Từng bước “đánh thức” doanh nghiệp và nông dân

Những ngày cuối tháng 9-2021, 140 công nhân của Nhà máy đường Phụng Hiệp đã được trở lại hoạt động để chuẩn bị vào vụ mía 2021-2022.

Đây là tin vui cho nông dân trồng mía ở Hậu Giang. Nó còn là chỉ dấu quan trọng của Hậu Giang trong thực hiện mục tiêu kép, vừa làm tốt phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì và tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Hậu Giang đang tận dụng khoảng thời gian vàng để giúp DN rời trạng thái “ngủ đông”, sớm đưa nhịp sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường. 

Ngoài hỗ trợ nông dân trên địa bàn thu hoạch lúa, tỉnh Hậu Giang còn chi viện máy gặt đập liên hợp giúp nông dân Bạc Liêu và Sóc Trăng thu hoạch lúa
Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, mở rộng hoạt động

Hàng ngàn nông dân ở vùng trồng mía trọng điểm huyện Phụng Hiệp vui mừng khi hay tin nhà máy đường chuẩn bị đi vào hoạt động. “Tỉnh đã phê duyệt và cho phép 140 người trở lại nhà máy đường để chuẩn bị hoạt động. Các công nhân này được xét nghiệm và đưa vào diện ưu tiên tiêm vaccine Covid-19”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết. 

Được biết, Nhà máy đường Phụng Hiệp (trực thuộc Công ty CP Mía đường Cần Thơ - CASUCO) là một trong 20 DN được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiều DN đã và đang duy trì hoạt động, có DN số lượng công nhân trên 1.000 người. Số lượng DN và công nhân hoạt động trở lại chủ yếu tập trung trong khu, cụm công nghiệp do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quản lý.

Ông Phạm Tiến Hoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho biết, thời gian vừa qua, tỉnh Hậu Giang đã phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt trên địa bàn. Tỉnh cũng tạo nhiều điều kiện cho DN như tiêm vaccine cho công nhân; những DN nào đủ tiêu chuẩn “3 tại chỗ” tỉnh cũng hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động. Theo ông Phạm Tiến Hoài, điều đầu tiên để DN hoạt động lại một cách bình thường, các cơ quan, ban ngành của tỉnh và địa phương phải chủ động hoạt động trở lại một cách bài bản. Những cơ quan như Sở Xây dựng, Sở NN-PTNT, Sở GTVT, Sở TN-MT phải khôi phục hoạt động để xử lý giấy tờ và những yêu cầu của DN, bởi khi DN đi vào hoạt động sẽ phát sinh nhiều giấy tờ liên quan đến các cơ quan nói trên. 

“Trước mắt, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hậu Giang phải sớm có cuộc họp với DN để triển khai hướng dẫn chi tiết các chính sách hỗ trợ DN. Chỉ khi ngân hàng tổ chức họp mặt, hướng dẫn với những trường hợp cụ thể thì DN sẽ dễ nắm bắt để hoàn thiện thủ tục về các chính sách hỗ trợ”, ông Phạm Tiến Hoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, nói thêm.

Tận dụng mọi cơ hội 

ĐBSCL đang vào cuối vụ thu hoạch lúa đông xuân. Nhiều địa phương đang thiếu máy gặt đập liên hợp. Tuy nhiên, trong 1 tháng qua, báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang gửi Tổ công tác phía Nam (Bộ NN-PTNT) về phương tiện thu hoạch luôn là đủ. Hậu Giang là địa phương đã chủ động nguồn lực và chi viện nhiều máy gặt đập liên hợp cho một số địa phương lân cận để hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa. Sở NN-PTNT và Sở Công thương tỉnh Hậu Giang đã phối hợp chặt chẽ, giúp nông dân trong tỉnh tìm đầu ra cho hàng chục ngàn tấn nông sản trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội. 

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, nhờ phòng chống tốt dịch Covid-19, nhiều địa phương trong tỉnh đã được áp dụng Chỉ thị 15, nhiều thương lái thu mua nông sản tại địa phương đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tại cơ sở các đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên cũng vào cuộc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản (giúp thu hoạch, vận chuyển đến chốt giao hàng); đăng thông tin trên trang Thị trường nông sản Hậu Giang để kết nối giữa nông dân cần bán nông sản và thương lái. Hiện Hậu Giang có 76/82 vựa thu mua nông sản hoạt động. Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên (Tập đoàn Tiến Thịnh), chuyên cung cấp chuỗi dịch vụ logistics đã làm rất tốt khâu dự trữ hàng hóa. Hiện các kho của DN đã tiếp nhận dự trữ gần 13.000 tấn hàng hóa nông sản của DN ở các tỉnh, thành Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ... Doanh nghiệp Hạnh Nguyên đang chuẩn bị tiếp nhận 500 tấn khoai lang đã mua của nông dân để dự trữ. 

Còn theo ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, bình quân mỗi ngày, thông qua sự kết nối của các ban ngành, có khoảng 18-25 tấn rau củ quả của nông dân được tiêu thụ. Gần nhất là hỗ trợ các DN, hợp tác xã (HTX) cung cấp gói combo do Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT triển khai; kết nối tiêu thụ với HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo đó, gần 2.000 tấn nông sản các loại của nông dân đã được tiêu thụ. 

Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có 21 HTX tham gia cung ứng chương trình combo nông sản, trong đó, 6 HTX làm đầu mối trực tiếp. Các sản phẩm chủ yếu trong combo là rau củ quả, trứng, thủy sản, gạo, các sản phẩm chế biến khác của Hậu Giang, mỗi ngày có khả năng cung ứng từ 15-20 tấn nông sản cho TPHCM. Kết quả từ kênh kết nối tiêu thụ nông sản dưới dạng combo, đã giúp Hậu Giang tiêu thụ được 33.844 combo (các loại combo có giá từ 75.000-400.000 đồng). 
Duy trì kênh mua bán, sẵn sàng kho dự trữ nông sản, cho phép nhiều DN đủ điều kiện hoạt động trở lại... Hậu Giang đang cố gắng từng bước đưa nhịp sống người dân trở lại bình thường...

Nhiều DN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đề xuất, UBND tỉnh Hậu Giang cần nghiên cứu từng bước thực hiện nới lỏng giãn cách cho các DN “3 tại chỗ”. DN đã cố gắng thực hiện nghiêm “3 tại chỗ” trong thời gian giãn cách, nay địa bàn đã được xanh hóa thì nên bỏ “3 tại chỗ” vì đã có nhiều quy định ràng buộc việc đi lại. Ví dụ tại huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang (nơi có Khu công nghiệp Nam Sông Hậu), là vùng xanh nên tháo gỡ “3 tại chỗ”, cho công nhân đi lại trong khu vực vùng xanh huyện Châu Thành. Đây là điều quan trọng cần thiết để góp phần giảm áp lực cho DN, giảm bớt căng thẳng cho công nhân. 

Tin cùng chuyên mục