Từ vụ án mạng vì hát karaoke gây ồn

Tuần qua, địa bàn huyện Bình Chánh (TPHCM) đã xảy ra một vụ án mạng có nguyên nhân vì hát karaoke gây ồn, dẫn đến xô xát. Trong lúc nhậu ở dãy trọ, nhóm thanh niên mở loa kéo hát karaoke với âm lượng lớn. Một cư dân ở gần đó đã ra nhắc nhở, rồi bị một người trong nhóm nhậu hung hăng cự cãi, đâm chết. 
Karaoke trong khu dân cư đã trở thành tệ nạn, gây ô nhiễm tiếng ồn và gây stress. Ảnh minh họa
Karaoke trong khu dân cư đã trở thành tệ nạn, gây ô nhiễm tiếng ồn và gây stress. Ảnh minh họa

Đây không phải là án mạng đầu tiên và cũng có thể chưa phải là án mạng cuối cùng liên quan đến việc hát hò với loa karaoke kéo. 

Trước đây, để trang bị một dàn karaoke tại nhà phải tốn nhiều tiền sắm tivi, ampli, loa, đầu karaoke, micro. Còn ngày nay chỉ với micro, smartphone, cùng chiếc loa karaoke kéo giá rẻ, người ta đã có thể hát với âm thanh gây náo loạn cả khu dân cư. Vì tiện lợi, rẻ tiền nên nhiều hộ sắm dàn karaoke và cứ bật hát mọi lúc mọi nơi. Đám cưới hát, đám ma cũng hát, từ tiệc mừng đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, cho tới họp mặt tất niên, tân niên lẫn mừng thọ các cụ, đều không thể thiếu tiết mục hát karaoke. Để hát với loa karaoke kéo cho đã, người ta mang ra ngoài đường, công viên, bờ sông, các bãi đất trống; tha hồ tra tấn mọi người.

Điểm a, khoản 1, Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền 100.000-300.000 đồng. Hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, phải chịu xử phạt hành chính. Theo Điều 17, Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, tùy trường hợp, người vi phạm các quy định về tiếng ồn có thể bị phạt 1-160 triệu đồng.

Quy định là vậy, nhưng ít thấy ai bị phạt do hát karaoke gây ồn, vì để xử lý các trường hợp vi phạm về tiếng ồn phải đo tiếng ồn, xác định vượt quá quy chuẩn cho phép mới xử phạt được. Trong khi các phường xã không có thiết bị đo tiếng ồn, phải gọi đơn vị có chức năng. Việc này không thể kịp thời để có thể xử lý, trong khi hậu quả ảnh hưởng lên thần kinh, thể trạng con người là thấy rõ. Điều người dân cần không phải là người gây ồn bị xử phạt chút tiền, mà là phải ngăn chặn được hành vi này trên diện rộng. 

Do thiếu kiên quyết trong việc xử lý những trường hợp hát karaoke gây ồn trong khu dân cư nên nhiều cư dân vẫn liên tục bị “tra tấn” vì loa karaoke kéo, xảy ra bất hòa trong khu dân cư, thậm chí xảy ra án mạng. Karaoke trong khu dân cư đã trở thành tệ nạn, gây ô nhiễm tiếng ồn và gây stress, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cư dân từ thôn quê đến đô thị.

Vụ án mạng ở Bình Chánh cho thấy đã đến lúc các cơ quan chức năng phải quyết tâm xử lý triệt để nạn hát karaoke gây ồn trong khu dân cư, bằng việc thành lập tổ công tác liên ngành có đủ quyền hạn xử phạt các hành vi vi phạm như vậy. Khi cư dân bị “tra tấn” vì tiếng loa karaoke kéo thì nên báo cho những người có trách nhiệm (bảo vệ chung cư, tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực); tránh đối đầu trực tiếp nhằm hạn chế xảy ra cãi vã, xô xát giữa một bên đang bức xúc cao độ, còn bên kia không thể làm chủ bản thân do bia rượu.

Tin cùng chuyên mục