Tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 là hoàn toàn chính đáng

LTS: Ngày 6-10, Báo SGGP đề xuất cần có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Nhiều giới chức, nhân sĩ, trí thức… đã chia sẻ, bày tỏ ý kiến đồng thuận, đề xuất Quốc hội sớm xem xét chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng để tưởng niệm. Báo SGGP đã trao đổi với TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về vấn đề này.

Phóng viên: Ông nghĩ sao đối với đề xuất của Báo SGGP về việc tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Bản thân tôi cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để trao đổi với Chủ tịch Quốc hội về vấn đề này. Vì việc quản lý Nhà nước là thuộc Chính phủ, nhưng việc đại diện cho người dân, chăm lo lợi ích của người dân là của Quốc hội, do vậy phải thống nhất giữa Chính phủ và Quốc hội trong vấn đề này để thực hiện.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện

Quan điểm của tôi là chúng ta phải tổ chức tưởng niệm một cách trọng thể, vì thống kê chưa đầy đủ đã có hơn 20.000 đồng bào tử vong do Covid-19. Hơn 20.000 đồng bào tử vong là những người rất khác nhau, có người già, bệnh nền và những người còn trẻ tuổi, sung sức. Có cán bộ, chiến sĩ, những người trên tuyến đầu chống dịch. Họ bị tử vong rất đau lòng.

Họ không chỉ là nạn nhân của đại dịch, mà còn là bằng chứng của sự tàn phá về con người, của cải mà dịch bệnh gây ra. Cái chết của họ không gì có thể bù đắp. Sự mất mát đó cũng giúp mang lại bài học quý giá cho công tác phòng chống dịch, không chỉ ở Việt Nam mà cho cả thế giới. Do đó, việc có ngày tưởng niệm đồng bào bị tử vong do đại dịch Covid-19 là hoàn toàn chính đáng.

Chúng ta tưởng niệm không phải vì có số đông đồng bào tử vong, mà vì trong những nguyên nhân dẫn đến sự mất mát này, có nguyên nhân từ sự quá tải của hệ thống y tế, câu chuyện điều trị, sự chăm sóc của gia đình và từ cả chính các bệnh nhân… Dù với nguyên nhân nào thì về quyền con người, đó là những vấn đề cần được nhìn nhận một cách nhân văn. 

Theo ông, để lễ tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 diễn ra một cách trọng thể nhất, cơ quan nào nên đứng ra tổ chức?

Tôi nghĩ một cơ quan của Quốc hội nên đứng ra tổ chức. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để xem xét; nhưng xét về tính đại đoàn kết toàn dân tộc thì nên giao cho Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, ban ngành khác, trong đó có Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để tổ chức.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TPHCM chăm lo tro cốt nạn nhân tử vong do Covid-19
Ảnh: HOÀNG HÙNG

MTTQ là tổ chức liên minh chính trị, là đại diện cho dân nên cần tham gia vào lễ tưởng niệm. Bên cạnh đó là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, vì trong số đồng bào tử nạn có nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau.

Lễ tưởng niệm nên theo hình thức nào, thưa ông?

Theo tôi, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, vào ngày khai mạc kỳ họp, Quốc hội nên có nghi thức tưởng niệm đồng bào. Còn về tổ chức ngày tưởng niệm, thì Nhà nước nên giao Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức và có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. MTTQ cũng sẽ tập hợp các tổ chức tôn giáo để tổ chức tưởng niệm đồng bào, như cách chúng ta vẫn làm để cầu siêu cho đồng bào bị tử vong vì tai nạn giao thông.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

* Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Cầu siêu hồi hướng cho các vong linh và những người đã mất

Tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 là hoàn toàn chính đáng ảnh 3

Tổ chức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 nhằm siêu thoát cho những người đã mất, xoa dịu niềm đau đối với những người còn sống sau bao tháng ngày thương tổn vì dịch Covid-19 là việc nên làm. Đây cũng là dịp để tri ân những người đã cống hiến quên mình vì đồng bào trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Các đại lễ tưởng niệm, cầu siêu lớn như đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở các nghĩa trang, hay đại lễ tưởng niệm cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông mà chúng ta vẫn tổ chức trong những năm qua đã an ủi, xoa dịu nỗi đau thương của các gia đình nạn nhân.

Việc tổ chức lễ tưởng niệm dành cho đồng bào đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19 về cấp độ và quy mô đại lễ thì nên tùy theo từng địa phương. Song, tôi cho rằng, ở Việt Nam có ngày rằm tháng bảy âm lịch là ngày tri ân, báo ân nên có thể tưởng niệm, cầu siêu hồi hướng cho các vong linh và những người đã hy sinh trong đại dịch.

* Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB-XH): Tôi đánh giá cao ý tưởng của Báo SGGP

Tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 là hoàn toàn chính đáng ảnh 4

Tôi đánh giá cao ý tưởng của Báo SGGP về việc đề xuất cần có một ngày tưởng niệm đồng bào không may tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19. Hiện nay, trên thế giới đã có một số nước tổ chức tưởng niệm những người dân thiệt mạng vì đại dịch này. Tuy nhiên, hầu hết các nước vẫn chưa tổ chức việc này, kể cả những nước có tổn thất hơn Việt Nam nhiều lần. Có lẽ, họ còn chờ kết thúc đại dịch để thống kê thiệt hại và xem xét triển khai chương trình. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể đề xuất nhưng chưa nên thực hiện ngay, mà nên chờ dịch được kiểm soát tốt hơn, tình hình trở lại trạng thái an toàn, ổn định thì có thể xem xét triển khai.

Về mặt pháp lý, Bộ LĐTB-XH không phải là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc này. Báo SGGP có thể tham khảo thêm Bộ Nội vụ và Bộ VH-TT-DL để xem xét các ý tưởng đề xuất. Còn những vấn đề liên quan tới lao động và nghỉ lễ, nếu được thông qua và thấy cần thiết nghỉ một ngày lễ tưởng niệm, Bộ LĐTB-XH sẽ đề xuất.

 Về việc truy tặng liệt sĩ cho những cán bộ, chiến sĩ   hy sinh trong quá trình tham gia đẩy lùi đại dịch,   Bộ LĐTB-XH hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, song   Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng vừa mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2021, cơ quan thực thi đang chờ nghị định hướng dẫn của Chính phủ để có căn cứ áp dụng.

* Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Có thể coi là ngày giỗ chung, theo tập quán truyền thống của người Việt Nam

Tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 là hoàn toàn chính đáng ảnh 5

Nên có một ngày như vậy, thậm chí nên có bia tưởng niệm nạn nhân đã tử vong trong đại dịch, để nhắc nhớ về một trong những thảm kịch lớn nhất của thời hiện đại, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Nếu có bia tưởng niệm, thì nên đặt ở một vị trí công cộng, thoáng đãng, trong khu vực có nhiều nạn nhân đã không may thiệt mạng vì dịch bệnh.

Có thể chọn ngày có số nạn nhân bị tử vong nhiều nhất trong thời gian qua làm ngày giỗ chung, như một tập quán truyền thống về ngày giỗ của người Việt Nam đối với người thân vậy! Tôi nghĩ, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên qua cùng phối hợp, tổ chức thực hiện nhằm góp phần nhắc nhớ và gìn giữ tinh thần thân ái, đùm bọc, giúp đỡ, che chở nhau của người Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục