-19

Nhạy bén

Chị Là bị tai nạn giao thông dẫn đến teo cơ nửa người bên trái, bởi vậy khi tốt nghiệp đại học, chị chọn mở đại lý bán vé máy bay, vừa phù hợp với sức khỏe, vừa có thời gian chăm con nhỏ. Với nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân ngày càng cao, cuộc sống mẹ con chị Là không dư dả nhưng tương đối ổn định. 

Dịch Covid-19 lan rộng, nghề bán vé máy bay cũng “sập nguồn”. Mất nguồn thu nhập khiến cuộc sống mẹ con chị chênh vênh. “Điều duy nhất tôi làm được lúc mất đi nguồn thu nhập là vét hết tiền trong túi đi mua mấy hộp sữa để dành cho con, mọi thứ còn lại đều rất mờ mịt”, chị Là trải lòng. Trong khi chị còn loay hoay tính toán những ngày tiếp theo, nhóm bạn học đã âm thầm lập quỹ gây vốn và tìm mối sỉ rau, củ, trái cây sạch, để chị mở một sạp nhỏ trước cửa dãy trọ nơi chị thuê ở. “Họ chuẩn bị mọi thứ gần như hoàn hảo, tôi chỉ việc đón nhận và nỗ lực để không phụ công bạn bè”, chị Là tâm sự. Ngoài mua ủng hộ, bạn bè còn hỗ trợ chị quảng cáo trên Facebook và giúp nhận đơn hàng.

Hơn 3 tháng dịch Covid-19 hoành hành đã gây biết bao tổn thất cho xã hội, một bộ phận không nhỏ người dân mất việc làm, không có thu nhập, đồng nghĩa với cuộc sống vô vàn khó khăn. Trước thực trạng đó, chuyển hướng kinh doanh là cách mà nhiều người trẻ hướng tới để tương trợ nhau.

Như trường hợp gia đình cô Nguyễn Thị Hân (ngụ quận 4, TPHCM), mọi sinh hoạt của 5 con người đều trông cậy vào quán cơm nhỏ trước nhà, nặng nhất là tiền thuốc chữa trị bệnh tiểu đường của chồng cô. Ngày nhận được tin phải đóng cửa quán, cô Hân chết lặng vì không biết trông vào khoản gì để sống. Là khách quen của quán cô Hân, dù quán đóng cửa, nhưng anh Vũ Minh Phong (sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) vẫn đặt cô nấu cơm mỗi ngày. Trước khi báo cơm cô, Phong đều nhắn mấy người bạn ở gần, nếu có nhu cầu thì anh đặt luôn. Cũng từ đó, Phong nghĩ ra cách kêu gọi bạn bè rao thực đơn trên Facebook để gom đơn đặt cơm cô Hân nấu. “Nhờ có cậu sinh viên gần nhà mà một tuần nay tôi lại có thu nhập dù không phải mở quán. Mỗi bữa cũng gom được gần 30 suất, tuy không nhiều nhưng cũng có đồng ra đồng vào để tôi trang trải”, cô Hân cho biết.

Hiện nhiều người đã tận dụng mạng xã hội để vượt khó trong thời điểm cả nước phải gồng mình chống dịch. Dù ít nhiều không tránh khỏi những khó khăn trước mắt, nhưng sự nhạy bén ấy cũng đã góp phần cải thiện tình thế của không ít người kinh doanh nhỏ hiện nay.

Trách nhiệm với xã hội

Để phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ (trừ các điểm kinh doanh thực phẩm thiết yếu, thuốc men), ngưng dịch vụ xổ số… trong 15 ngày. Điều này đồng nghĩa với hàng triệu người mất thu nhập, hàng trăm ngàn gia đình bị ảnh hưởng. Chung tay hỗ trợ những người bị ảnh hưởng vượt qua giai đoạn này, nhiều bạn trẻ cũng đã có những hành động thiết thực, kịp thời. 

“Ngay sau khi có chỉ đạo và trong thời gian chờ trợ cấp của Chính phủ, chúng tôi đã kêu gọi thanh niên, đoàn viên thành phố cùng chung tay giúp đỡ những gia đình bị mất thu nhập vượt qua ít nhất 15 ngày này”, anh Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TPHCM (thuộc Thành đoàn TPHCM) cho biết. Với tinh thần trách nhiệm của người trẻ, những ngày này, trung tâm đã huy động được hơn 1.000 suất cơm, 5.000 phần mì, 10.000 khẩu trang vải, 2.000 chai nước rửa tay và hơn 300 phần quà. Ngoài phát cơm tại trung tâm, tranh thủ những ngày cuối tuần, các tình nguyện viên còn đến từng nơi ở của người bán vé số, người bán hàng rong, người già neo đơn để trao quà. Trước đó, trung tâm cũng có nhiều hoạt động hướng dẫn và tặng quà cho người dân phòng chống dịch.

Tương tự, tuổi trẻ quận 9 cũng đã kịp thời kêu gọi sự ủng hộ của người dân quận 9 với tinh thần cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, để có nguồn lực hỗ trợ những gia đình bị mất thu nhập trên địa bàn quận. Riêng Quận đoàn 1 đã thành lập đội thanh niên tình nguyện ứng phó với dịch Covid-19, giúp người già neo đơn, người tàn tật mua thực phẩm để họ không phải đi lại nhiều, tránh tiếp xúc nơi đông người. Với đội hình này, chỉ cần người dân gọi vào số điện thoại 028.38251861, sẽ có tình nguyện viên mua giúp nhu yếu phẩm mang đến tận nhà.

Ngoài ra, ở nhiều khu dân cư, những quán cơm miễn phí cho người lao động, những quầy tặng nhu yếu phẩm mọc lên ngày một nhiều. Màu áo xanh của thanh niên tình nguyện còn vào cả các khu nhà trọ, xóm lao động, vừa tuyên truyền việc phòng chống dịch bệnh, vừa âm thầm tặng quà. Hay đơn giản chỉ là những đơn hàng mà người lạ đăng lên tường nhà mình kêu gọi bạn bè ở gần đặt hàng ủng hộ để người lao động có khoản thu nhập vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tin cùng chuyên mục