Tương lai mở cho podcast

Dựa trên những dự báo mới nhất, số lượng người dùng podcast (tạm dịch: tệp âm thanh) toàn cầu sẽ vượt qua 500 triệu vào năm 2024. Song song đó, mức tiêu thụ quảng cáo trên nền tảng này đang có những bước tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển đó.
Các đài phát thanh tại Việt Nam cần mạnh dạn hơn trong thay đổi nhận thức và tư duy về podcast
Các đài phát thanh tại Việt Nam cần mạnh dạn hơn trong thay đổi nhận thức và tư duy về podcast

Miền đất hứa

Theo một nghiên cứu do Statista (công ty của Đức chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng), số lượng người dùng podcast trên toàn thế giới tăng đều đặn trong những năm qua. Năm 2020, con số này là 332,2 triệu người dùng và đã tăng lên 383,7 triệu vào năm 2021. Theo dự báo, năm 2022 có thể đạt mức 424,2 triệu người.

David Shands, người sáng lập của The Social Proof Podcast, cho hay: “Podcast có chi phí gia nhập thấp, tiềm năng tiếp thị cao, được khai thác thông qua nhiều phương tiện. Nó có thể dẫn đến việc chúng ta thay đổi cách nghĩ về truyền thông”. Đồng quan điểm, bà Siobhán McHugh, người Australia, nhà sản xuất và phê bình podcast, cho rằng, thế mạnh của podcast là đưa tin theo hướng con người hóa, theo phong cách kể chuyện và gần gũi với con người. Bà cũng dẫn chứng, 60% người nghe tập trung vào nội dung được truyền tải qua podcast so với chỉ 22% của phát thanh truyền thống.
Tại các thị trường lớn, sự tăng trưởng của podcast đang rất ấn tượng. Năm 2006, chỉ 22% dân số trưởng thành ở Mỹ biết về podcast. Đến năm 2021, con số này đã tăng lên 78% và ước tính có 120 triệu người nghe podcast. Nó có thể vượt mốc 160 triệu vào năm 2023 với mức tăng trưởng khoảng 20 triệu người dùng mỗi năm như hiện nay. Ở một số quốc gia khác, Ireland dẫn đầu về số người nghe podcast với 41%, tiếp đến là Tây Ban Nha với 38%, Thụy Điển, Na Uy và Mỹ với cùng 37%.

Paul Kelly đến từ Công ty công nghệ quảng cáo sáng tạo A Million Ads cho hay, liên quan đến việc chi tiền quảng cáo, âm thanh kỹ thuật số (digital audio) vẫn có lợi thế mang lại hiệu quả lớn cho nhận thức về thương hiệu. Dù đài phát thanh truyền thống hiện vẫn vượt xa so với digital audio, nhưng không có gì ngạc nhiên khi chi tiêu cho hình thức này đang gia tăng, dự kiến đạt 8 tỷ USD vào năm 2025, chiếm đến hơn 40% tổng số quảng cáo ở lĩnh vực âm thanh. Podcast đang có ưu thế bởi nó có nhiều khả năng gây ra phản ứng hành vi (quan tâm, mua hàng) dù số lượng người theo dõi thấp hơn phát thanh.

Podcast đang là nguồn doanh thu béo bở cho các công ty truyền thông. Bằng chứng là iHeartMedia đã đệ đơn phá sản vào năm 2018, nhưng chỉ một năm sau đã nổi lên với doanh thu hơn 3,68 tỷ USD nhờ nỗ lực phát triển các nội dung kỹ thuật số và podcast. Spotify đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào các thương vụ mua lại liên quan đến podcast. “Gã bán lẻ khổng lồ” Amazon cũng đang có ý định tham gia lĩnh vực này.

Chi tiêu cho quảng cáo trên podcast tại Mỹ tăng trung bình 19%, dự kiến đạt mốc 2 tỷ USD vào năm 2023, nhanh hơn 6% so với chi tiêu quảng cáo cho các loại hình âm thanh kỹ thuật số khác. Ở các thị trường khác, mức tăng trưởng còn ấn tượng hơn, như: 27% tại Mexico, hay lên đến hơn 60% tại châu Âu. Tại Mỹ, The Joe Rogan Experience đang là podcast có thu nhập cao nhất với doanh thu 30 triệu USD hàng năm.

