Tuổi xuân màu xanh

“Chúng ta có thể nói về tác hại của rác gây ô nhiễm môi trường, nhưng phần lớn đó chỉ là lời nói suông, còn việc thực hiện thì cần rất nhiều tác động hơn nữa vào ý thức hàng ngày…”, Phạm Thanh Trí (24 tuổi, người sáng lập EcoFish Việt Nam, quê Quảng Ngãi, hiện sống và làm việc tại TPHCM) bày tỏ.
Phạm Thanh Trí (bên trái) cùng thành viên EFV và mô hình “cá voi tre khổng lồ” phân loại rác
Phạm Thanh Trí (bên trái) cùng thành viên EFV và mô hình “cá voi tre khổng lồ” phân loại rác

1. EcoFish Vietnam (EFV) thành lập vào tháng 7-2019, là một dự án nhằm giáo dục ý thức thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Cụ thể là tái chế rác thải nhựa thông qua việc sử dụng mô hình “cá voi tre khổng lồ” phân loại rác với thông điệp “Feed Me Plastic Free” (Hãy cho tôi ăn rác thải).

Bắt đầu từ những trăn trở của một người sinh ra và lớn lên ở vùng biển, khi chứng kiến rác thải nhựa vướng lại sau những trận lũ, cá chết vì nước biển ô nhiễm… thôi thúc Phạm Thanh Trí nghĩ về EFV.

Trí kể: “Gần nhà tôi có 1 con sông, hai bên bờ sông có hàng tre rất đẹp nhưng đó cũng là vật cản. Sau mỗi cơn lũ, lượng rác mắc vào gai tre rất nhiều, làm cho cảnh quan hai bên bờ trông rất tệ. Dần dần tôi mới biết, rác sau mỗi trận lũ không phải ở nơi khác trôi lại, mà chính là rác của cư dân sống quanh sông vứt xuống, theo thời gian lượng rác ấy rất nhiều và nằm dưới đáy sông. Đến năm 2018, khi tôi chuẩn bị tham gia cuộc thi thuyết trình về môi trường, qua báo đài, tôi biết tin có một con cá voi chết do nước biển ô nhiễm vì quá nhiều rác thải nhựa. Từ đó, tôi có ý tưởng về một dự án giúp học sinh và các bạn trẻ biết đến ô nhiễm rác nhựa cũng như học cách phân loại rác. Sau vài lần thất bại, mô hình cá voi tre EcoFish ra đời dựa trên cảm hứng từ các mô hình nghệ thuật sinh vật biển ở nước ngoài”.

EFV đi vào hoạt động khi các thành viên sáng lập còn ở độ tuổi học sinh THPT, và đối tượng EFV hướng đến cũng là học sinh, sinh viên. Phạm Thanh Trí giải thích: “Đây chính là thế hệ sẽ trực tiếp chịu ảnh hưởng từ tác động của môi trường trong tương lai. Nếu hôm nay các bạn nhận thức đầy đủ về nguy hại của rác thải nhựa tới môi trường, thì các bạn sẽ biết cách làm thế nào để giảm thiểu tối đa những tác động xấu tới môi trường sống của chính mình”.

Sau 3 năm nỗ lực, EFV bắt đầu có những hoạt động đáng kể. Mô hình cá ăn rác của EFV làm bằng những vật liệu tái chế từ nhựa như ống hút, vỏ hộp… thay cho thùng rác thông thường. Mô hình EcoFish còn đưa ra các tiêu chí để giúp học sinh phân loại rác thải tại trường qua các chỉ dẫn. Mô hình này đã được xây dựng tại nhiều trường học ở 6 tỉnh, thành: Hà Nội, TPHCM, Trà Vinh, Cần Thơ, Nam Định, Quảng Ngãi. Chi phí trung bình mỗi mô hình chỉ khoảng 6-7 triệu đồng.

2. Những dự án xã hội luôn bắt đầu với không ít khó khăn, bởi người thực hiện là người trẻ, kinh nghiệm còn thiếu và tiềm lực tài chính chưa nhiều. EFV cũng thế…

“Khó khăn lúc mới thành lập thì có rất nhiều, nào là tìm nguồn quỹ cho dự án, tìm đơn vị để cùng hợp tác và xây dựng nội dung phù hợp, tạo kênh truyền thông tốt và hiệu quả. Gắn bó với EFV là một cái duyên, mà nhờ đó tôi được gặp nhiều anh chị giỏi. Họ vừa thúc đẩy mình nhanh tiến bộ hơn, vừa hỗ trợ dự án phát triển. Khi ở vị trí người thành lập và điều phối dự án, cộng sự của mình là những thành viên giỏi, đó cũng là một áp lực ngầm để mình phải hoàn thành mọi việc thật tốt, chứ không phải làm cho xong, cho có”, Thanh Trí cho biết.

Tốt nghiệp cấp 3 và chưa có cơ hội vào giảng đường đại học, Trí làm việc tự do trong lĩnh vực nhiếp ảnh, video và thiết kế… cùng một nhiệm vụ lớn mà Trí tự đặt cho mình: điều phối những dự án xã hội về môi trường. Khi nói về lý do gắn tuổi trẻ của mình vào những “dự án xanh”, Trí nhìn nhận: “Bảo vệ môi trường không phải là một trào lưu, đó là tiêu chuẩn sống lâu dài. Người trẻ thường nhanh nhạy với các trào lưu giải trí, tuy nhiên các phương thức giải trí có thể có hay không, không quan trọng. Nhưng với chúng ta, bảo vệ môi trường bây giờ thì sẽ có lợi cho tương lai. Tôi nhận thấy còn quá ít những hành động thực tế, hữu ích thật sự để bảo vệ môi trường đến từ chúng ta. Chúng ta cần nhiều hơn các chương trình đào tạo, dẫn dắt người trẻ phát triển thêm và nâng cao kỹ năng hoạt động dự án. Thời điểm còn đi học, các bạn chưa tiếp cận được với các kỹ năng làm việc nhóm, các kỹ năng quản lý, cho nên khi bước vào môi trường thực tế đều lúng túng và gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có đủ sự trang bị”.

Giữ lấy màu xanh chính là giữ lấy cuộc sống trong lành, và điều này được lan tỏa, được thực hiện bởi những người trẻ càng thiết thực hơn bao giờ hết.

Các hoạt động của EFV diễn ra như sau: Tìm đơn vị trường học cho phép và tạo điều kiện để thực hiện dự án tại trường; thành lập câu lạc bộ hoặc nhóm học sinh tham gia cùng EFV; thực hiện tập huấn và hướng dẫn các kiến thức về môi trường; thực hiện các chương trình thử nghiệm, nhóm học sinh quản lý dự án…

Tin cùng chuyên mục