Từ vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm: Một điểm nhìn… công bằng

Thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm khiến dư luận xôn xao, như khi doanh nghiệp này từng tạo ra “cơn địa chấn” với việc trúng giá đấu thầu cao gấp 8 lần giá thị trường, gấp 7 lần giá khởi điểm.
​Lô đất số 3-12 Thủ Thiêm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
​Lô đất số 3-12 Thủ Thiêm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuy nhiên, diễn biến này dù ít nhiều đến từ các hệ lụy chủ quan của doanh nghiệp lẫn những biểu hiện cho thấy sự tác động khá bất thường lên giá đất khu vực lân cận sau mức giá “lịch sử”; thì vẫn không làm thay đổi về chủ trương và phương thức điều hành đúng đắn đối với đấu giá đất công, cụ thể qua cuộc đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm. 

Trong chỉ đạo xử lý các tồn tại ở Thủ Thiêm, chủ trương từ Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng đều thống nhất đặt vấn đề là TPHCM nhanh chóng đấu giá nhà đất để thực hiện các nghĩa vụ tài chính, cũng như tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố. UBND TPHCM đã được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Thành ủy và tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản công, đất công.

Về phương thức triển khai chỉ đạo nói trên, đấu giá nhà đất (công) là một lựa chọn tối ưu nhất hiện nay, thay vì chỉ định giá, chỉ định thầu cho một vài doanh nghiệp, tập đoàn vốn gây ra nhiều hệ lụy pháp lý về sau. Đây cũng là cách để tối ưu hóa nguồn lực đất đai - tài sản công mà thế giới đang áp dụng. Bởi để đưa được tài sản (công) đủ điều kiện tham gia cuộc đấu giá, Nhà nước phải đáp ứng hoàn chỉnh các tiêu chí để cung cấp một tài sản - đất “sạch”. Khung pháp lý đã được đảm bảo bởi chuỗi quy trình - trách nhiệm thông qua các bộ (sở) ngành, vốn được hiểu như là một đặc quyền (warrant) đã được định giá trước khi trao cho nhà đầu tư.

Đấu giá đất - tài sản công là hình thức định giá các quyền và đặc quyền trong các thương vụ mua - bán, trao đổi này. Nó tạo ra quy trình công khai, minh bạch, xây dựng một tiền đề tốt cho việc phòng chống các hiện tượng tham nhũng, lợi ích nhóm và được kỳ vọng đem lại lợi ích về kinh tế cao nhất cho Nhà nước.

Trong cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho địa phương là một trong 8 trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013. Đây không phải là lần đầu, cũng không là lần cuối thành phố triển khai phương thức này; bởi như đã nói, nó đã và đang là thông lệ chung của thế giới, thể hiện tính đúng đắn về mặt pháp lý và mang lại nhiều lợi ích cho ngân sách thành phố. Vấn đề là cần thiết lập một “chuẩn mực” cho việc sử dụng tài sản công, đảm bảo tính công khai, nhưng cũng phải thật sự công bằng - với thị trường chung để tạo nguồn lực phát triển cho TPHCM trên mọi lĩnh vực.

Mức đấu giá thành công của Tân Hoàng Minh là một hiện tượng “bất thường”, không chỉ khiến nhà đầu tư, người dân hoang mang, mà cả nhà quản lý chính sách, điều hành kinh tế cũng bày tỏ quan ngại. TPHCM, với những bài học đau xót đến từ hệ lụy quản lý tài sản công vẫn còn nóng hổi, bằng tất cả sự cẩn trọng và trách nhiệm thực thi, đã rà soát, kiểm chứng pháp lý đối với quy trình đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm là hoàn toàn công khai, minh bạch, đúng với pháp luật hiện hành.

Ngay cả khi những người trúng đấu giá đã ký hợp đồng, sẽ trình lên UBND TPHCM phê duyệt kết quả đấu giá, ngày 30-12-2021, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vẫn thận trọng phát biểu “mong muốn lắng nghe ý kiến về vụ đấu giá đất” nhằm đạt được mục tiêu của cuộc đấu giá là tăng nguồn vốn cho thành phố sau đại dịch Covid-19. “Thành phố cũng có báo cáo với Chính phủ để các cơ quan trung ương cùng thành phố phân tích nhận diện vấn đề”, người đứng đầu chính quyền TPHCM nhấn mạnh.

Sau khi cuộc đấu giá kết thúc, các thủ tục được tiến hành chặt chẽ nhằm đảm bảo trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính của các chủ thể thắng đấu giá. Không loại trừ khả năng chủ thể thắng đấu giá nhưng không thực hiện đúng cam kết thì xử phạt theo quy định. Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc là đồng nghĩa với việc mất gần 600 tỷ đồng.

Tuy vậy, rất cần một điểm nhìn cân bằng và công bằng đối với những vấn đề thuộc kinh doanh - thương mại, tránh hình sự hóa hoạt động kinh tế. TPHCM một mặt cần kiên quyết xử lý hiện tượng thổi giá đất, nạn đầu cơ bất động sản, gây rối nhiễu thị trường đất; mặt khác, trong những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố có thể kiến nghị Trung ương sớm có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thực thi hiệu quả. 

Một trong số đó, với thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ, là thúc đẩy lại Luật Thuế tài sản, phổ biến nhất là thuế bất động sản đánh trên giá trị nhà và đất (đã được thực hiện ở nhiều quốc gia). Công cụ thuế sẽ khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai, đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó và tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản, sau đó sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường.

Tin cùng chuyên mục