Cơ hội song hành thách thức

Tiện dụng, hợp thời và sáng tạo là những điều được ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông quốc gia - Đài Tiếng nói Việt Nam, nhấn mạnh khi nói về podcast. Ông cho rằng, hình thức này hiện nay đang có nhiều ưu thế: phương thức tiếp cận tiện dụng, hợp thời hơn nhờ khả năng lan truyền rộng rãi và nhanh chóng của internet; tích hợp với sự tiện dụng của ứng dụng điện thoại và đặc biệt là khả năng chủ động trong việc lựa chọn thông tin tiếp nhận; người dùng có thể nghe mọi lúc mọi nơi và không bị giới hạn.

Tại Việt Nam, phát thanh truyền thống vẫn còn thu hút quảng cáo tốt và thị trường chưa đủ độ chín để sẵn sàng tiếp nhận cách nghe mới. Podcast thực sự khiến các nhà sản xuất nội dung ở Việt Nam quan tâm khi dịch Covid-19 bùng nổ và giãn cách xã hội được thực hiện, Ông PHẠM TRUNG TUYẾN, Phó Giám đốc kênh VOV  Giao thông quốc gia

Trong khi đó, ông Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc tài chính Soundio (đơn vị sản xuất podcast tại Việt Nam), cũng nhắc đến 3 cơ hội của loại hình nội dung âm thanh, trong đó đặc biệt là podcast, gồm: số lượng dân số dùng điện thoại thông minh và internet cao và tăng đều; hành vi trả tiền với nội dung chất lượng đang tăng cả về tỷ lệ và tần suất; xu hướng nghe nhiều hơn để giải trí. Để minh chứng cho cơ hội đó, ông Hoàng Anh dẫn chứng trong số 72 triệu người dùng internet hiện nay, khoảng 38% đang nghe podcast và sách nói - tỷ lệ cao hàng đầu ở khu vực châu Á. Số lượng người nghe sẽ trả tiền và sẵn sàng tiếp tục trả tiền cho các nội dung âm thanh được Soundio ghi nhận đều đạt 20% và đang tiếp tục gia tăng.

Tương lai mở cho podcast ảnh 1 The Joe Rogan Experience - một chương trình podcast đình đám trên thế giới. Ảnh:  GETTY IMAGES
Cơ hội và lợi thế là thế nhưng thực trạng phát triển mảng nội dung podcast tại Việt Nam còn nhiều tồn tại. Hai thách thức được ông Hoàng Anh nêu ra là: số lượng nhà sáng tạo tham gia chưa nhiều, dẫn đến chưa phong phú về nội dung, chủ đề; thu nhập của những người trong lĩnh vực này chưa cao, tạo ra rào cản phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ông Trung Tuyến cũng thừa nhận, dù có lợi thế rất lớn về nguồn nhân lực và đối tượng công chúng, song các cơ quan sản xuất chương trình phát thanh chuyên nghiệp, các đài phát thanh lại đang tỏ ra khá chậm chân trong việc tiến vào thị trường podcast. Thậm chí, còn có tư tưởng podcast chưa có nguồn thu, nếu đầu tư sẽ lãng phí.

Để biến cơ hội thành động lực, tại các cuộc hội thảo trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2022 vừa diễn ra tại TPHCM, cả bà Siobhan McHugh và ông Hoàng Anh đều có những quan điểm khá tương đồng. Theo đó, cần xác định và hiểu rõ đối tượng khán giả của mình là ai; xây dựng các chủ đề hấp dẫn; có kỹ năng kể chuyện tốt để chạm đến người nghe; cách làm hấp dẫn, mới lạ… sẽ là những chìa khóa khiến thị trường podcast tại Việt Nam khởi sắc. Riêng đối với các đài phát thanh, nói như ông Trung Tuyến, điều quan trọng hơn hết thảy là cần bước ra khỏi vùng an toàn của mình, thay đổi quy trình sản xuất, học hỏi kỹ năng mới.

Tin cùng chuyên mục