Tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông: Nhớ người ra đi vì người ở lại

Ngày 17-11, tại TPHCM, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với UBND TPHCM tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2019. 

Đến dự lễ tưởng niệm có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng đại diện các bộ ngành và hơn 1.200 đại biểu tham dự.

Các đại biểu cắm hoa tưởng niệm. Ảnh: LƯƠNG THIỆN
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc Gia, mỗi ngày cả nước có hơn 30 người bị cướp đi mạng sống vì tai nạn giao thông, cùng với hàng trăm người bị thương tật suốt đời. Điều này đồng nghĩa với mỗi ngày có hàng trăm gia đình gánh chịu sự mất mát khủng khiếp, thiệt hại to lớn về nhân mạng là không gì bù đắp được. Những đau thương, mất mát mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu là rất lớn. Những di chứng mà mỗi tai nạn giao thông để lại luôn kéo dài và không thể lường hết được, khiến xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng.
Thêm vào đó, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông hàng năm. Điều đó đe dọa đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè, đối tác.

10 năm qua, bình quân mỗi năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó đa số người bị tai nạn đang trong độ tuổi lao động, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu gây ra tai nạn giao thông cụ thể do người tham gia giao thông gây ra chiếm 80%; trong đó 22,9% chạy quá tốc độ quy định, 14% tránh vượt sai quy định, 3,8% say rượu bia lái xe...  Các vi phạm về giao thông chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người lái xe còn kém, kỹ năng lái xe còn yếu, chạy xe quá tốc độ, chở quá tải, chở quá số người quy định, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu giao thông.

Tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông: Nhớ người ra đi vì người ở lại ảnh 2 Đã đến lúc mỗi người chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc về tác hại khôn lường của TNGT 

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh: Tai nạn giao thông là thảm họa của nhiều quốc gia trên thế giới, gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Điều đau lòng nhất là tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, đẩy không biết bao nhiêu gia đình vào cảnh khó khăn. Riêng tại TPHCM, 10 tháng đầu năm 2019, tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, trên địa bàn xảy ra 2.605 vụ tai nạn giao thông (giảm 12,3%) làm chết 531 người (giảm 5,68%), làm bị thương 1975 người (giảm 3,3%). Trong đó, hơn 75% ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ là sinh viên, học sinh, những người lao động chính trong gia đình bị tai nạn giao thông. Để lại nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội nhưng lại chưa nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng và toàn toàn xã hội. TPHCM hưởng ứng các hoạt động này 8 năm qua. Đây là hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng nhằm tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông cùng chia sẻ, xoa dịu nỗi đau cũng như là lời cảnh tỉnh thiết thực cho những người tham gia giao thông. Thông qua hoạt động tưởng niệm này nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về tai nạn giao thông, kêu gọi mọi người cùng chia sẻ đóng góp nhằm giúp gia đình các nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Theo đồng chí Võ Văn Hoan, ngày 27-10-2005, Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT) trên toàn cầu. Ngày kỷ niệm này đã trở thành một công cụ quan trọng trong nỗ lực chung toàn cầu để cải thiện ATGT.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Tai nạn giao thông làm hàng ngàn người chết và bị thương gây nên mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu. Phó Thủ tướng kêu gọi sự chung tay cùng hành động của từng cá nhân, tổ chức, cộng đồng để ngăn chặn, đẩy lùi và cùng sẻ chia, xoa dịu những nỗi đau do TNGT gây nên. Bằng nhiều hành động mạnh mẽ, thông qua các chính sách quốc gia và những cam kết xã hội, Chính phủ đã, đang làm mọi cách để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, giảm thiểu số người chết và bị thương. Nhà nước, các tổ chức xã hội, các đoàn thể cho đến từng cá nhân, đều phải chung tay hành động và hành động một cách quyết liệt.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kêu gọi các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương và toàn thể nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành an toàn về luật giao thông, sử dụng rượu bia thì không điều khiển phương tiện. Đặc biệt, mỗi người dân phải tự ý thức chấp hành, cùng chung tay xây dựng giao thông an toàn, văn minh. Với nhiều giải pháp đồng bộ của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, tình hình tai nạn giao thông trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến, giảm thiểu tử vong và thương tích do va chạm giao thông gây ra. Đồng thời, chúng ta cùng chung tay, góp sức chia sẻ nỗi đau của các gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2018 toàn quốc có hơn 8.000 người tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Thiệt hại do TNGT là 5-12 tỷ USD/năm. Mục tiêu kéo giảm 5-10% TNGT và thương vong mỗi năm là cần thay đổi ý thức chấp hành pháp luật giao thông và ý thức về an toàn, bởi đây là nguyên nhân trong phần lớn vụ TNGT. Từ năm 2009 đến tháng 5-2019, toàn quốc xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Riêng năm 2018 xảy ra 18.499 vụ, 8.079 người chết, bị thương 14.732 người.

Tin cùng chuyên mục