Từng bước truy thu thuế online hiệu quả

Nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân tăng mạnh từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Một số sàn thương mại điện tử cũng thừa nhận mãi lực tăng đáng kể so với trước đây, có nơi tăng từ 3-5 lần so với ngày bình thường. Đây cũng là dịp “hái ra tiền” của các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook… 

Thống kê nhanh từ cơ quan thuế của một thành phố lớn cho thấy, có hàng chục ngàn tổ chức, cá nhân với thu nhập lên tới hàng ngàn tỷ đồng, từ cung cấp dịch vụ cho các trang mạng xã hội nêu trên. Tuy vậy, một số chuyên gia nhìn nhận rằng, đây chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”, vì thu nhập thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp có trụ sở tại quận 12, chuyên cung cấp mặt hàng quần áo thời trang, mỹ phẩm trực tuyến, việc bán hàng trực tiếp song song trực tuyến trong mùa dịch này đạt doanh thu rất tốt. Đặc biệt, các đơn hàng trực tuyến đạt doanh thu “khủng”. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, doanh thu bán hàng của một đại lý cấp 3, chuyên lấy hàng của doanh nghiệp này đạt khoảng 100 triệu đồng/tháng. Còn các chuỗi cửa hàng cấp 1, có doanh thu tốt, cao hơn gấp nhiều lần.

“Nếu muốn biết rõ hơn, bạn cứ âm thầm theo dõi số lượng đơn hàng trực tuyến, số lương thưởng mỗi tháng của cửa hàng đó, sẽ biết được doanh thu của họ ra sao. Tôi có nhiều người bạn làm ngành may mặc, chỉ là vài cửa hàng nhỏ, nhưng lương trả cho nhân viên lên tới 300 triệu-400 triệu/tháng. Thời điểm dịch bệnh nhưng đơn hàng vẫn xếp cao như núi, rõ là doanh thu của họ tốt đến mức nào”, anh X.N, chủ một xưởng may ở quận 12 tâm sự.

Nhưng chính anh X.N cũng thừa nhận, nếu hỏi đến việc đóng thuế của các cửa hàng này chắc chắn sẽ không đáng là bao, vì họ có quá nhiều chiêu trò để trốn thuế. Điển hình như xé lẻ đơn hàng, không công khai số tài khoản ngân hàng, thu tiền mặt thay vì chuyển khoản…

Mặc dù khó khăn, nhưng mới đây thông tin Chi cục Thuế quận 1 - Cục Thuế TPHCM thu thuế một cá nhân kinh doanh quần áo trực tuyến lên tới hơn nửa tỷ đồng, đã khiến dư luận xôn xao. Tất nhiên, việc truy vết này cũng lắm công phu. Chẳng hạn, thông qua việc nắm thông tin từ số tài khoản; có sự phối hợp từ phía ngân hàng. Thậm chí, nhiều trường hợp cơ quan thuế TPHCM phải đặt mua hàng để truy thông tin tài khoản, xuống tận tổ dân phố để nắm thông tin hoạt động kinh doanh (số lượt người giao hàng ra vào mỗi ngày)…

Điều này chứng tỏ, nếu kiên trì, làm việc hết trách nhiệm thì việc truy thu thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trực tuyến không phải là câu chuyện quá khó. Và hứa hẹn trong thời gian tới, con số truy thu thuế kinh doanh trực tuyến với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng từ các “ông lớn” như YouTube, Facebook, Google… sẽ không còn quá xa vời.

Tin cùng chuyên mục