Từng bước thích nghi với điều kiện “bình thường mới” - Bài 1: Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM sau đại dịch

Ngày 6-9, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) công bố kết quả nghiên cứu về đề tài “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM giai đoạn Covid-19 lần thứ 4”. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra những đánh giá và giải pháp liên quan đến các chính sách phục hồi kinh tế của TPHCM khi kết thúc giãn cách. PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Luật, chủ trì nhóm nghiên cứu, đã chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về kết quả nghiên cứu này. 

 

LTS: Dịch bệnh Covid-19 có tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo. Diễn biến, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới cho thấy, ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn vẫn bị động và quá tải về hệ thống y tế. 

Cùng cả nước, TPHCM đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát sự hoành hành của biến chủng Delta. Từ thực tế công tác phòng chống Covid-19 hết sức gay go những tháng qua, thành phố xác định cuộc chiến này còn lâu dài, cần năng lực thích ứng và cách làm phù hợp để chung sống an toàn với dịch bệnh chứ không thể khống chế tuyệt đối.

Trong điều kiện như vậy, chúng ta phải hoạch định chiến lược như thế nào để từng bước thích nghi với điều kiện “bình thường mới”, sớm góp phần ổn định cuộc sống của người dân và phục hồi kinh tế? Từ số báo hôm nay, Báo SGGP khởi đăng vệt bài Từng bước thích nghi với điều kiện “bình thường mới” với nhiều góc nhìn, cùng những giải pháp của chuyên gia, doanh nghiệp, người dân...

Từng bước thích nghi với điều kiện “bình thường mới” - Bài 1: Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM sau đại dịch ảnh 1 PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh

PHÓNG VIÊN: Quan điểm của nhóm nghiên cứu như thế nào khi đưa ra đề xuất kiến tạo động lực phục hồi kinh tế cho TPHCM?

PGS-TS HOÀNG CÔNG GIA KHÁNH: Chúng tôi dựa trên số liệu thống kê thu thập được trong 8 tháng đầu năm 2021 để đánh giá tổn thất kinh tế của TPHCM trong giai đoạn giãn cách và nhận thấy thiệt hại nghiêm trọng diễn ra cả ở khu vực cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp. Cung và cầu thị trường nội địa đều sẽ phục hồi hết sức chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp của TPHCM và khu vực phía Nam rất có thể sẽ tăng mạnh, năng lực tài chính của doanh nghiệp suy kiệt, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước. Mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế suy giảm, cân đối ngân sách năm 2021 rất căng thẳng nhưng chúng tôi cho rằng Nhà nước sẽ phải giữ vai trò then chốt trong việc kiến tạo động lực để phục hồi kinh tế. 

Chính sách hỗ trợ mang tính khẩn cấp, vì vậy cần đặt mục tiêu ưu tiên tốc độ hỗ trợ, chấp nhận tỷ lệ sai lệch ở đối tượng thụ hưởng. Thiết kế quy định phải giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, đảm bảo chi phí thực thi thấp nhất trên nền tảng tổ chức bộ máy hiện hữu. Mỗi mục tiêu chi hỗ trợ phải được đánh giá dựa trên các căn cứ như: quy mô của nguồn lực cần thiết; tầm quan trọng và tác động của khoản chi hỗ trợ dựa trên quan điểm sức khỏe và/hoặc quan điểm kinh tế; mức độ khẩn cấp có thể trì hoãn hay phải chi ngay lập tức; thời điểm bắt đầu và khung thời gian sẽ thực hiện.

Từng bước thích nghi với điều kiện “bình thường mới” - Bài 1: Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM sau đại dịch ảnh 2 Sản xuất trong điều kiện giãn cách tại một doanh nghiệp ở TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Chính phủ đã có Nghị quyết 68 và TPHCM cũng đã có Nghị quyết 09 với các gói hỗ trợ an sinh rất cụ thể, ông đánh giá thế nào về các chính sách này?

Chính phủ và TPHCM đã nhanh chóng ban hành, tổ chức thực thi các gói an sinh để hỗ trợ các cá nhân và hộ gia đình có thu nhập thấp, lao động tự do, tiểu thương… bị tổn thất nặng nề trong giai đoạn giãn cách. Đây là các hỗ trợ rất cần thiết và hiệu quả, chia sẻ kịp thời thiệt hại kinh tế của người dân, giúp đảm bảo an sinh. 

Tuy nhiên, do thời gian giãn cách dài nên mức độ thiệt hại lớn và quy mô đối tượng cần hỗ trợ tăng lên, vì vậy chúng tôi khuyến nghị TPHCM cân nhắc thêm các hỗ trợ an sinh cho người dân, với nguyên tắc là đảm bảo an sinh xã hội tối thiểu 2 tháng cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp gặp tổn thất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian phục hồi kinh tế. Ngoài việc TPHCM tiếp tục chi bổ sung phần còn thiếu theo định mức của Nghị quyết 68 - khoảng 777 tỷ đồng, chúng tôi đề xuất thêm gói hỗ trợ 14.270 tỷ đồng, trong đó 13.200 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ và 1.070 tỷ đồng từ ngân sách TPHCM chi hỗ trợ giáo dục mang tính dài hạn cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; chi hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho lao động mất việc; lặp lại lần 2 chi hỗ trợ tiểu thương, hộ kinh doanh vì thời gian ngưng kinh doanh dài.

