Tưởng tiết kiệm, hóa lãng phí

Gửi đến các đại biểu Quốc hội bản tổng hợp ý kiến giám sát chuyên đề tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, một số chủ trương khi đưa ra cơ bản là hợp lý, song khi thực hiện lại kém hiệu quả, để lại hậu quả lâu dài, lãng phí về tài sản, nguồn lực, niềm tin của nhân dân.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có việc cho ngư dân vay đóng mới hoặc nâng cấp tàu đánh cá, là một trường hợp khá điển hình. Được thiết kế với tinh thần nhân văn, mang ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo của ngư dân, nhất là ngư dân của các tỉnh duyên hải miền Trung, nhưng Nghị định 67 khi triển khai đã gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Hệ quả là các ngân hàng thương mại đã thanh lý các tàu với giá rất thấp, nhiều ngư dân đã trở thành “con nợ” sau vài chuyến đi biển. Riêng tỉnh Quảng Bình có 69 tàu bị liệt kê vào nợ xấu, trong đó có 33 tàu nằm bờ chờ hư hỏng, bị ngân hàng phong tỏa.

Một ví dụ khác là mua sắm ô tô công. Để tránh đi vào “vết xe đổ” lãng phí xe công, từng khiến cho dư luận vô cùng bức xúc trước đây, Nghị định 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định cho văn phòng UBND cấp huyện chỉ mua được một ô tô với mức giá không quá 720 triệu đồng.

Thực tế, loại xe có giá như vậy không đáp ứng được yêu cầu đi lại, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng núi, có địa hình phức tạp, đường sá gập ghềnh. Bên cạnh đó, quy định Phó Chủ tịch UBND huyện muốn sử dụng xe đi công tác phải đi kèm theo 2 người cũng là một sự lãng phí về nhân lực và ngân sách, mặc dù có thể hiểu được mục đích của chính sách này là tận dụng hết công suất sử dụng của xe công.

Có thể thấy, việc không đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, toàn diện trước khi ban hành có thể dẫn đến nghịch lý thật trớ trêu: chính sách được ban hành với mục tiêu thực hành tiết kiệm hóa ra lại... gây ra lãng phí, khó lòng đong đếm. 

Tin cùng chuyên mục