Đối với doanh nghiệp, các hỗ trợ nên tập trung như thế nào?

Trên phạm vi cả nước, nghiên cứu đưa ra các đề xuất về chính sách tiền tệ liên quan đến cơ cấu nợ; chính sách hỗ trợ tín dụng, bảo lãnh và nhiều phương án khác nhau cho chính sách tài khóa như giảm thuế GTGT, cho phép chuyển lỗ về trước, giãn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp. Quy mô gói hỗ trợ đề xuất thấp nhất là 120.000 tỷ đồng và có thể cân nhắc đến 250.000 tỷ đồng (khoảng 4% GDP) tùy theo phương án. 

Riêng với TPHCM, một trong những đề xuất quan trọng mà chúng tôi nhắm đến là chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc hoặc nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại thành phố sau khi đã về quê trong giai đoạn giãn cách. Mức hỗ trợ là 25% lương tối thiểu vùng (tương đương tỷ lệ trích BHXH, BHYT) áp dụng từ tháng 9-2021 đến tháng 3-2022, chia làm 2 giai đoạn: đến tháng 12-2021 và quý 1-2022. Quy mô của gói hỗ trợ này khoảng 4.000 tỷ đồng. 

Khuyến nghị TPHCM mở rộng chương trình hỗ trợ lãi suất hiện nay để áp dụng cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp truyền thống, logistics và chương trình kích thích phát triển kinh tế số với tổng quy mô khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

TPHCM cũng cần tính đến hỗ trợ quỹ đất, xã hội hóa chi phí đền bù giải tỏa, xây dựng để hình thành các căn hộ dành cho công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhằm cải thiện điều kiện sống của công nhân, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh, thu hút lao động ngoại tỉnh, nhất là lao động có tay nghề, sớm quay lại thành phố. Cùng với đó là sớm nâng cấp hạ tầng chợ đầu mối để gia tăng tỷ trọng giao dịch trực tuyến theo mô hình sàn giao dịch hàng hóa trực tuyến. 

Từng bước thích nghi với điều kiện “bình thường mới” - Bài 1: Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM sau đại dịch ảnh 3 Hỗ trợ để doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động là một trong những chính sách cần thiết để TPHCM phục hồi kinh tế. Ảnh: CAO THĂNG

Với mức hỗ trợ khá lớn như vậy, làm sao để TPHCM cân đối được ngân sách khi dự báo rất căng thẳng?

Nguyên tắc tối thượng là quy mô gói hỗ trợ phải dựa trên khả năng chịu đựng của ngân sách để tránh rơi vào trạng thái rủi ro quá mức. Nhóm nghiên cứu cho rằng, kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM có thể dựa trên 5 nguồn có được theo thứ tự. Thứ nhất, tái phân bổ chi ngân sách của thành phố và sử dụng dự phòng. Thứ hai, kiến nghị ngân sách Trung ương bổ sung tối thiểu 13.200 tỷ đồng cho gói hỗ trợ an sinh. Thứ ba, đề xuất Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu chính phủ (ghi nợ ngân sách Trung ương) để phân bổ nguồn vốn này cho thành phố kịp thời giải ngân các dự án đầu tư công đã phê duyệt nhưng bị tắc nghẽn do thiếu vốn.

TPHCM thanh toán chi phí lãi vay theo lãi suất trái phiếu chính phủ tương ứng với phần vốn sử dụng. Với mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ hiện đang khá thấp và hiệu quả của tác động kích thích từ đầu tư công, TPHCM đủ khả năng trả lãi vay. Thứ tư, kiến nghị nâng trần nợ công của TPHCM và tạo điều kiện thuận lợi cho phép TPHCM phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tài trợ cho các dự án đầu tư vào hạ tầng y tế, hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế số và chuyển đổi số. Thứ năm, từ năm ngân sách 2022, kiến nghị Trung ương chấp thuận điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ mức 18% lên mức 23%. 

Khi phải triển khai một lúc nhiều chính sách như vậy, việc tổ chức như thế nào để đạt được hiệu quả? 
Tái khởi động, phục hồi diễn ra trong thời gian dài hơn so với giai đoạn giãn cách. Do đó, cần đảm bảo cơ chế quản lý hiệu quả mang tính bao trùm từ cấp Trung ương đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trước hết là các tỉnh giáp ranh với TPHCM và nhất là ngay trên địa bàn TPHCM. Chúng tôi cho rằng cần đặc biệt lưu ý đến vai trò điều phối chính sách phục hồi kinh tế phải gắn đồng bộ với các chính sách khác như an sinh xã hội, y tế, phòng chống dịch, tiêm vaccine, lao động - việc làm, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo… để đạt được sự thống nhất xuyên suốt, cả trong nhận thức và thực thi từ chính quyền cấp phường xã, quận huyện đến cấp thành phố, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. 
Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy kiến tạo các động lực phục hồi kinh tế cần cả sự phối hợp theo chiều ngang (giữa các bộ ngành) và sự phối hợp theo chiều dọc (giữa các cấp chính quyền) mới có thể đảm bảo sự cân bằng để đem lại hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục